Làm đồ handmade: Tưởng tiết kiệm nhưng hóa ra lại vô cùng phung phí

Có những cách cắt giảm chi phí ở hiện tại thực sự chẳng giúp tiết kiệm chút nào lại còn khiến bạn tốn kém nhiều hơn về sau.

Đáng nói là những thói quen này người nào cũng mắc phải nhưng lại không hề hay biết.

1. Mua đồ giảm giá nhưng không dùng đến

Các siêu thị lớn, các kho hàng bán buôn thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm giá, tặng quà đi kèm…để thu hút nhiều người mua sắm hơn. Khi mua với số lượng lớn, tưởng như có thể tiết kiệm nhiều tiền nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Ví dụ khi mua nhiều bánh mì cùng lúc nhưng bạn chưa kịp ăn đã hết hạn sử dụng đành phải vứt đi. Khi đó, bạn còn phung phí gấp đôi so với ban đầu. Chỉ nên mua những thứ mình cần và thực sự dùng khi đi siêu thị thôi bạn nhé.

2. Ham đồ giá rẻ, ham dịch vụ rẻ

Khi mua bất kỳ một món đồ nào, chúng ta thường có thói quen so sánh giá ở nhiều cửa hàng khác nhau và chọn nơi có giá rẻ nhất. Tiền nào của nấy. Đôi khi vì ham rẻ mà chúng ta lại phải “rước bực vào người” vì đồ rẻ nhanh hỏng, bảo hành thấp hoặc giá đó chưa phải trọn bộ sản phẩm.

Ví dụ, khi chọn mua một chiếc điều hòa cùng công suất, có mức chênh lệch khoảng 1 triệu đồng, tôi đã chọn cái rẻ hơn mà không biết, số tiền đó chưa bao gồm phí dịch vụ lắp đặt. Cuối cùng, thay vì tiết kiệm được 1 triệu, tôi phải tốn 1,5 triệu cho dịch vụ không bao gồm này.

3. Không khám sức khỏe định kỳ

Bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ chẳng giúp chúng ta tiết kiệm được đồng nào mà còn gây tốn kém về sau. Bởi dịch vụ này hiện nay đang được bảo hiểm chi trả. Nhưng ngay cả khi chúng ta tự bỏ tiền túi ra thì khoản này cũng chẳng đáng nếu nó giúp bạn phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe.

Chờ đến khi bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí không còn cơ hội chữa trị nữa mới đi khám thì bệnh sẽ khiến bạn tiêu tốn nhiều hơn gấp bội đó.

4. Không mua bảo hiểm y tế

Nhiều người trẻ rất chủ quan và cho rằng việc mua bảo hiểm y tế là không cần thiết, bởi họ sẽ chẳng có dịp sử dụng đến chúng đâu. Nhưng “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Bệnh và chấn thương không chừa một ai để tránh cả. Chỉ cần một bệnh đơn giản mà phải nhập viện như sốt virus, suy nhược cơ thể…mà không có bảo hiểm hỗ trợ thì chi phí đó cũng có thể trở thành gánh nặng của bạn đấy.

5. Không mua bảo hiểm ô tô, xe máy

Mặc dù Luật giao thông đường bộ quy định rất rõ về việc mua bảo hiểm bắt buộc cho xe cơ giới nhưng nhiều người vẫn cố tình phớt lờ chúng để tiết kiệm chút tiền. Đến khi gặp tai nạn, hỏng xe…bạn mới thấy mình có thể phá sản vì sự chủ quan này.

Bảo hiểm ô tô sẽ chi trả các khoản phí y tế cho người bị thương trong một vụ tai nạn, Nếu không có bảo hiểm, chi phí có thể đội lên rất lớn.

6. Không thay dầu xe thường xuyên

Với xe máy, sau 2000-3000 cây số là bạn phải thay dầu xe. Khoản chi này 1 năm cũng chỉ tốn của chúng ta chừng 300-400 ngàn đồng. Và nếu bị bỏ qua để tiết kiệm chút ít thì lợi bất cập hại. Xe bạn có thể gặp trục trặc không ngờ, tốn kém hơn rất nhiều như hỏng xe giữa đường, xe yếu không lên được dốc,…

Video: Người Việt bị soán ngôi tiết kiệm nhất thế giới

7. Tự mình sửa chữa đồ hỏng trong nhà

Đây thường được xem là cách tiết kiệm hợp lý cho việc chủ động sửa chữa đồ hỏng hóc trong nhà. Nhưng trong một số trường hợp thì thuê thợ lành nghề đến làm còn rẻ hơn. Ví dụ như khi chiếc máy bơm nhà tôi bị hỏng, thay vì gọi thợ thì chồng tôi lại tự lôi ra sửa. Hậu quả là chữa “lợn lành thành lợn què”, chúng tôi phải mua máy bơm mới với giá gấp 8 lần so với chi phí ban đầu.

8. Tự làm đồ handmade

Đôi khi, việc tự làm bánh, làm đồ trang trí nhà cửa…là cách để tiết kiệm tiền. Nhưng hãy nghĩ đến việc phải đầu tư nguyên liệu, dụng cụ để làm ra các sản phẩm đó. Chưa kể đến thời gian phải bỏ ra để tự mày mò. Cho nên, tự làm đồ handmade không phải lúc nào cũng là cách tiết kiệm hay ho.

Ví dụ như khi tự làm sữa chua cho cả gia đình, tôi phải tốn 70.000 để mua nguyên liệu sữa tươi, sữa chua, sữa đặc có đường….70.000 đó chỉ là ra có 6 cốc sữa tương đương 12.000/cốc. Trong khi đi mua ở ngoài thì một cốc như vậy chỉ có giá 7.000. Tự làm sữa chua đã khiến tôi tốn thêm tiền và thời gian nghỉ ngơi mỗi tối.

9. Suy nghĩ quá nhiều về cách tiết kiệm tiền

Nhiều người vẫn giữ tư tưởng có tiền là mang cất ngay, thậm chí là thường xuyên cắt bớt chi phí sinh hoạt của mình để tiết kiệm. Đây cũng không phải thói quen tốt giúp bạn làm giàu. Ví dụ, có người sẵn sàng đi một khu chợ xa hơn để mua đồ rẻ hơn mà không nghĩ đến chi phí đi lại, thời gian bỏ ra cho nó.

Thay vì nghĩ cách tiết kiệm nhiều hơn, chúng ta có thể nghĩ ra cách kiếm nhiều tiền hơn. Khi bạn đã có nhiều tiền rồi, bạn sẽ chẳng phải nghĩ quá nhiều cho việc tiết kiệm kiểu này kiểu kia nữa, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Thanh Huyền

Nguồn VTC: http://vtc.vn/lam-do-handmade-tuong-tiet-kiem-nhung-hoa-ra-lai-vo-cung-phung-phi-d348275.html