Lãi suất tăng lên từ đáy, trăm nghìn tỷ quay lại ngân hàng?

Kể từ tháng 4, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Trước đó, do nền lãi suất huy động thấp cùng với nhiều yếu tố khác khiến lượng tiền gửi của người dân lần đầu tiên giảm trong vòng hơn 2 năm qua.

Làn sóng tăng lãi suất trở lại

Từ đầu tháng 5 đến nay, đã có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Mới đây nhất, Techcombank đã điều chỉnh tăng 0,1 điểm % đối với tất cả các kỳ hạn gửi tiết kiệm. Đáng nói, trước đó một ngày, Techcombank cũng đã có đợt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng trung bình 0,3 – 0,4 điểm %.

Nhiều ngân hàng khác như SeABank, PGBank, TPBank, ACB, Sacombank, VIB, Bac A Bank, NCB, BVBank cũng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất.

Tính đến ngày 11/5, đối với kỳ hạn 1 – 3 tháng, lãi suất tiết kiệm hiện thấp nhất là 1,6%/năm tại Agribank và cao nhất 3,4%/năm tại NCB, Nam Á Bank, VietinBank. Đối với kỳ hạn 6 – 9 tháng, lãi suất tiết kiệm thấp nhất là 2,9%/năm tại SCB, Vietcombank và cao nhất 5,3% tại OceanBank. Đối với kỳ hạn 12 – 18 tháng, lãi suất tiết kiệm thấp nhất là 3,9% tại ABBank và cao nhất là 5,8% tại HDBank và OceanBank.

Trong tháng 4, nhiều ngân hàng cũng đã rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm. Chia sẻ với VietnamFinance, đại diện của Viện Nghiên cứu Khoa học thuộc Học viện Ngân hàng cho biết, “Chênh lệch tăng tín dụng – tiền gửi tại hệ thống đạt mức 230.000 tỷ đồng, kết hợp với động thái hút tiền mặt qua tín phiếu hơn 171.000 tỷ đồng, khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm so với cuối năm. Đảo chiều tăng trưởng tín dụng và huy động tạo tín hiệu khiến các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất”.

Bên cạnh đó, “một yếu tố khác tác động đến việc tăng lãi suất huy động là sự tăng giá của các tài sản khác”, chuyên gia từ Học viện Ngân hàng nói.

Trong quý I/2024, giá các tài sản khác, bao gồm vàng, chứng khoán, và bất động sản đều chứng kiến đà tăng mạnh. Điều này khiến người dân đổ tiền dư thừa vào các tài sản tài chính thay vì tiền gửi ngân hàng, trong tương quan so sánh giữa lãi suất huy động với lợi tức từ đầu tư.

“Do đó, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất huy động theo xu hướng chung, nếu muốn tăng sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn từ dân cư”, vị chuyên gia này cho biết.

Dòng tiền sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng?

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại hệ thống tổ chức tín dụng đều giảm mạnh trong tháng 1/2024. Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của dân cư gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm hơn 34.600 tỷ, tương đương giảm 0,53%.

Đây là lần đầu tiên lượng tiền gửi của người dân giảm trong vòng hơn 2 năm qua. Trước đó, từ cuối năm 2021, dòng tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng, trung bình hơn 50.000 tỷ đồng/tháng.

Bước sang quý II/2024, lãi suất huy động rục rịch tăng trở lại nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn khó để hàng chục nghìn tỷ đồng của người dân quay trở lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

PSG – TS Nguyễn Hữu Huân nhận định lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ tăng dần. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào biến động của tỷ giá, nếu tỷ giá được kiểm soát thì lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động, ông nói.

Cũng theo ông Huân, mặc dù hạn mức lãi suất huy động tăng nhưng vẫn khó hấp dẫn người dân ở thời điểm này.

“Mặt bằng chung của lãi suất huy động tăng nhưng để được hưởng mức cao thì người dân phải gửi tiền vào ngân hàng ít nhất 200 tỷ đồng trong dài hạn. Song, số tiền lớn trong dân cư không nhiều, với các tổ chức kinh tế thì nguồn vốn lưu động kinh doanh, nên sẽ khó gửi dài hạn. Do đó, lãi suất ngân hàng dù tăng vẫn khó có thể hấp dẫn người dân”, ông lý giải.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/lai-suat-tang-len-tu-day-tram-nghin-ty-quay-lai-ngan-hang-d110635.html