Làm gì khi con ở tuổi “đập phá”?

Dạo này, bé Hoàng Anh bị coi là “kẻ phá hoại tí hon” trong nhà. Bé hết đập vỡ chiếc ô tô điều khiển mẹ vừa mua đến xé rách tập tài liệu của mẹ; bé dùng kéo để cắt giấy, đổ nước khắp nhà khiến cho mẹ nhiều phen… mệt lử. Bố mẹ bé đã dùng rất nhiều cách để ngăn cản: dọa nạt có, tét vào mông cũng có, nhốt bé vào phòng cũng có,…nhưng dường như bé chẳng thay đổi gì. Nhiều lúc bực quá, mẹ bé Hoàng Anh- chị Lan Anh đã phải kêu lên: “Ước gì mà nhét nó vào bụng được thì tốt!”.

Cùng chung hoàn cảnh với chị Hoàng Anh, chị Mai cũng kêu than về tình trạng cậu con trai hai tuổi vừa làm hỏng chiếc máy tính khi đổ nước vào máy tính của mẹ.

Theo nghiên cứu về sự phát triển vận động của cơ thể, từ 0-6 tuổi là giai đoạn trẻ hoàn thiện bản thân thông qua hàng chuỗi những vận động nhỏ, những động tác và cả khả năng bẩm sinh. Những hoạt động của trẻ trong ví dụ trên cho thấy các bé đang bước vào thời kỳ nhạy cảm trong việc phát triển các cơ nhỏ. Đặc điểm của thời kỳ này là trẻ thường có những quan sát tỉ mỉ và thực hiện những động tác với những đồ vật nhỏ. Trẻ muốn quan sát những gì có ở bên trong mỗi đồ vật cũng như cách sắp xếp trật tự của từng đồ vật.

Thời kỳ nhạy cảm về phát triển các cơ nhỏ thường đem lại nhiều “phiền toái” cho các bậc cha mẹ. Tâm lý “xót của, thương con” khiến cho nhiều bậc phụ huynh tỏ ra bối rối và không biết cách ứng xử với con sao cho hợp lý. Tuy nhiên, một số bà mẹ thông thái đã có cách xử lý các “ông vua phá hoại” ở thời kỳ nhạy cảm:

Tạo cho trẻ một không gian thoáng đãng, có đủ đồ chơi và chỗ chơi an toàn. Đây là cách đơn giản nhất mà bố mẹ có thể làm để đảm bảo độ an toàn cho bé khi tự chơi. Trong trường hợp bé phá phách, những đồ vật xung quanh có thể không làm hại đến bé.

Mua đồ chơi vừa tiền. Trẻ đang trong thời kỳ nhạy cảm sẽ luôn tò mò được khám phá bên trong mỗi đồ vật có hình dáng như thế nào. Do vậy, việc các bé đập phá đồ đạc để thỏa chí tò mò là điều không thể tránh khỏi. Để vừa khỏi tốn chi phí vừa giúp con thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của mình, các mẹ nên mua những đồ chơi vừa tiền, dễ dàng tháo lắp, chị Hưng, ngụ tại Thanh Xuân chia sẻ.

Tạo ra những hoạt động tỉ mỉ cho bé. Theo các chuyên gia, khi thời kỳ nhạy cảm về sự phát triển các cơ nhỏ đến cũng đồng thời là khi bé trỗi dậy quá trình quan sát tỉ mỉ. Các bé thích tham gia vào những hoạt động với các vật nhỏ, mang tính khéo léo. Do vậy, bố mẹ có thể cho con chơi những trò chơi như:Tháo lắp Lego, gắp hạt, xúc hạt, chơi với đồng hồ cát, xâu hạt vòng, luồn dây, cắt- dán,…

Chỉ ra hậu quả trong mỗi hành động của bé. Trước những hành động làm hư hỏng đồ chơi, cha mẹ nên thẳng thắn chỉ ra hậu quả. Như vậy, sẽ giúp bé ý thức hơn trong việc giữ gìn đồ chơi. Cha mẹ nên kiên quyết không mua đồ chơi mới và sửa chữa đồ chơi cho bé. Có như vậy, bé mới có ý thức về quy luật “nguyên nhân, kết quả”.

Cùng bé chơi hàng ngày. Đây là thói quen nên duy trì trong gia đình. Bố mẹ nên dành thời gian để nói chuyện và chơi cùng con. Việc tham gia chơi của bố mẹ không chỉ giúp tình cảm gia đình được gắn bó mà còn giúp trẻ cảm thấy yên tâm. Đồng thời, việc cha mẹ kịp thời ở bên hỗ trợ cũng sẽ giúp các bé bớt đi hành động đập phá đồ chơi.

“Não bộ phát triển thông qua quá trình vận động” và hành động đập phá đồ đạc chỉ là một điểm rất nhỏ trong sự phát triển vận động tất yếu mà trẻ phải trải qua. Thay vì ngăn cấm, đánh mắng trẻ, cha mẹ hãy bình tĩnh hơn và có những cách ứng xử hợp lý để trẻ vừa được chơi, được học hỏi mà vẫn cảm thấy yên tâm khi có bố mẹ đồng hành.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/lam-gi-khi-con-o-tuoi-%e2%80%9cdap-pha%e2%80%9d