Làm quyết liệt và kiên trì

Ngày 28/2, quận Hoàn Kiếm ra quân thiết lập lại trật tự đô thị trong đó chủ yếu là thiết lập lại vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, tạo lối cho người đi bộ cũng như góp phần xây dựng hình ảnh Thành phố văn minh. Tiếp theo Hoàn Kiếm, một số quận, huyện của Thành phố cũng đang triển khai công tác này.

Theo Phó Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm Đào Quang Tâm, hiện trên địa bàn quận có 150 điểm phức tạp cần xử lý. Trước khi thực hiện, các phường tiến hành khảo sát tất cả các điểm vi phạm.

Sau đó, quận giao UBND phường thông báo đến tận nơi về thời hạn để người dân tự giác gỡ bỏ. Nếu không, cơ quan chức năng sẽ xử lý. Dẫu đã được nhắc nhờ, song đa số người dân vẫn không chịu thực thi. Vì vậy, quận phải ra quân để thiết lập lại trật tự, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Vỉa hè thông thoáng, an toàn cho người đi bộ.

Tiếp theo quận Hoàn Kiếm, sáng 1/3, lực lượng chức năng phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) cũng đã kiên quyết dỡ bỏ mái che, mái vẩy, bục bệ, biển quảng cáo,… nhắc nhở và xử lý những hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên tuyến phố Triệu Việt Vương. Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân cho biết, đây là việc làm thường xuyên nhằm lập lại trật tự văn minh đô thị trên địa bàn phường.

Tuy nhiên để xử lý triệt để tình trạng này “Phường cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là các đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố phải tích cực vận động người dân tự ý thức, cùng lắm mới phải sử dụng biện pháp cưỡng chế và xử phạt như thế này” – bà Nguyễn Thị Huệ bày tỏ.

Tại buổi làm việc với Quận ủy Tây Hồ (ngày 28/2), Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: Vấn đề vệ sinh môi trường, vỉa hè, lòng đường cần làm kiên quyết, thường xuyên, liên tục.

Thành phố đã có đầy đủ quy định về quản lý vỉa hè và các quận phải duy trì để thành nền nếp, không quản lý theo kiểu phong trào. Việc lập lại trật tự vỉa hè không chỉ làm một, hai hôm là xong mà phải thường xuyên, gắn với văn hóa người dân.

Nếu không tạo được thói quen, nền nếp cho người dân thì không đạt được sự bền vững trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đừng để người dân nghĩ mình làm phong trào rồi sau đó người ta lại lấn chiếm vỉa hè.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, thiết lập lại trật tự đô thị là kế hoạch dài hơi, cần phải kiên trì thực hiện, đồng thời cũng cần sự tham gia của cộng đồng. Vì vậy, toàn bộ người dân trên địa bàn, kể cả du khách, những người lao động đến làm việc tại quận Hoàn Kiếm cũng cần chung tay cùng với chính quyền.

Là lực lượng luôn gần dân, Trung úy Phạm Ngọc Quang - Cảnh sát khu vực, Công an phường Hàng Trống cho biết, Công an Phường thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở người dân vi phạm trật tự đô thị.

Tuy nhiên, vẫn cần thiết việc xử phạt hành chính những trường hợp tái phạm để người dân nâng cao ý thức hơn nữa trong giữ gìn trật tự đô thị. Tính riêng sáng 28/2, Công an phường Hàng Trống đã lập biên bản 3 trường hợp tái phạm và hàng năm đều xử phạt không dưới 200 trường hợp vi phạm trật tự đô thị.

Để việc thiết lập lại trật tự đô thị được hiệu quả, một số chuyên gia cho rằng việc lập lại trật tự đô thị không thể dựa vào cá nhân, đoàn công tác hay theo chiến dịch nào, mà phải là sự phối hợp đồng bộ, liên tục của tất cả các cơ quan hữu quan.

Đây là công việc hằng ngày, hằng giờ của lực lượng quản lý đô thị và các địa phương, bởi thế cần có sự phối hợp của các phường trong việc tuyên truyền người dân tự chấp hành cũng như xử lý vi phạm. Mặt khác, trong khu phố cổ chật hẹp này, phải bố trí được các bãi đỗ xe cho người dân. Nếu làm quyết liệt thì sẽ thành công, cũng giống như chủ trương đội mũ bảo hiểm trước đây.

Được biết, ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và giữ gìn trật tự đô thị.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-quyet-liet-va-kien-tri-49478.html