Làm hàng xuất khẩu tinh xảo nhưng lương vẫn thấp

Nghịch lý trên được Phó trưởng ban Quản lý các KCX - CN TPHCM (HEPZA) Nguyễn Tấn Phước cho biết tại buổi họp báo tình hình hoạt động Hepza 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm vào ngày 14.7.

Ông Nguyễn Tấn Phước - Phó trưởng ban Quản lý các KCX - CN TPHCM - trong buổi họp báo. Ảnh: L.T

Ông Phước cho biết, khi làm việc với các chủ đầu tư, tôi luôn khẳng định, trình độ, tay nghề của người lao động sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của chủ doanh nghiệp và đề nghị phải có mức lương tốt nhất, chế độ phúc lợi đảm bảo cho người lao động. Sau khi các doanh nghiệp đầu tư vào HEPZA, ban quản lý cho các đơn vị đánh giá mức độ hài lòng của chủ doanh nghiệp về trình độ của người lao động và được đánh giá khá tốt.

Tuy nhiên, ông Phước cho rằng, cần phân biệt giữa lao động có tay nghề, trình độ văn hóa của lao động. Bởi các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, họ tuyển được rất nhiều lao động có tay nghề tốt, làm được các mặt hàng tinh xảo, xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên, lao động đó chưa học hết phổ thông thì lại bị đưa vào danh sách lao động không có trình độ, chưa qua đào tạo. Như vậy là không công bằng với người lao động.

“Theo cá nhân tôi, một số doanh nghiệp luôn than phiền về tay nghề, trình độ của người lao động là để trả lương cho người lao động Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực” – ông Phước đánh giá.

Ngoài ra, ông Phước cho rằng, nếu ta cứ lấy lợi thế “lao động giá rẻ” ra để thu hút đầu tư thì ta sẽ không bao giờ đòi hỏi được một mức lương cao cho người lao động.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/lam-hang-xuat-khau-tinh-xao-nhung-luong-van-thap-682325.bld