Làm giàu văn hóa dân tộc

Đất nước đã trải qua 30 năm Đổi Mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong 30 năm ấy, Đảng ta đã có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đó là Nghị quyết Trung ương (NQTW) 5, khóa VIII. Và thực tế đã có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả khả quan.

Nhưng nếu so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. NQTW 4, khóa XI cũng đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”...

Từ ngày có Đảng đến nay, nhân dân thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà chúng ta đã và đang có “một bộ phận không nhỏ” như thế thì việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn cam go lắm. Điều này phải tập trung công sức của toàn Đảng, toàn dân, ai cũng cần thấy trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức, trong từng đảng viên, hội viên. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng. Phải xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Ảnh: Phùng Anh Tuấn

Từ lâu, văn hóa được con người đề cập và đặt lên hàng đầu vì nó giúp con người thích nghi với môi trường xã hội; là vì nền tảng mang tính chất xuyên lịch sử của nó khi các giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp.

Một người có thể sở hữu nhiều nền tảng và có thể là sản phẩm của các nền văn hóa hay trải nghiệm văn hóa khác nhau. Trong thời đại toàn cầu hóa không nhất thiết phải giữ khư khư văn hóa cổ truyền mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc cần phải từng bước hòa mình vào các giá trị toàn cầu trên nền tảng văn hóa truyền thống thì tính khoan dung và cởi mở với sự trải nghiệm khác nhau mới được sẻ chia, dân tộc mới tiến bộ, mới có thể gọi là hòa nhập; còn ngược lại mà nói hòa nhập thì… hơi bị khó! Trong thế giới phẳng này, chúng ta không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn phải biết sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc.

Nhìn lại 30 năm Đổi Mới, chúng ta không thể không thấy đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn…

Trước thềm năm mới, tôi hy vọng NQTW 9, khóa XI đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ; thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”.

Vũ Ngọc Hoàng (Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lam-giau-van-hoa-dan-toc-2016020313552578.htm