Làm gì để khơi thông nguồn lực?

Trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội cần khoảng 2,5 triệu tỷ đồng để phục vụ đầu tư phát triển. Nhu cầu thì lớn, trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước có hạn. Theo tính toán, Hà Nội sẽ phải huy động từ các nguồn ngoài ngân sách khoảng 80% số vốn này. Đây là bài toán mà theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các cấp ủy phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tìm giải pháp thực hiện. Câu hỏi đặt ra là cần làm gì để khơi thông nguồn lực?

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Bá Hoạt

Nhu cầu lớn về đầu tư phát triển

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với tinh thần sâu sát cơ sở, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã làm việc lần lượt với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy. Trong số hàng chục kiến nghị của các quận, huyện, nổi bật lên các kiến nghị liên quan đến đầu tư các công trình, dự án phát triển hạ tầng về giao thông, điện, nước. Vấn đề chính trong các kiến nghị này là nguồn vốn đầu tư.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức nêu 12 kiến nghị, trong đó có những kiến nghị như đầu tư cho huyện mở rộng, nâng cấp mặt đê tả Đáy kết hợp giao thông (dài 16,5km), tuyến đường liên khu vực 1 từ Đại lộ Thăng Long đi thị trấn Trạm Trôi (khoảng 7km); bố trí vốn cho huyện thực hiện cải tạo tuyến đường 422 đoạn từ đê tả Đáy đi cầu Yên Sở…

Với huyện Thanh Oai, trong 10 nội dung đề xuất, kiến nghị, tập trung chủ yếu là các dự án hạ tầng như: Đẩy nhanh thủ tục dự án và tiến độ nâng cấp, cải tạo quốc lộ 21B, đoạn qua thị trấn Kim Bài kết hợp xây dựng quảng trường, công viên cây xanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường trục phát triển phía Nam (Cienco5) đấu nối đường trục với các xã, các huyện lân cận theo kế hoạch đã phê duyệt…

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cũng đề nghị thành phố có chủ trương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho huyện trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để phấn đấu đến năm 2020 huyện phát triển thành quận. Hàng loạt dự án của huyện đang “khát” vốn. Đó là dự án xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Thanh Trì với huyện Thanh Oai; dự án cải tạo nâng cấp tuyến quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì; đầu tư nâng cấp tuyến đường Ngũ Hiệp…

Đó mới chỉ là phạm vi lĩnh vực hạ tầng giao thông. Chưa kể, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, có 80% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương với khoảng 300 xã)... Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Thu hút nguồn vốn xã hội hóa

Theo tính toán, tổng đầu tư của Hà Nội đến năm 2020 sẽ chỉ còn 20% vốn ngân sách, còn lại 80% phải kêu gọi từ xã hội. Theo báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, dự kiến tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội sẽ giảm từ 42% xuống còn 28%. Nguồn lực ngân sách khó khăn, trong khi ngay cả những dự án lớn cấp thành phố cũng phải cân nhắc lựa chọn ưu tiên dự án cấp bách hơn, bức xúc hơn để đầu tư thì thành phố sẽ không thể đáp ứng được hết kiến nghị về hỗ trợ đầu tư các dự án của quận, huyện, thị xã.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố đã thể hiện rất rõ: “Nguồn ngân sách càng lúc càng khó khăn. Công trình, dự án nào có khả năng xã hội hóa phải làm tối đa, dành nguồn vốn ngân sách cho những công trình, dự án không thể xã hội hóa”.

Chính vì vậy, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư là trách nhiệm quan trọng đang đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải từng chỉ rõ: “Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì khó thực hiện được các mục tiêu phát triển.

Vậy có giải pháp nào khác không? Luôn luôn có cách khác, đòi hỏi các cấp phải có sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các mô hình, giải pháp mới, hiệu quả”. Theo Bí thư Thành ủy, mấu chốt để thu hút đầu tư là cấp ủy các quận, huyện, thị xã phải tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, song song với đó là tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Thực tế vẫn còn không ít địa phương chưa mạnh dạn đổi mới, chậm cải cách hành chính, trông chờ vào nguồn lực của cấp trên trong đầu tư phát triển. Đó là chưa kể việc quản lý đầu tư thiếu chặt chẽ, để xảy ra tình trạng “xí chỗ” trong đầu tư, dẫn đến có những doanh nghiệp có tiềm lực nhưng lại thiếu “địa chỉ” để đầu tư. Bên cạnh đó, tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ để lãng phí nguồn lực cũng xảy ra ở nhiều nơi… Đất đai vẫn là nguồn lực chủ yếu mà các địa phương có thể khai thác để đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, số quận, huyện khai thác hiệu quả nguồn lực này không nhiều. Ngoài nguyên nhân khách quan như thị trường bất động sản đi xuống, thì đằng sau đó là sự thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng. Kinh nghiệm đấu giá đất thành công của quận Hà Đông nhiều năm qua là sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nhất là tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc để có những “sản phẩm” đất đai hấp dẫn nhất. Sau khi đấu giá, người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ được cấp sổ đỏ trong vòng 20 ngày, được bàn giao mốc giới và tạo điều kiện cấp phép xây dựng…

Rõ ràng, khó khăn về nguồn lực từ ngân sách, nhưng vẫn luôn có những cánh cửa mở ra nếu các cấp ủy có quyết tâm, chủ động đổi mới tư duy, hành động. “Dễ nhất là thò tay vào túi lấy tiền (tiền ngân sách - PV) ra tiêu. Cái giỏi của chúng ta phải là thu hút vốn xã hội hóa để giải quyết nhu cầu phát triển đang đặt ra” - Ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy như một lời gợi ý cũng là giao nhiệm vụ cho các cấp ủy.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/853534/lam-gi-de-khoi-thong-nguon-luc