Làm dự án, tranh thủ chia chác

SGTT - Vụ Quán Nam ở Hải Phòng được xem như một trong những điển hình về việc quan chức địa phương lợi dụng việc làm dự án để chia chác đất công. Trong vụ này, chín bị cáo là quan chức, cán bộ từ cấp tỉnh đến xã ở Hải Phòng, lợi dụng việc giao đất cho dân làm nhà, đã cấp đất cho người nhà, bà con họ hàng của mình. Tòa phúc thẩm đã tuyên án tù với một số bị cáo, nặng nhất là sáu năm. Một số người khác chịu án treo. Mới đây, một vụ việc khá giống với vụ Quán Nam và nghiêm trọng không kém đã được phát hiện ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tiêu cực đất đai ở Bà Rịa – Vũng Tàu Căn nhà 13 H3 được bán cho ông Trần Ngọc Thanh, nguyên giám đốc sở Xây dựng đang được cho thuê. Ảnh: Thùy Vân Đó là vụ việc xảy ra trong việc thực hiện dự án trung tâm thương mại Vũng Tàu (xây dựng năm 1996 và đã hoàn thành năm 2004) do công ty cổ phần Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư, với diện tích 115.527m2, tổng mức đầu tư trên 28,2 tỉ đồng. Dự án đặt tại phường 7, thành phố Vũng Tàu. Ở dự án này, Nhà nước giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án, xây dựng hạ tầng kinh doanh rồi chuyển giao hoặc ký hợp đồng sử dụng đất cho các chủ đầu tư để xây dựng các công trình theo quy hoạch và dự án được duyệt. Tại dự án này, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt việc làm trái pháp luật về đất đai, chính sách thuế của các cơ quan hữu trách của tỉnh này. Ví dụ, công ty Phát triển nhà của tỉnh khai báo 10.817,5m2 đất phải nộp tiền thuê đất nhưng không hiểu sao chi cục Thuế thành phố Vũng Tàu lại chỉ xác định tiền sử dụng đất đối với 6.210m2 với số tiền sử dụng đất là 21,7 tỉ đồng mà không nói gì đến 4.607,5m2 còn lại. Ấy thế nhưng, tháng 12.2005, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường của tỉnh vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ 10.817,5m2 cho công ty cổ phần Phát triển nhà. Nếu chiếu theo quy định (điều 91) trong nghị định 181/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Đất đai, thì để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích 4.607,5m2 còn lại, chủ đầu tư phải nộp thêm trên 16,1 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ đã đánh giá đây là việc làm tùy tiện, thiếu trách nhiệm của chi cục Thuế thành phố Vũng Tàu và trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cả diện tích đất chưa xác định tiền sử dụng đất là thuộc về ông Đặng Như Hiển, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. “Nếu sự việc không bị phát hiện, ngân sách sẽ thất thu 16,126 tỉ đồng”, Thanh tra Chính phủ kết luận. Người ta cũng tính ra, trong dự án này, công ty cổ phần Phát triển nhà phải nộp số tiền sử dụng đất và tiền thuế trước bạ trên 21,95 tỉ đồng, nhưng không hiểu căn cứ vào đâu UBND tỉnh cho công ty này chậm nộp thuế. Nếu thực hiện theo đúng quy định của luật pháp, số tiền phạt chậm nộp thuế sẽ lên tới trên 10,4 tỉ đồng. Trách nhiệm của giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư, cục trưởng cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong vụ việc này là khá rõ ràng. Nhưng sai phạm có phần giống nhất với vụ Quán Nam của Hải Phòng chính là việc bán các căn nhà tại lô H3 của dự án trên. Người ta đã làm rõ, trong số 21 khách hàng đăng ký mua nhà tại khu này trong khoảng thời gian từ tháng 5.2003 đến tháng 7.2003, thì có đến 15 trường hợp là cán bộ lãnh đạo, người nhà cán bộ lãnh đạo của tỉnh hoặc thành viên hội đồng quản trị, thành viên sáng lập của công ty cổ phần Phát triển nhà. Ví dụ như căn nhà số 14 H3 là của ông Bùi Văn Hải, chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu mua, hiện đang sử dụng làm nhà ở. Căn nhà số 9 H3 thì người ký hợp đồng mua nhà là bà Đặng Thị Như Quỳnh, con ông Đặng Như Hiển, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường. Nhưng người mua thực tế và nhận nhà là bà Trần Thị Bé, vợ của ông Hiển. Cần nói rõ là căn nhà số 9 H3 đã không được ông Hiển kê khai trong bản kê khai tài sản cho dù hiện nay, nhà này ông Hiển đang sử dụng để ở. Giám đốc sở Xây dựng Trần Ngọc Thanh (nay đã nghỉ hưu) cũng đã tranh thủ mua một căn (nhà số 13 H3) nhưng không ở mà hiện đang cho thuê với giá lên tới 25 triệu đồng/tháng. Nguyên bí thư thị ủy thị xã Bà Rịa Nguyễn Trọng Minh, khi còn đương chức cũng đã mua được căn nhà số 8 H3 với giá chỉ 1,456 tỉ đồng vào tháng 5.2003 và đến tháng 10.2007 bán lại với giá 7 tỉ đồng. Phần lớn các căn nhà trong khu này hiện không có người ở, đang treo biển bán và chỉ có ba nhà hiện đang được sử dụng. Trong việc thực hiện dự án này, yếu tố lợi dụng chức vụ, cố ý vi phạm quy định nhà nước để trục lợi cho cá nhân đã khá rõ. Thậm chí, theo xác định của Thanh tra Chính phủ, một số cán bộ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc điều chỉnh, thay đổi mục đích sử dụng đất, từ đất công viên cây xanh thành đất xây nhà để bán như lô H3 nêu trên, lại chính là những người mua nhà, tại các vị trí sinh lợi cao, ở lô này. Phần lớn mua không phải để ở (vì đã có nhà ở rồi) mà chỉ mua để bán lại, cho thuê. Điều đáng quan tâm là, mặc dù xác định những sai phạm đã gây thất thoát đáng kể cho ngân sách nhà nước (ít nhất là 17 tỉ đồng) nhưng những người có trách nhiệm trước các sai phạm ấy như giám đốc sở Xây dựng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường, chi cục Thuế thành phố Vũng Tàu, cục trưởng cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư… chỉ bị đề nghị “kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm”. Mạnh Quân

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?columnid=29&fld=htmg/2009/1015/58237&newsid=58237