'Làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam rất dễ đi tù!'

Bóng đá Việt Nam đã lên chuyên nghiệp mùa thứ 17 nhưng chính người trong cuộc chia sẻ thì lại nói làm công tác quản lý rất dễ đi tù bởi nhiều CLB đang phải “lèo, lách” những cái sai.

Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với nhà báo Vũ Công Lập, Chủ tịch CLB SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh và Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng… Nếu nhà báo Vũ Công Lập và Chủ tịch CLB SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh đều là những “người lớn”, hiểu về bóng đá Việt Nam qua các giai đoạn một cách tường tận và âu lo khi nhìn về sự “nở rộ” của bóng đá Việt Nam thì Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng là người quản lý mới bước vào với bóng đá vài năm nhưng đã nhìn ra những hệ lụy nguy hiểm.

Nhập nhằng làm chuyên nghiệp xài ngân sách

“Coi chừng đi tù cả đám!”, đó là lời khẳng định của ông Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng. Ông Hùng nói vậy mọi người nghe và giật nảy người. Riêng ông Nguyễn Hồng Thanh, một “cây đa, cây đề” của làng bóng đá Việt Nam xuyên suốt từ thời bóng đá bao cấp đến bóng đá chuyên nghiệp hiện nay thì cười ôn tồn: “Chúng ta đang nhìn sai về bóng đá Việt Nam khiến đòi hỏi cao quá rồi. Không đạt được sinh ra thất vọng. Đừng như vậy nữa. Bóng đá Việt Nam thực chất không phải chuyên nghiệp như người ta khoác cho nó cái áo chuyên nghiệp 17 năm qua đâu!”.

Nhà báo Vũ Công Lập thì thích trò chuyện về chuyên môn, khoa học. Ông kể vì sao bóng đá Đức có thế hệ nối gót như hiện nay rất tốt và bài bản. Kể về bóng đá Đức mà ông thuộc nằm lòng bàn tay, rồi ông Vũ Công Lập lại mong muốn một ngày nào đó bóng đá Việt Nam dần học hỏi được từng tí, từng tí từ người Đức.

Riêng ông Trần Mạnh Hùng vẫn với bản tính “gai góc” và nhìn thẳng vào vấn đề, thực trạng của bóng đá Việt Nam đã lớn tiếng cảnh báo: “Tôi nói bóng đá Việt Nam bây giờ chỉ có mỗi CLB Hà Nội và HA Gia Lai là phát triển đúng nghĩa bóng đá chuyên nghiệp. Còn lại hầu như các đội chuyên nghiệp ở V-League hạng nhất đều vi phạm pháp luật nặng hết. Không khéo có ngày đi tù cả đám!”.

Ông Hùng giải thích rằng ngân sách nhà nước cấp tỉnh, cấp TP đều đang vi phạm pháp luật qua việc chi trả lương cho cầu thủ lẫn chuyển nhượng cầu thủ. Ngân sách nhà nước cấm những vụ chi trên 40 triệu đồng. Nhưng hiện nay trừ hai CLB Hà Nội và HA Gia Lai, đội nào dám nói tôi không sống bằng ngân sách nhà nước? Họ sống bằng ngân sách nhà nước dưới các cách khác nhau và đều do ngân sách nhà nước rót hết. Mà điều này vi phạm luật pháp rất nặng, vi phạm luật ngân sách nhà nước rất lớn mà nếu “soi vào” thì từ lãnh đạo đội bóng đến những người quyết chi ngân sách nhà nước đều phạm pháp hết”…

Ngoài ra còn có một thực tế nữa đó là việc đóng thuế thu nhập của cầu thủ nội và cầu thủ ngoại cũng đang là vấn đề “ung nhọt” cực lớn liên quan đến ngân sách nhà nước.

