Làm gì để sử dụng hiệu quả sản phẩm phái sinh?

Biến động về tỷ giá, lãi suất hay giá cả hàng hóa trên thị trường là những rủi ro thường trực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để phòng ngừa, doanh nghiệp có thể sử dụng các sản phẩm tài chính phái sinh được các ngân hàng cung cấp.

Đánh giá về vai trò và đặc điểm của các sản phẩm tài chính phái sinh đối với hoạt động của doanh nghiệp, ông Vũ Minh Trường, Giám đốc Khối thị trường tài chính, ANZ Việt Nam, nói: - Các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể gặp phải những rủi ro về tài chính. Chẳng hạn như doanh nghiệp vay vốn bằng nội tệ với lãi suất thả nổi, khi lãi suất có biến động sẽ xuất hiện rủi ro; hoặc doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa mà tỷ giá biến động sẽ gây ra rủi ro tỷ giá; hoặc doanh nghiệp phải nhập khẩu những mặt hàng có sự biến động giá mạnh dẫn đến rủi ro về giá cả hàng hóa. Đó là những rủi ro tài chính cơ bản mà doanh nghiệp thường gặp phải. Xuất phát từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro của doanh nghiệp mà các sản phẩm tài chính phái sinh đã ra đời nhằm giải quyết vấn đề này. Khi sử dụng các sản phẩm tài chính phái sinh, doanh nghiệp có thể tránh được những rủi ro trên. Qua đó, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được ổn định trên cơ sở những điều khoản trong hợp đồng phái sinh. Với lợi ích như vậy, việc sử dụng các sản phẩm phái sinh tại Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông? Về mặt pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép sử dụng các sản phẩm phái sinh nhưng bước đầu, việc đưa các sản phẩm này đến với doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn. Thứ nhất, do đặc điểm các doanh nghiệp Việt Nam đa số ở quy mô nhỏ và vừa nên không có đủ năng lực tài chính để tiếp cận và sử dụng các sản phẩm phái sinh. Thứ hai, chưa có nhiều doanh nghiệp nhận thức và hiểu được một cách đầy đủ về vai trò và đặc điểm cũng như cách sử dụng các sản phẩm phái sinh. Bởi vậy, có những trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do những rủi ro về tỷ giá, lãi suất... Mặc dù vậy, sau giai đoạn lãi suất và tỷ giá biến động lớn vào năm 2009, nhiều doanh nghiệp đã dần nhận biết được sự cần thiết sử dụng sản phẩm phái sinh nhằm hạn chế rủi ro tài chính. Vai trò của ngân hàng ở đây được thể hiện như thế nào, thưa ông? Ngân hàng, với tư cách là đơn vị cung cấp sản phẩm sẽ có sự hỗ trợ khách hàng trong việc sử dụng các sản phẩm phái sinh. Sự hỗ trợ có thể là giới thiệu một cách chi tiết để khách hàng hiểu rõ hơn về các sản phẩm phái sinh; tư vấn khi khách hàng quyết định sử dụng sản phẩm; trợ giúp về pháp lý đối với những giao dịch chưa có tiền lệ... Cũng phải nói thêm rằng, không phải khách hàng nào cũng có thể sử dụng sản phẩm phái sinh mà việc thẩm định, quyết định cung cấp các sản phẩm này cho khách hàng đòi hỏi những tiêu chí nhất định, tương tự như khi ra quyết định cho khách hàng vay vốn. Đó là quy mô, uy tín của doanh nghiệp, khả năng hoàn thành hợp đồng phái sinh, tránh trường hợp doanh nghiệp phá sản, không thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng. Thậm chí, đối với những hợp đồng phức tạp, thời gian thực hiện dài, doanh nghiệp còn cần phải có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính (với doanh nghiệp nhà nước) hoặc tập đoàn mẹ (với doanh nghiệp nước ngoài). Vậy theo ông, muốn sử dụng có hiệu quả sản phẩm phái sinh, doanh nghiệp cần làm gì? Trước hết, doanh nghiệp cần có sự đồng thuận trong nội bộ, vì đa số các giao dịch phái sinh đều các giao dịch lớn, thời gian thực hiện dài (như các hợp đồng hoán đổi lãi suất có thời hạn từ 5-10 năm). Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có sự tìm hiểu để có thể nắm được tính chất các sản phẩm phái sinh trước khi sử dụng. Ngoài ra, cần có sự chấp thuận của ban lãnh đạo cao cấp nhất của doanh nghiệp, thường là hội đồng quản trị khi quyết định sử dụng sản phẩm phái sinh. Đồng thời, doanh nghiệp cần làm việc với ngân hàng để hiểu thêm các tình hình và xu hướng biến động của các yếu tố trên thị trường (lãi suất, tỷ giá, giá cả hàng hóa...), xác định thời điểm sử dụng để mang lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20091021121154865p0c6/lam-gi-de-su-dung-hieu-qua-san-pham-phai-sinh.htm