Lãi suất cho vay sẽ giảm

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời phấn đấu tăng trưởng tín dụng cao hơn hoặc bằng 20%. Như vậy, rất nhiều kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới.

Nhiều ngân hàng "mở cờ trong bụng" khi Chính phủ vừa có chỉ đạo nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên ít nhất 20%.

Trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, Chính phủ vừa có chỉ đạo nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên ít nhất 20%.

Ngân hàng “mở cờ trong bụng”

Theo báo cáo Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nếu đạt mức tăng này thì đây là năm tăng trưởng tín dụng kỷ lục kể từ năm 2010. "Với 5,5 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2016 và tín dụng toàn hệ thống tính tới hết tháng 6 đã tăng 9,06%, ước tính có tới 600.000 tỷ đồng tín dụng được cung ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm” - báo cáo của SSI cho hay.

Về việc mở room tín dụng lên 20%, HSC dự báo các ngân hàng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Vì trong 6 tháng đầu năm nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết định mức room tín dụng, như VIB đã dùng gần hết room tăng trưởng tín dụng được giao cho cả năm ở mức 16%, với dư nợ tín dụng đạt 75.686 tỷ đồng, tăng 15,7. Với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được Ngân hành Nhà nước (NHNN) giao từ đầu năm (16%), VIB đã dùng gần hết (15,7%).

Hay VPBank, kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này đã tăng 12%, từ mức 144.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016 lên 162.000 tỷ đồng cuối tháng 6/2017. Như vậy, so với room tín dụng được giao ở mức 16% thì 6 tháng còn lại của năm 2017, VPBank chỉ còn dư địa 4% để tăng trưởng. Trong khi đó, đây là khoảng thời gian nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao do vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm cũng như chi tiêu của người dân tăng mạnh, tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng thị phần tín dụng, thu lợi nhuận lớn.

Tương tự tại OCB, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 14%, nhưng trong 6 tháng tổng dư nợ thị trường 1 đã tăng trưởng 13,5% so với năm 2016 và gần 25% so với cùng kỳ, đạt hơn 44.960 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch lũy kế.

MB cũng đã đạt được mức tăng trưởng tín dụng 15% trong khi kế hoạch cả năm 2017, tổng dư nợ cho vay tăng 16%. Tại Kienlongbank, dư nợ cấp tín dụng cũng đã tăng 15,8%, hoàn thành 92,67% kế hoạch năm.

Vài tháng trước, LienVietPostBank cũng đã cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp tối đa là 16%, nhưng với kế hoạch đẩy mạnh tín dụng rộng khắp cả nước và vào nông nghiệp nên dự kiến sẽ vượt mức này. Do đó, khi cho vay hết hạn mức được cấp, ngân hàng sẽ xin NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng.

Chính vì sử dụng gần hết room tín dụng nên nhiều ngân hàng đã xin nới room tín dụng tuy nhiên NHNN chưa phê duyệt. Như vậy thì với chỉ đạo mới đây của Thủ tướng thì có lẽ chuyện xin nới room tín dụng thêm của các ngân hàng chắc sẽ sớm được phê duyệt.

Lãi suất cho vay có giảm?

Theo thống kê, lợi nhuận của 7 ngân hàng niêm yết trong quý nửa đầu năm 2017 đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Khối ngân hàng này có thể tăng trưởng thêm 12% do mở room tín dụng, tức lên 40.450 tỷ đồng, tăng 32,16%. Song để đạt được điều này, HSC cho rằng còn phụ thuộc vào mức lãi suất đầu ra, bởi không ngoại trừ việc các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể tín dụng rủi ro sẽ chảy vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, BOT...

Cũng trong phiên họp vừa qua, đối với NHNN, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay.

Trước đó, liên quan chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Theo Thống đốc, hệ thống ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô và NHNN đã giảm một loạt lãi suất điều hành.

Ghi nhận trên thị trường tài chính có hàng loạt ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, 4 ngân hàng quốc doanh lớn đồng loạt giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên. VietinBank và Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm. BIDV giảm từ 0,5-1%/năm trong khi Vietcombank cũng điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Bên cạnh đó còn có các NHTM cổ phần như LienVietPostBank, VPBank, SHB, Sacombank....

Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam thì, tác động chính sách, quyết định cắt giảm lãi suất trên mang tính thăm dò phản ứng thị trường do tâm lý thận trọng của NHNN. Do đó, cần thời gian để đánh giá tác động của chính sách này. Trong trường hợp tích cực, không loại trừ khả năng về một đợt giảm tiếp khoảng 0,25% và kéo dài đến giữa năm 2018.

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/lai-suat-cho-vay-se-giam-d60672.html