Đội Vissai Ninh Bình (áo trắng) đã giải thể sau khi nhiều cầu thủ vào vòng lao lý, còn đội Đồng Nai (áo đỏ) đang để lại một núi vấn đề ngân sách lên đến trên 90 tỉ đồng. Ảnh: QUANG THẮNG

“Hồn bao cấp, da chuyên nghiệp”

Trong thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến những nhà quản lý bị tù tội và những “ung nhọt” ngân sách đã vỡ ra như CLB Xổ số kiến thiết Lâm Đồng. Hay CLB Đồng Nai đang để lại một núi vấn đề ngân sách lên đến trên 90 tỉ đồng mà báo chí đang nêu liên quan đến lương, thưởng, chuyển nhượng cầu thủ… Quả là một “ung nhọt” cực lớn mà Đồng Nai vẫn chưa có hướng giải quyết. Còn với các đội bóng khác thì tại đang “êm ấm” và tại chưa có kiện cáo hay chưa bị “sờ” vào mà thôi.

Thực tế hiện nay chẳng CLB nào đám “chê bai” hay cười khẩy CLB Đồng Nai cả, bởi nếu như “cánh tay pháp luật” sờ vào các CLB khác với các vấn đề ngân sách thì hầu hết đều có vấn đề, thậm chí là rất nặng.

Những “ung nhọt” ngân sách bởi cách làm bóng đá theo kiểu “hồn bao cấp, da chuyên nghiệp” không sớm thì muộn sẽ vỡ ra ở dạng như Đồng Nai hay Lâm Đồng nếu không có những thay đổi quyết liệt về bản chất.

Điển hình của “hồn bao cấp, da chuyên nghiệp” là đã có lần ông Nguyễn Húp, Trưởng đoàn CLB Quảng Nam, đã một lần đăng đàn “phản đòn” bầu Đức: “Anh Đức nói mỗi năm 15 tỉ đồng dư làm bóng đá chuyên nghiệp… Nói thế làm khó cho các CLB xin ngân sách nhà nước”. Câu nói ấy đã “thay lời” tất cả việc bóng đá chuyên nghiệp vẫn ngửa tay xin ngân sách.

Ông Trần Mạnh Hùng kể đã có nhiều lần ông đi dự các cuộc họp, rồi bên lề ông mổ xẻ những “ung nhọt ngân sách” kiểu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang làm thì nhiều lãnh đạo CLB lo lắng và nhìn ra thực trạng liệu một ngày nào đó nó vỡ ra thì sẽ tù tội như lãnh đạo CLB Xổ số kiến thiết Lâm Đồng hoặc đụng đâu cũng thấy sai, thấy tội như ở CLB Đồng Nai.

Thực tế bóng đá Việt Nam hiện nay nhiều lãnh đạo CLB cứ chờ ngân sách nhà nước rót xuống rồi trang trải, rồi làm, rồi trả lương, chuyển nhượng cầu thủ, lót tay… Hoặc cũng có những dạng lách ngân sách bằng việc anh ôm đội bóng tỉnh tôi, tôi trao cho anh nhiều dự án, nhiều mỏ, nhiều quặng và nhiều ưu đãi đặc biệt để anh “làm ăn”.

Thế nên mới có việc một ông chủ sẵn sàng “săn” nhiều đội bóng để có được ưu ái từ địa phương, rồi lấy tiền từ dự án, đất vàng mà nuôi lại đội bóng.

Nguy hiểm thật!

Nghịch lý bóng đá Việt Nam tại Gala vinh danh bóng đá Đông Nam Á (AFF Awards 2017)

Rất nhiều giải thưởng trong đêm vinh danh bóng đá Đông Nam Á diễn ra tại Bali (Indonesia) ngày 23-9. Trong số cả chục giải thưởng của AFF, bóng đá Việt Nam giành được những giải thưởng:

• VFF, LĐBĐ xuất sắc nhất năm nhờ tổ chức thành công các sự kiện bóng đá của AFC và AFF.

• HLV đội nữ xuất sắc nhất: Ông Mai Đức Chung.

• Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Đoàn Văn Hậu (CLB Hà Nội và đội tuyển, đội trẻ Việt Nam).

• Trợ lý trọng tài nữ xuất sắc nhất: Trọng tài Trương Thị Lệ Trinh.

• Riêng ở đội hình tiêu biểu của Đông Nam Á, cầu thủ Nguyễn Trọng Hoàng được chọn vào danh sách trong đội hình 11 cầu thủ tiêu biểu.

Đ.TRƯỜNG

TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-thao/lam-bong-da-chuyen-nghiep-o-viet-nam-rat-de-di-tu-729896.html