Lãi suất ngân hàng có ủng hộ chứng khoán tháng 3?

Chứng khoán tháng 3 nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động giằng co tích lũy nhưng theo xu hướng đi lên nhiều hơn.

Những thay đổi của nền kinh tế được thị trường phản ánh khá rõ nét trong tháng 2, sự thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong những tuần giáp Tết đã đẩy lãi suất cho vay tăng cao, “bóng ma” lạm phát đang có nguy cơ quay trở lại và điều này đã khiến cho nhà đầu tư giữ thái độ thận trọng. Thị trường đã có một tháng giao dịch ảm đạm, giá trị giao dịch trên hai sàn đạt mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009, tại sàn Tp.HCM giá trị giao dịch trung bình phiên trong tháng 2 đạt 1.047 tỷ đồng/phiên, giảm gần 40% và giảm đến 53% trên sàn Hà Nội, so với tháng 1. Phản ánh sự quan ngại khi lãi suất cao Nỗi lo lạm phát leo thang những tháng sau Tết đã khiến nhà đầu tư ngại rủi ro và thực tế sau những phiên tăng điểm ấn tượng trước Tết, thị trường đã chuyển hướng tiêu cực khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 được công bố. Cả VN-Index và HNX-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 lần lượt giảm 1,67% và 0,5% so với phiên giao dịch trước Tết. Đúng như các chuyên gia lo ngại, nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp Tết đã khiến CPI tháng 2 tăng mạnh. Với mức tăng lên đến 1,96%, CPI hai tháng đầu năm đã tăng 3,35% so với tháng 12 năm ngoái và tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2009. Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trở nên cực kỳ khó khăn. CPI tăng mạnh khiến một số tổ chức nước ngoài quan ngại Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sớm tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát. Việc điều chỉnh tăng giá của các sản phẩm thiết yếu như xăng dầu, than, điện, nước… đang và sẽ góp phần đẩy giá cả của nhiều mặt hàng khác tăng theo. Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” do kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục và việc điều chỉnh tỷ giá lên mức 18.544 đồng/USD gần đây của Ngân hàng Nhà nước đang khiến cho chi phí đầu vào của nhiên liệu và một số nguyên vật liệu nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng hoặc vẫn đứng ở mức cao. Tuy vậy, việc nhập siêu đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 2 khi con số này chỉ có 700 triệu USD, đây là tin khá tích cực vì nó góp phần làm hạ nhiệt tốc độ tăng theo tháng của chỉ số CPI. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản 8%/năm trong tháng 3 và ban hành thông tư số 07/2010. Theo đó, các ngân hàng được phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận với các khách hàng vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển. Thông tư trên sẽ góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, tuy nhiên nó cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải vay vốn với chi phí cao, vì vậy giá thành sản phẩm sẽ tăng và giá cả nhiều mặt hàng cũng sẽ lên theo. Giữa lúc nhà đầu tư trong nước phân vân trước những yếu tố vĩ mô bất lợi, khối ngoại tiếp tục là người dẫn dắt thị trường trong tháng 2. Thống kê trong 5 phiên giao dịch gần nhất, tỷ trọng giao dịch của khối này chiếm gần 20% giá trị thị trường. Danh mục mua bán của khối này phần lớn là những blue-chip có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường như VNM, BVH, VSH, PPC, SSI…Tuy nhiên, nhìn vào đồ thị ta có thể thấy, giá trị mua ròng của khối này đang có dấu hiệu giảm sút sau khi đạt đỉnh vào tuần giao dịch đầu tiên của tháng 2. Biểu đồ giá trị mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài theo tuần. Theo thống kê của sàn Tp.HCM, với 5 tháng mua ròng liên tục từ tháng 10/2009, giá trị mua ròng của khối này đạt trên 3.678 tỷ đồng, vì vậy, nhiều khả năng khối này sẽ không còn mua ròng nhiều như những tuần gần đây. Giằng co tích lũy nhưng theo xu hướng đi lên Thanh khoản tiếp tục sẽ là một chỉ báo quan trọng cho xu hướng của thị trường, mặc dù có cải thiện trong những phiên giao dịch cuối tháng 2 nhưng nhìn chung khối lượng giao dịch vẫn còn đứng ở mức thấp. Chúng ta có thể kỳ vọng vào một đợt gia tăng vững chắc của thị trường nếu giá trị giao dịch tại sàn Tp.HCM đạt hơn 2.000 tỷ đồng/phiên. Lãi suất thực tế trở nên đáng quan tâm khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận và giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8%. Lãi suất cho vay thực tế đang đứng ở mức cao và phổ biến ở mức từ 16-18% đã khiến cho thị trường chứng khoán diễn biến không mấy tích cực trong thời gian qua. Có thể cần phải có thêm thời gian để lãi suất giảm dần và đi vào ổn định nhưng có thể thấy lãi suất khó có thể tăng cao hơn nữa và vì vậy, đây chính là giai đoạn tích lũy cổ phiếu chờ thị trường bùng nổ khi lãi suất hạ nhiệt. Tâm lý lo ngại lạm phát gia tăng và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm do chi phí sử dụng vốn tăng cao sẽ khiến cho nhà đầu tư tiếp tục giữ thái độ thận trọng. Tuy vậy, với sự hạn chế của lực cung giá thấp do tiền đầu tư chủ yếu là tiền tự có cùng với lực cầu mạnh ở vùng giá thấp sẽ khiến cho thị trường khó có khả năng giảm điểm sâu. Với những khó khăn còn hiện hữu của nền kinh tế, khả năng cho sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán trong tháng 3 là có thể xảy ra. Và nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục biến động giằng co tích lũy nhưng theo xu hướng đi lên nhiều hơn. Đồ thị kỹ thuật của chỉ số VN-Index cho thấy ngưỡng hỗ trợ tại 480 và ngưỡng kháng cự tại 520 điểm là khá mạnh, bất kỳ một sự phá vỡ các ngưỡng này đều cần phải có thông tin đủ mạnh để tác động. Người viết cho rằng thị trường sẽ còn tiếp tục biến động trong vùng này trong nhiều phiên tới đây. Tuy vẫn còn thận trọng trong ngắn hạn nhưng có thể khá lạc quan trong trung hạn khi nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn hứa hẹn một sự tăng trưởng tốt trong năm 2010. Việc tích lũy cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt thuộc các ngành như: bất động sản, ngân hàng, cao su tự nhiên, điện, khai khoáng… trong những phiên thị trường điều chỉnh xem ra là hành động khá hợp lý trong thời điểm này. * Tác giả bài viết hiện là Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Việt (DVSC).

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/2010022708175677p0c7/lai-suat-ngan-hang-co-ung-ho-chung-khoan-thang-3.htm