Làm giàu bằng tài nghệ “xiếc“...trên gỗ

Với lưng vốn là nghề chạm trổ, hành trang là những cái chàng cái đục, những nghệ nhân làng nghề Mỹ Xuyên (Thừa Thiên-Huế) đã vào Sài Gòn trổ tài nghệ “xiếc”…trên gỗ để làm giàu.

Nghệ nhân Lê Thừa Lộc bên bức tượng Phật Di Lạc cười lạc quan, rạng rỡ.

Nhà rường trên…không trung!

Chiều tháng năm. Ngồi trên lầu 6 của khách sạn Vườn Hồng ở đường Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận -quận 12) của anh Đoàn Văn Xứng-chủ nhân của ngôi nhà rường cổ độc nhất vô nhị, mới thấy hết điểm độc đáo của công trình này. Nói độc nhất vô nhị là bởi ngôi nhà rường năm gian hai chái bề thế với 70 cột được dựng ngay trên nóc của tòa khách sạn 6 tầng. Và độc đáo hơn nữa là bởi ngôi nhà này được di chuyển từ làng Mỹ Xuyên, nơi nó đã được khai sinh ra cách đây gần một thế kỷ, được chuyển vào Sài Gòn và phải thi công hơn một năm trời mới hoàn tất.

Anh Xứng, chủ nhân của ngôi nhà rường vốn là một chàng trai của Mỹ Xuyên lặn lội vào Sài Gòn cách đây hơn 20 năm, sau khi phục viên từ chiến trường Campuchia. Nung nấu làm giàu từ nghề truyền thống của cha ông để lại, Xứng lập ra một xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ. Ban đầu, Xứng chỉ sản xuất nhỏ để kiếm ít lưng vốn nhưng dần dần, khi sản phẩm gỗ bán chạy, anh liền nâng tầm khả năng cung ứng, kể cả xuất khẩu hàng gỗ mỹ nghệ sang Đài Loan. Bây giờ thì cơ ngơi của anh đã rất khang trang. Nhưng niềm tự hào của Xứng vẫn chính là ngôi nhà rường cổ được cất trên nóc khách sạn Vườn Hồng mà anh làm chủ.

Xứng tâm sự: “Giàu có, kinh tế khá giả vẫn chỉ là phương tiện để sống nơi xứ người. Giữ được nghề truyền thống của gia tộc và những gì tinh túy của nghề chạm trổ, điêu khắc của quê nhà mới chính là tâm nguyện của tôi”. Vì vậy, khi nói về nghề mộc của quê nhà Mỹ Xuyên, Xứng hào hứng và tuôn trào ký ức như đang ngồi ngay tại quê nhà. Anh kể rằng, bên cạnh xưởng sản xuất đồ gỗ, anh còn đi tìm tòi, nhặt nhạnh và mua những ngôi nhà rường cổ xuống cấp ở khắp nơi để đem về phục chế.

Việc phục hồi nguyên trạng những căn nhà rường bị hư hỏng là một việc làm đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao. Có khi, một vài cây kèo hoặc đòn tay bị mối mọt hoặc do trải qua bom đạn chiến tranh, căn nhà chỉ còn một vài cây cột sót lại, anh cũng mua về bằng được để nghiên cứu tìm cách tạo dựng. Có khi, một vài chi tiết chạm khắc ở đầu các cây xuyên bị mòn cũ, cũng phải cần bàn tay nghệ nhân tài hoa phục chế lại nguyên trạng…

Anh Đoàn Văn Xu, người anh cả của Xứng là một người thợ nổi tiếng trong giới chạm trổ nhưng vì lý do riêng nay đã giải nghệ, cho biết: “Ngoài việc chạm khắc, công nghệ làm nhà rường của nghệ nhân Mỹ Xuyên xưa không bao giờ dùng đến đinh sắt hoặc chốt bằng gỗ để gắn kết cột kèo mà đục gỗ thành các lỗ mộng để lồng khớp với nhau, giữ cho cấu trúc căn nhà chắc chắn. Vì vậy, các lão nghệ nhân khi dạy học trò làm nhà rường, rất chú trọng đến các lỗ mộng. Nếu học trò nào, đục được các lỗ mộng khít với nhau, không bị hở một li nào mới làm lễ cho thành nghề”.

Chuyện kể rằng: Các nghệ nhân Mỹ Xuyên xưa kiểm tra trình độ tay nghề của học trò bằng cách sau khi ráp cột kèo xong thường dội nước vào các lỗ mộng. Khi gỡ cột kèo ra, nếu trong lỗ mộng vẫn còn khô, không bị thấm nước vào, ấy là lúc tay nghề đã “chín”…Nói như vậy để thấy rằng, mức độ tinh túy của nghề chạm trổ của nghệ nhân Mỹ Xuyên được gìn giữ đến mức nào. Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều thế kỷ trước, rất nhiều thợ chạm Mỹ Xuyên được tuyển vào thi công các công trình ở Đại Nội (Huế).

