Làm gì để nâng 'chất' cho cá tra Việt Nam?

Những quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm trong Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ… đang đặt ra những yêu cầu mới trong quản lý, chế biến cá tra xuất khẩu.

Nâng “chất” cho cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Trước thực tế đó, nhiều chính sách liên quan đến quản lý ngành hàng này đã ra đời nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra, góp phần phát triển bền vững trong điều kiện mới.

Cách đây hơn 3 năm, Chính phủ ban hành Nghị định 36 về về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra với mục đích chấn chỉnh lại hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc, nhất là sự phản ứng từ phía các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 thay thế cho Nghị định 36 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017.

Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), điểm nổi bật nhất của Nghị định 55 là quản lý ngành hàng cá tra theo chuỗi và sẽ hậu kiểm đối với điều kiện nuôi, chế biến, xuất khẩu.

Các tổ chức, cá nhân không phải xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều 7 ở Nghị định 55 khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá tra cho cơ quan hải quan, nhưng sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định nếu không chứng minh đủ điều kiện khi kiểm tra hậu kiểm.

Cũng theo Nghị định này, các nhà máy chế biến cá tra phải đáp ứng yêu cầu mua nguyên liệu từ cơ sở nuôi cá tra đáp ứng quy định của Điều 3 về điều kiện nuôi cá tra thương phẩm và có hệ thống truy xuất nguồn gốc đến cơ sở nuôi đó.

Các doanh nghiệp cho rằng, các nội dung cơ bản của Nghị định 55 đã được điều chỉnh, bổ sung đầy đủ để quản lý ngành hàng cá tra theo chuỗi từ nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, Nghị định này cũng đã quy định các điều kiện tối thiểu, truy xuất nguồn gốc và hậu kiểm đối với điều kiện nuôi, chế biến và xuất khẩu thay vì quản lý bằng biện pháp hành chính như trước đây.

Nếu như trước đây, những lô hàng hợp đồng xuất khẩu chỉ được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan khi đã được Hiệp hội cá tra Việt Nam xác nhận, thì quy định này nay đã được bãi bỏ, thủ tục hành chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã được tháo gỡ.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP ), Nghị định 55 là một chính sách rất cần thiết trong thời điểm này để củng cố lòng tin cho các nhà nhập khẩu cá tra trên thế giới.

Đây cũng là bước khởi đầu để định vị cá tra là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Nếu không kiên quyết thực hiện các nội dung theo Nghị định này thì cá tra Việt khó thâm nhập sâu vào các thị trường, nhất là những thị trường mới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…

Một nút thắt khác đã được Nghị định này tháo gỡ là không quy định về tỷ lệ hàm ẩm và mạ băng.

Thay vào đó, nội dung này được đưa vào Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT ngày 21/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh”.

Cụ thể, tỷ lệ mạ băng cá tra phile không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm; hàm lượng nước không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm.

Ông Minh cho rằng, tỷ lệ này phù hợp hơn với yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, giúp doanh nghiệp tạo được lòng tin và uy tín với đối tác trên thị trường xuất khẩu.

Việc quy định rõ độ ẩm, tỷ lệ mạ băng trong sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu biết rõ tiêu chí đánh giá chất lượng của Việt Nam (giống như Đạo Luật Nông trại - Farm Bill của Mỹ cũng yêu cầu rõ về tỷ lệ mạ băng để người tiêu dùng có sự phân biệt khi mua sản phẩm).

Ngoài Nghị định 55, trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ban hành nhiều chính sách, đề án nhằm phát triển bền vững ngành hàng cá tra.

Đơn cử như Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT ngày 21/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh”; Dự án giống 3 cấp; Đề án khung sản phẩm cá da trơn; Tạo dòng sản phẩm mới thông qua cải thiện chất lượng thịt cá…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, nhiều chính sách mới ra đời là hành lang pháp lý rất quan trọng để phát triển bền vững ngành hàng cá tra trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với những chính sách này, việc Chính phủ đưa cá tra là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia cũng góp phần định hướng dòng sản phẩm cá tra chất lượng cao.

Đây là xu hướng phát triển mà Việt Nam cần hướng tới để tạo ra những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị khác biệt so với những sản phẩm trước đây, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính hiện nay, nhất là Hoa Kỳ và EU.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/lam-gi-de-nang-chat-cho-ca-tra-viet-nam-/51301.html