Làm mới con đường cũ

Sau một năm thành công rực rỡ, thể thao Việt Nam bước sang năm 2017 với một bài toán “vừa cũ vừa mới” mang tên SEA Games. Đã và đang có những điều chỉnh quan trọng trong cách tiếp cận đấu trường khu vực với những tính chất “siêu đặc thù” này, mà cụ thể là sự thay đổi mang tính chiến lược: Không coi việc lọt vào nhóm ba đoàn dẫn đầu (Top 3) là chỉ tiêu bắt buộc.

1 Như một điệp khúc, ngay khi chương trình thi đấu SEA Games 2017 (gồm 38 môn với 403 nội dung) được chốt lại, ngoại trừ nước chủ nhà Ma-lai-xi-a (Malaysia), các đoàn khác đều phải choáng váng vì sự “biến dạng” tới phân nửa so với kỳ đại hội trước. Trong đó, nhiều môn thế mạnh của Việt Nam, nổi bật là hai “mỏ” vàng rowing và vật bị loại. Chưa kể, hai môn thế mạnh là đấu kiếm, bóng đá nữ cùng nhiều nội dung sở trường khác của bắn súng, điền kinh mới được bổ sung vào phút chót.

Chung cuộc, coi như chúng ta đã “mất trắng” khoảng 20 HCV và thật sự gặp khó cho mục tiêu: Bảo vệ một vị trí trong Top 3 toàn đoàn - thành tích mà Đoàn Thể thao Việt Nam liên tục giữ vững kể từ SEA Games 2003.

Song, cũng chính ở thời điểm này, thể thao Việt Nam đã chứng tỏ một bước chuyển mạnh mẽ, thậm chí có thể coi như một cuộc vượt lên chính mình, trước hết là về nhận thức. Thay vì tìm mọi cách để “đấu tranh” qua những cuộc “tranh tài trên bàn hội nghị”, những người có trách nhiệm đã đón nhận “thực tế quen thuộc” ấy một cách bình thản và chủ động. Ngoài việc khẳng định dứt khoát: “Top 3 không còn là chỉ tiêu bắt buộc!”, lãnh đạo ngành thể thao còn nêu rõ: Thể thao Việt Nam thậm chí không đặt nặng chuyện thứ hạng, huy chương tại SEA Games, mà sẽ chỉ quan tâm, tập trung tối đa vào sự chuẩn bị và thành tích của các môn, nội dung có trong chương trình thi đấu Thế vận hội (Olympic).

2 Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là một sự thay đổi mang tính chiến lược. Nó đã được phác thảo, thể hiện, tích lũy... từ hai kỳ SEA Games trở lại đây, trước khi có bước đột phá đích thực từ “cú huých” mà Hoàng Xuân Vinh tạo ra tại Olympic Rio.

Dù vẫn xác định tinh thần tham dự với quyết tâm, nỗ lực và phấn đấu giành thành tích cao nhất có thể, song ngành thể thao đã tính đến cả phương án có thể “văng” ra khỏi Top 3 tại SEA Games 2017. Nhiệm vụ chính được xác lập trong “năm SEA Games” này phải là tập trung chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 và Olympic 2020, còn đại hội thể thao tầm cỡ khu vực trên đất Malaysia chỉ đóng vai trò là một sự kiện thời sự, một đợt tập dượt.

Hiện tại, ngành thể thao cũng đã xây dựng các kế hoạch riêng cho một số môn trọng điểm, chọn lựa các tuyển thủ xuất sắc để tiến hành đầu tư chuyên biệt, với tiêu chí tối thiểu phải tranh chấp được huy chương ASIAD hay giành suất chính thức Olympic. Bắn súng, cử tạ, bơi cùng không thủ đạo (karatedo, môn xuất hiện lần đầu ở Olympic 2020) được xác định là ba “mũi nhọn” hàng đầu.

Sau cả một thời kỳ dài loay hoay, cuối cùng ngành thể thao đã đưa được SEA Games vào đúng vị trí, “thứ bậc” của một “bước đệm” về chuyên môn không hơn không kém, cho hai mục tiêu giờ đã trở thành chính yếu là Olympic và ASIAD.

3 Giới chuyên môn cùng người hâm mộ có thể sẽ sớm quen với việc Đoàn Thể thao Việt Nam không có thứ hạng cao, nhiều huy chương đủ loại tại một kỳ SEA Games. Thay vào đó, nền thể thao nước nhà hướng tới sự thể hiện ở các môn, nội dung ở những đẳng cấp cao hơn hẳn. Đòi hỏi về thành công, sức bật ở các kỳ Olympic hay ASIAD cũng sẽ không ngừng gia tăng trong thời gian tới.

Khẩu hiệu “vượt qua SEA Games, vươn lên tầm châu Á, tiến công mạnh mẽ vào Olympic” có lẽ không còn mơ hồ nữa. Tuy vậy, để tiếp tục hiện thực hóa được nó, còn hàng loạt công việc căn bản, lâu dài mà ngành thể thao phải hoàn tất, như xây dựng đề án phát triển, tạo nguồn kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, thúc đẩy phong trào...

Hãy nhìn nhận thẳng thắn: Có rất nhiều rào cản nội tại mà ngành thể thao phải giải quyết, đơn cử như câu chuyện lợi ích và nguồn lực đầu tư giữa mấy chục môn thể thao trong hệ thống, những “di căn” nặng nề của bệnh thành tích, hay cách nghĩ - cách làm thời vụ, ăn đong kiểu SEA Games từng kéo dài suốt mấy thập kỷ.

Tất cả cần phải có quỹ thời gian nhất định, với một lộ trình và quyết tâm cao độ. Dù vậy, luôn luôn cần những bước chân đầu tiên. Có một mảng trọng yếu mà những người làm thể thao phải ưu tiên tập trung, cả trước mắt cũng như dài hạn, là tiếp tục tìm kiếm những phương thức đổi mới, đột phá trong quy trình tuyển chọn, đào tạo các tài năng, nhất là ở những môn, nội dung Olympic và ASIAD.

Chúng ta đã có những mẫu hình thành công như Hoàng Xuân Vinh hay Ánh Viên. Chúng ta chắc chắn có thể tiếp tục làm mới con đường cũ.

Tổng cục phó Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn:

Chúng tôi sẽ không vì SEA Games mà đầu tư dàn trải, mà sẽ ưu tiên đặc biệt cho những môn, nội dung, tuyển thủ gánh vác nhiệm vụ tranh HCV ASIAD, đoạt suất và tranh Huy chương Olympic. Họ sẽ được hưởng mức tiền công, chế độ dinh dưỡng, thuốc men, trang thiết bị dụng cụ, tập huấn riêng…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/the-thao/item/31720702-lam-moi-con-duong-cu.html