Công trình nghệ thuật Phật Trăm tay Nghìn mắt của Lê Thừa Lộc gần hoàn chỉnh.

Người mê tượng Phật!

Lưu lạc từ quê nhà Mỹ Xuyên khăn gói vào Nam lập nghiệp đã 26 năm, nghệ nhân Lê Thừa Lộc hiện đang là chủ một xưởng chuyên sản xuất tượng Phật bằng gỗ cho các chùa chiền. Đến thăm xưởng của Lộc trên đường Đông Hưng Thuận 2 (quận 12) thấy vẫn còn ngổn ngang nhiều tượng chưa hoàn chỉnh. Anh Lộc cho biết: “Hầu như các chùa ở Sài Gòn, Đồng Nai hoặc Tiền Giang đều đến đây đặt tượng. Tùy theo kích cỡ lớn nhỏ và chất liệu gỗ, mỗi bức tượng có thể từ 30-40 triệu đồng cho đến 200-300 triệu đồng”.

Theo danh mục các làng nghề của tỉnh Thừa Thiên-Huế, làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên hình thành khá sớm so với các làng xứ Đàng Trong (cách đây khoảng 500 năm). Làng hiện nay có khoảng 300 nhân khẩu đang làm nghề mộc. Các sản phẩm của Mỹ Xuyên có giá trị lớn về mộc trang trí và có nhiều dạng khác nhau như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm lồng, chạm chấm phá, chạm cạn, chạm sâu, nét trầm phù, chạm khảm.

Ở Mỹ Xuyên không chỉ phổ biến dạng điêu khắc tượng tròn mà còn chạm khắc gỗ dưới dạng phù điêu rất phong phú, thể hiện trong các công trình kiến trúc nổi tiếng tại các điện của kinh thành Huế.

Tại xưởng của Lộc, Phật Di Lạc cười rạng rỡ nằm bên cạnh tượng Phật Tổ Như Lai nghiêm nghị khoan hòa; tượng Phật Quan Thế Âm dịu dàng nhân hậu đang được trau chuốt đứng bên cạnh tượng Phật Trăm tay Nghìn mắt soi thấu nhân gian…Do tay nghề của Lộc ở bậc cao nên các chùa hợp đồng đặt anh làm tượng khá nhiều.

Và dường như với niềm say mê nghề nghiệp nên mỗi bức tượng Lộc làm ra là một công trình nghệ thuật. Chỉ cho khách bức tượng Di Lạc đang nâng một thỏi vàng lớn (tất nhiên là bằng gỗ !), Lộc nói: “Cái thần của bức Di Lạc này không phải ở chỗ hình dáng bệ vệ mà là ở cơ mặt giãn ra, đuôi mắt nheo lại và nụ cười rất vô tư, chuyển tải hết cái thần thái lạc quan vui sống”.

Vốn là người kiệm lời và có vẻ hoài cổ, khi được gặng hỏi, Lộc mới thủng thẳng kể: “Ở làng tôi, vào năm 1977 có 9 lão nghệ nhân rất đam mê với nghề đã lập ra Hợp tác xã điêu khắc Phong Mỹ. Tôi là một trong 7 truyền nhân đầu tiên của Mỹ Xuyên được các bậc nghệ nhân tiền bối tận tình dạy dỗ thành nghề”.Lê Thừa Lộc cho biết có lẽ vì nhận thấy sự tinh xảo trong nhiều bức tượng của thợ điêu khắc Mỹ Xuyên, cho nên đã từng có vị sư trụ trì một ngôi chùa ở quận 9 đến thăm xưởng của anh và đặt một bức tượng Phật Tổ cao 5 mét với mức giá chỉ riêng công thợ khoảng 250 triệu đồng.

Ngoài công việc chính là chạm trổ tượng Phật, Lộc còn là tay thợ tài hoa trong việc cho ra đời các bức long lân quy phụng, mai lan cúc trúc hoặc chạm trổ theo các đề tài khác. Một trong những bức chạm mà anh tâm huyết bỏ ra gần một năm trời để hoàn thành là bức Hầu Vương trên núi Hoa Quả Sơn, tạc hình Tôn Ngộ Không trên gỗ quý. Bức chạm này đã đưa anh lên đỉnh cao đến mức thượng thừa trong nghề chạm khắc trên gỗ.

Đoàn Văn Xứng và Lê Thừa Lộc chỉ mới là hai trong số hơn 10 người con của làng nghề Mỹ Xuyên vẫn giữ nét tinh túy của quê hương mình trên đất Sài Gòn. Và sản phẩm của thợ Mỹ Xuyên đang hiện diện ở rất nhiều cửa hiệu bán tượng gỗ chạm trổ rất công phu trên những con đường như Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình). Một số nghệ nhân khác của Mỹ Xuyên đang mở xưởng sản xuất ở Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức…để ngày đêm âm thầm lưu giữ niềm say mê với nghề chạm trổ của cha ông ngay giữa chốn phồn hoa đô hội.

An Phong

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/lam-giau/201206/Tha-huong-lam-giau-2068011/