Làm giàu thêm kho tàng tri thức dân gian

Giải thưởng “Văn nghệ dân gian” năm 2016 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có một mùa giải bội thu với 78 công trình được trao giải, trong đó có 2 giải nhất, 10 giải nhì, 44 giải ba…

Thành quả “xưa nay hiếm” trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian không chỉ góp phần động viên các nhà nghiên cứu khắp mọi miền đất nước nỗ lực lao động mà còn bổ sung, làm giàu thêm kho tàng tri thức dân gian.

78 công trình nghiên cứu đã được Hội Văn nghệ dân gian vinh danh năm 2016.

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hai công trình được trao giải nhất là những công trình nghiên cứu có chiều sâu, có những phát hiện mới, “tiêu tốn” nhiều thời gian, công sức, tâm huyết, trí tuệ của các tác giả, nhóm tác giả. Chẳng hạn, công trình “Phật viện Đồng Dương - Một phong cách nghệ thuật Chăm Pa” của tác giả Ngô Văn Doanh (phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) với nhiều tư liệu điền dã, cộng thêm tổng kết, phân tích tư liệu của những người đi trước đã đi đến khẳng định về sự hình thành, tồn tại của phong cách Đồng Dương trong nghệ thuật Chăm Pa. “Công trình này mô tả kỹ càng về quần thể kiến trúc Phật viện Đồng Dương, chạy dài hơn 1.300m theo hướng từ Tây sang Đông thuộc huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Trong quần thể kiến trúc đó, khu đền thờ Phật (thường gọi là Phật viện) nằm trong vành đai hình chữ nhật, có tường bao quanh. Điều đó cho thấy, Đồng Dương là đô thành thiêng, tiêu biểu của Chăm Pa”, tác giả Ngô Văn Doanh cho hay. Tương tự, công trình “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường” do PGS.TS Kiều Trung Sơn chủ biên và nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam) lần đầu tiên đưa ra nội hàm riêng cho khái niệm “diễn xướng”, đặt nền móng cho việc tiếp tục nghiên cứu sử thi Mo Mường, giúp công chúng hiểu hơn về các sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào Mường.

Âm nhạc dân gian vốn tồn tại phổ biến, rộng khắp mọi miền đất nước, nhưng lâu nay ít được nghiên cứu một cách khái quát, sâu sắc. Dày công nghiên cứu, tác giả Nguyễn Liên, Hoàng Minh Trường (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) đã định lượng và tổng kết vốn âm nhạc dân gian đồ sộ của tỉnh Thanh Hóa trong công trình “Âm nhạc dân gian xứ Thanh”. Nhạc sĩ Trần Viết Bính và Đặng Thanh Lưu cũng có công trình “Dân ca Chăm Islam ở Đồng Nai và Tây Ninh”, “Dân ca xứ Nghệ” giành giải thưởng. Nhiều tác giả còn đi sâu tìm tòi, nghiên cứu, giúp công chúng nhận ra nhiều loại hình di sản độc đáo đang bị mai một hoặc lãng quên như tác giả Cao Sơn Hải (trú tại đường Xuân Diệu, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) với công trình “Pồn Pôông Eng cháng” phản ánh về thiên tình sử bằng thơ độc đáo của người Mường …

Tuy còn hạn chế là các tác phẩm văn hóa dân gian tồn tại dưới dạng tổng thể nguyên hợp, cấu tạo bởi nhiều ngôn ngữ nghệ thuật chưa được các tác giả nghiên cứu đầy đủ, nhưng với nhiều mùa giải không có giải nhất, thì mùa giải năm 2016 với nhiều công trình chất lượng, có tính phát hiện đã trở thành dấu ấn đáng nhớ. “Điều đó cho thấy, vốn văn hóa dân gian, tri thức dân gian ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và cộng đồng xã hội, nhất là những người trẻ. Quan trọng hơn, những công trình nghiên cứu này đã, đang và sẽ góp phần làm phong phú thêm, giàu có hơn kho tàng tri thức dân gian của dân tộc”, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/860348/lam-giau-them-kho-tang-tri-thuc-dan-gian