Lãi suất đảo chiều

Từ đầu tháng 4, đã có 16 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm, trong đó có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng tới 2 lần giai đoạn này.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng đã có xu hướng tăng trở lại từ đầu tháng 4. Ảnh: Chí Hùng.

Từ đầu quý II/2024, lãi suất tiền gửi trên kênh ngân hàng đã ghi nhận những tín hiệu đảo chiều khi hàng loạt ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất. Khảo sát trong tháng 4 vừa qua, đã có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trong khi số lượng ngân hàng thông báo giảm lãi suất chỉ là 12 nhà băng.

Đáng chú ý, trong đợt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lần này có cả những ngân hàng quy mô lớn.

Lãi suất vào "sóng tăng" mới?

Trong hầu hết thời gian của quý I/2023, thị trường trong nước "phủ sóng" với câu chuyện giảm lãi suất liên tục từ các ngân hàng. Thậm chí, có những ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tới 3-4 lần chỉ trong một tháng.

Tuy vậy, đến đầu tháng 4, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã rục rịch tăng tại một số nhà băng.

Từ trung tuần tháng 4, sóng tăng lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng đã áp đảo xu hướng giảm. Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây của VietinBank, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành, cũng cho biết trong những tuần đầu tháng 4, đã có 15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất, trong khi chỉ có 12 ngân hàng giảm lãi suất huy động.

Ngay đầu tháng 4, HDBank đã thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm áp dụng đối với các khoản tiền gửi mới của khách hàng cá nhân.

Trong đó, ngân hàng này tăng lãi suất thêm 0,2 điểm % đối với các kỳ hạn dài 12-18 tháng trên kênh online. Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm của khách hàng cá nhân gửi kỳ hạn 12 tháng tại HDBank tăng lên 5%/năm; gửi 13 tháng tăng lên 5,2%/năm; gửi 15 tháng lên 5,8%/năm và gửi 18 tháng lên 5,9%/năm.

Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất được HDBank giữ nguyên. Trong đó, kỳ hạn 1-5 tháng được chi trả lãi suất 2,95%/năm; gửi 6 tháng được trả 4,6%/năm; gửi 7-11 tháng được trả 4,4%/năm. Tương tự, kỳ hạn gửi 24 tháng trở lên cũng được ngân hàng này giữ nguyên lãi suất ở mức 5,5%/năm.

HDBank là một trong những ngân hàng tăng lãi suất từ nửa đầu tháng 4. Ảnh: Chí Hùng.

Trước tháng 4, mức lãi suất tiền gửi thường (không yêu cầu hạn mức tối thiểu) cao nhất trên thị trường là 6%/năm, do OCB áp dụng với các khoản tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng. Đến nay, mức lãi cao nhất này đã tăng lên 6,1%/năm và do OceanBank chi trả, cũng với khoản tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng.

Để có mức lãi suất cao nhất thị trường này, OceanBank đã phải tăng tới 0,9 điểm % lãi suất.

Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động của OceanBank cũng đã tăng 0,1-0,3 điểm % trong tháng vừa qua, lên 2,9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng; kỳ hạn 3 tháng hưởng lãi 3,2%/năm (+0,1%); kỳ hạn 6-8 tháng ở mức 4%/năm (+0,2%).

Lãi suất kỳ hạn gửi tiền 12-13 tháng cũng được nhà băng này đưa lên mức 5,4%/năm (+0,5%); kỳ hạn 15 tháng tăng lên mức 5,5%/năm (+0,6%); và kỳ hạn 18 tháng tăng lên thành 5,9%/năm (+0,7%).

Tương tự, một loạt ngân hàng như VPBank, Techcombank, SHB, Eximbank, MSB, Kienlongbank, NCB... đều đã đưa ra biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới trong tháng vừa qua với xu hướng tăng 0,1-0,5 điểm % tại hầu hết kỳ hạn.

Đáng chú ý, không điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động trực tiếp nhưng VietinBank - một trong 4 ngân hàng quốc doanh - cũng áp dụng chính sách cộng lãi suất huy động cho khách hàng gửi tiền trên kênh online, áp dụng với các khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên.

Mức lãi suất cộng thêm dao động trong khoảng 0,2-0,4 điểm %, tùy kỳ hạn và giá trị tiền gửi của khách hàng.

Lãi suất đã chạm đáy

Đánh giá về tình hình lãi suất, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho biết trong bối cảnh tỷ giá USD/VND dự báo còn tăng thêm khoảng 0,5-1,5%, chắc chắn lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ tăng lên. Tuy vậy, ông cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái để ổn định lại tình hình tỷ giá.

Tương tự, nhiều lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng nhìn nhận lãi suất đang có xu hướng đảo chiều.

“Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm”, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB chia sẻ tại phiên họp cổ đông mới đây.

Trong khi đó, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, cũng cho rằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tăng lên. Dù vậy, ông Huy cho rằng mức tăng lãi suất sẽ không nhiều, và khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý.

Dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5-1,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái để ổn định lại tỷ giá. Trong bối cảnh này, lãi suất ngân hàng chắc chắn sẽ tăng

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank

Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động là do dòng tiền chảy vào kênh tiết kiệm đã giảm mạnh, trong khi nhiều kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối… liên tục tăng cao.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 1 năm nay, số dư tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đã giảm gần 35.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, đạt khoảng 6,5 triệu tỷ đồng. Đây là lần đầu số dư tiền gửi của người dân tại các ngân hàng sụt giảm trong hơn 2 năm qua. Trước đó, dòng tiền gửi này liên tục tăng bình quân khoảng 50.000 tỷ đồng/tháng.

Tương tự, số dư tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tại các ngân hàng cũng đã giảm 165.000 tỷ đồng (-2,4%) trong tháng 1, xuống còn 6,67 triệu tỷ đồng.

CTCP Quản lý quỹ Dragon Capital đánh giá lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,3-0,5 điểm % trong các tháng tới. Tổ chức này cho rằng đây có thể coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam cũng dự báo mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều khả năng đã tạo đáy và có thể nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/lai-suat-dao-chieu-post1473346.html