Làm giàu từ đi thuê máy bay: Câu chuyện của B - Airlines

Vì sao một hãng hàng không lại đi mua máy bay mới, bán lại cho một công ty cho thuê máy bay rồi thuê lại chính máy bay đó mà vẫn có lời?

Mua máy bay rồi bán lại cho các công ty chuyên cho thuê là chuyện không hiếm gặp trong ngành hàng không. Vậy vì sao một hãng hàng không lại đi mua máy bay mới, bán lại cho một công ty cho thuê máy bay rồi thuê lại chính máy bay đó? Hãy cùng tìm hiểu qua câu chuyện về một hãng hàng không giả định mang tên B - Airlines.

B - Airlines là hãng hàng không mới mở trong năm 2017 tại Việt Nam, với số vốn ban đầu không lớn. Hãng chỉ đủ tiền mặt mua một chiếc máy bay Airbus A320neos. Trong khi đánh giá thị trường cho thấy hãng cần 10 máy bay để khai thác mùa cao điểm du lịch hè 2020, trên các đường bay nội địa Việt Nam.

Là hãng hàng không mới chưa có tiềm lực về vốn, B - Airlines quyết định áp dụng cơ chế bán rồi thuê lại được nhiều hãng hàng không thực hiện thành công. Ảnh: Hiền Đức.

Phương án hợp lý dành cho B - Airlines là đi thuê 10 chiếc A320neos, thay vì mua một chiếc và tập trung vào việc tăng trưởng giành thị phần. Tuy nhiên, có một phương án khác thậm chí còn phù hợp hơn cho B - Airlines.

Máy bay luôn là mặt hàng đắt đỏ. Giá niêm yết của một chiếc Boeing 787-9, loại lớn nhất đang được khai thác tại Việt Nam, lên tới khoảng 250 triệu USD một chiếc, hay như chiếc Airbus A320neos mà B - Airlines đang nhắm tới, cũng có giá niêm yết vào khoảng 100 triệu USD.

Tuy nhiên, các đơn đặt hàng lớn đều được các hãng máy bay giảm giá mạnh một cách bí mật.

Cụ thể, mức giảm giá có thể dao động 40-70% tùy theo giá trị đơn hàng. Những nhà sản xuất máy bay không công bố mức giảm giá một cách công khai, và chỉ những đối tác mua máy bay số lượng lớn mới biết được thông tin này. Hơn nữa, bên mua chỉ cần đóng trước 5% giá trị đơn hàng để tiến hành đặt mua.

Hiểu được cơ chế này, giám đốc điều hành của B - Airlines quyết định sẽ dùng toàn bộ vốn của hãng và vay thêm ngân hàng để đặt cọc mua 40 chiếc Airbus A320neos, hưởng mức giảm giá 50% mỗi chiếc từ Airbus. Một lễ ký kết gây tiếng vang được tổ chức, và dư luận trong nước không ngừng bàn tán về hãng hàng không non trẻ của Việt Nam mạnh tay đầu tư mua máy bay mới.

Ngay sau khi đặt hàng thành công, đại diện của B - Airlines làm việc với một vài công ty cho thuê máy bay lớn có trụ sở tại Ireland, thiên đường thuê máy bay với 9/10 hãng cho thuê máy bay lớn nhất thế giới đều nằm tại quốc gia này. Sau khi thương thảo, một công ty thuê máy bay đã đồng ý mua lại toàn bộ 40 chiếc Airbus A320neos, với mức giá bằng 55% giá niêm yết của Airbus.

Sơ đồ cơ chế "Mua, bán rồi thuê lại" được B - Airlines áp dụng thành công. Đồ họa: Hiền Đức.

Ba năm sau, B - Airlines nhận 40 chiếc A320neos mới tinh từ Airbus. Không nằm trong kho bãi của B - Airlines lâu, thậm chí chưa một lần mang logo B - Airlines, 40 chiếc A320neos lần lượt cất cánh bay sang Ireland. Giao máy bay cho công ty trên, B - Airlines nhận tiền và thanh toán cho Airbus, lãi 5% từ thương vụ mua đi bán lại.

Phần lợi nhuận dư ra sau khi trả lãi cho ngân hàng được hãng hàng không từ Việt Nam sử dụng để thuê lại 10 máy bay A320neos trong lô 40 chiếc vừa bán.

Quá trình tưởng chừng như vô lý khi mua máy bay mới, bán lại cho bên thứ 3 rồi lại thuê chính những chiếc máy bay vừa mua, đã mang lại cho B - Airlines nhiều lợi thế lớn so với việc thuê máy bay từ đầu, hay đặt mua một chiếc máy bay.

Sau 3 năm, hãng hàng không này vừa có 10 chiếc máy bay mới để khai thác thị trường nội địa, vừa có sẵn bảo hiểm cùng dịch vụ bảo dưỡng máy bay do công ty cho thuê cung cấp, điều mà B - Airlines chưa từng có kinh nghiệm.

Nhờ thuê đồng bộ một loại máy bay, B - Airlines cũng tiết kiệm được nhiều chi phí vận hành. Sau mùa cao điểm, nhu cầu của thị trường Việt Nam xuống thấp đúng như tính toán của hãng, B - Airlines chỉ cần trả lại 2-3 chiếc máy bay dư ra cho đơn vị đến từ Ireland, thay vì mất tiền kho bãi và khấu hao máy bay trống khách không sinh lời.

Tính linh hoạt của việc thuê máy bay đã giúp hãng hàng không mới chủ động trong cân đối đội bay, cũng như tiết kiệm nhiều chi phí. Hơn nữa, sau 6 năm sử dụng, B - Airlines còn có thể chuyển sang thuê các loại máy bay mới hơn, phù hợp hơn với thị trường.

Việc luôn vận hành máy bay mới giúp tiết kiệm nhiên liệu, cũng như mang đến trải nghiệm bay tốt hơn cho khách hàng.

Theo tính toán của lãnh đạo B - Airlines, tới năm 2025, nếu việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, hãng sẽ mua 5 chiếc máy bay mới nhưng vẫn duy trì thuê 7-8 chiếc để giữ tính linh hoạt.

Nhờ áp dụng hợp lý, chuyện mua một món đồ, sau đó bán và đi thuê lại chính món đồ đó lại là một phương án sinh lợi nhuận. Có lẽ ngành hàng không là một trong số ít những ngành có thể áp dụng được cơ chế này.

Vậy nếu bạn là lãnh đạo của B - Airlines vào năm 2017, bạn có áp dụng cơ chế này?

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lam-giau-tu-di-thue-may-bay-cau-chuyen-cua-b-airlines-post753143.html