Làm báo thể thao thời 'câu views': Khi World Cup có Việt Nam…

Cùng là làm báo, nhưng nếu so với các mảng khác, dân làm báo thể thao thường tự hào hơn về khả năng dịch chuyển và luôn có cơ hội góp mặt ở những sự kiện quốc tế lớn, chả kém gì đồng nghiệp nước ngoài. Chẳng đâu xa, vòng chung kết FIFA U20 World Cup 2017 vừa diễn ra tại Hàn Quốc là thực tế...

HLV Hoàng Anh Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí.

Lần đầu lịch sử

Nhỏ thì SEA Games, cao hơn thì có ASIAD, thậm chí là Thế vận hội mùa Hè Olympic, kể cả EURO, hay FIFA World Cup..., cánh phóng viên thể thao Việt Nam đều có mặt và nhiều năm gần đây còn có mặt một cách thường xuyên.

Thế nhưng, vòng chung kết FIFA U20 World Cup 2017 lại là sự kiện cực kỳ đặc biệt. Đặc biệt không chỉ bởi đây là kỳ tích lớn của bóng đá Việt Nam, mà còn là lần đầu báo chí thể thao trong nước được đặt chân tới đấu trường hàng đầu thế giới để phản ánh, đưa tin, viết bài về đội tuyển quốc gia, dù chỉ là đội tuyển trẻ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 20 phóng viên Việt Nam được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chính thức cấp thẻ hành nghề tại vòng chung kết FIFA U20 World Cup 2017. Đây cũng là con số phóng viên Việt Nam nhiều nhất tại một kỳ World Cup đã diễn ra.

Chả kém phóng viên Tây

Chẳng còn phân biệt báo viết, báo điện tử, báo nói hay báo hình, bởi đơn giản hầu hết các tòa soạn nay đều đã "hội tụ" đa sản phẩm, đa phong cách... cánh phóng viên thể thao của Việt Nam cũng được trang bị đến tận răng. Những chiếc laptop xịn nhất, máy ảnh hiện đại nhất và không thể thiếu cả các thiết bị để làm báo thời mạng xã hội lên ngôi để livestream, selfie...

Số lượng phóng viên đông đảo có mặt tại Hàn Quốc cùng những trận đấu của đội tuyển U20 Việt Nam cũng như cả giải được phát trên sóng truyền hình và những thông tin khai thác từ nguồn quốc tế, trong nước... đã nhanh chóng biến FIFA U20 World Cup 2017 trở thành từ khóa nóng của báo chí, mạng xã hội.

Thậm chí nếu so với lượng thông tin báo chí quốc tế đưa về giải đấu này, lượng thông tin của báo chí trong nước vượt trội hơn rất nhiều. Các phóng viên Việt Nam cũng chẳng thua kém gì phóng viên Tây khi tác nghiệp trên đất Hàn không chỉ về thiết bị mà ngay về cách thức làm việc chuyên nghiệp.

Một đồng nghiệp có mặt tại Hàn Quốc kể lại, trước đây giới phóng viên trong nước chỉ tập trung theo dõi đội tuyển của chúng ta, nhưng tại World Cup lần này còn "theo dõi" cả các đối thủ. Chính nhờ đó mà đã giúp Ban Huấn luyện đội tuyển U20 Việt Nam phần nào nhận diện được U20 New Zealand để rồi qua đó có được trận hòa đi vào lịch sử.

Báo giấy ngày càng "teo" lại, ai cũng rõ. Nhưng ngay cả lúc này làm báo điện tử cũng đầy khó khăn thách thức khi bị sức ép từ các mạng xã hội, mà áp lực bằng mọi cách để có views mới hy vọng tìm kiếm được quảng cáo, hoặc chí ít kiếm được quảng cáo từ Google. Chỉ có điều, với Google tất cả các tòa soạn chỉ được gọi chung là nhà sản xuất nội dung, ai có nhiều views nhất, người đó mới có tiền. Cũng chỉ vì view để cùng hướng đến cái đích - kiếm tiền từ quảng cáo, PR cho doanh nghiệp, nên cuộc đua ngày càng khốc liệt và nó cũng là cái hệ lụy nảy sinh ra những kiểu làm báo “copy and paste”; “fake news”, “bán cái”… kiểu này trong làng báo thể thao đáng tiếc là khá phổ biến.

Nhưng cũng khó chả kém

Công nghệ, thiết bị hiện đại cùng trình độ làm báo chẳng thua kém với đồng nghiệp quốc tế, tác nghiệp tại các sự kiện quốc tế lớn lúc này không còn là thách thức lớn với dân phóng viên thể thao mà FIFA U20 World Cup vừa qua là minh chứng. Thế nhưng, cũng chính sự phát triển ở mức độ cao như lúc này lại trở thành cái khó cho giới làm nghề.

Thực tế, với tốc độ làm báo nhanh như lúc này, nếu tụt lại đương nhiên là bất lợi lớn, nhưng khi cùng nhanh, cùng bao quát tất cả các sự kiện, vô tình khiến các tờ báo không chỉ tốn kém lớn về nhân lực, vật lực (thậm chí theo tính toán của giới làm nghề thì còn tốn hơn là làm báo giấy trước kia), mà còn lâm vào tình trạng "đồng phục hóa" thiếu những sản phẩm, bài viết mang tính khác biệt. Rồi để có view, có số lượt xem, thời gian trên trang lâu... thì chỉ làm báo cho riêng tòa soạn là không đủ mà còn phải biết share, đẩy link... lên các mạng xã hội, các group nhằm tăng tính quảng bá.

Cái khó chung của làng báo, nhưng là cái cực khó của làng báo thể thao hiện nay thì mọi thông tin đều mở và ai cũng có thể... viết báo thể thao. Chính vì thế, khi World Cup có Việt Nam, đó là cột mốc lịch sử trong làm nghề, nhưng đến giờ, ai, tòa soạn nào dám nói "cứng" - mình kiếm được bao nhiêu từ FIFA U20 World Cup.

Hoàng Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-bao-the-thao-thoi-cau-views-khi-world-cup-co-viet-nam%e2%80%a6.aspx