Làm rõ những sai sót trong hình thức đầu tư BOT

Chiều 15/8, UBTV Quốc hội tiếp tục hoạt động giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT)”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp

Các nội dung liên quan đến công tác thu phí sử dụng dịch vụ; việc lựa chọn nhà đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án… tiếp tục được UBTV Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, song nhiều thành viên UBTV Quốc hội đã chỉ ra những điểm còn hạn chế trong việc thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ví dụ, có những tuyến đường đã được đầu tư bằng ngân sách, tức là đã dùng tiền thuế của người dân để làm đường, sau đó nhà đầu tư chỉ tráng một lớp lên trên rồi lập trạm thu phí khiến người dân phản ứng. Điển hình nhất là ở đường tránh Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), xây dựng trên tuyến đường sẵn có, mà thu phí cao hơn cao tốc Long Thành- Dầu Giây. Ngoài ra, có những tuyến đường có rất nhiều trạm thu phí như từ Hà Nội về Thái Bình chỉ khoảng 100km mà có đến 4 trạm thu phí; lại có những dự án hết thời hạn thu phí ở đường chính, nhà đầu tư mở tiếp đường tránh để thu phí nhằm thu hồi vốn nhanh.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, người dân rất đồng thuận với việc thu phí, quan trọng là thu như thế nào để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và mức thu như thế nào cho hợp lý. Bên cạnh đó, khoảng cách đặt trạm thu phí cũng cần xem xét lại.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích, theo quy định hiện hành, cứ 70 km đặt một trạm thu phí. Tuy vậy, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, có 88 trạm thu phí thì chỉ có 9 trạm có khoảng cách từ 60 đến 70km, tức là chỉ có 10% được đặt đúng quy định. Nhấn mạnh Thông tư 159 của Bộ Giao thông Vận tải quy định những trường hợp đặt trạm thu phí dưới khoảng cách quy định cần có sự thỏa thuận với UBND tỉnh và Bộ Tài chính, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, Báo cáo kết quả giám sát cần làm rõ cơ quan nào chấp thuận cho thực hiện những trạm thu phí này, việc cấp phép thể hiện dưới hình thức văn bản nào? Phương án xử lý trước mắt với những trạm thu phí đặt sai khoảng cách, đang ảnh hưởng đến quyền lợi hàng ngày của người dân ra sao?

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, về cơ bản nhiều dự án BOT có kết quả tốt khi giúp giảm mức đầu tư so với dự toán ban đầu. Tuy nhiên, qua giám sát nhận thấy, thực hiện vẫn là khâu yếu nhất trong thực hiện chủ trương này, khi còn giao quá nhiều quyền cho chủ đầu tư, dẫn đến nhiều sai sót, yếu kém, gây bức xúc cho người dân. Đầu tư theo hình thức BOT nhằm huy động nguồn lực của nhà đầu tư, nhưng thực chất các dự án BOT vẫn dựa vào vốn vay tín dụng, tạo rủi ro cho các ngân hàng thương mại, mà cuối cùng Nhà nước sẽ phải gánh. Đa số các công trình đều bảo đảm chất lượng thi công, nhưng xuất hiện một số công trình chất lượng chưa tốt, công tác giám sát chất lượng thi công chưa nghiêm. Việc thực hiện các dự án BOT chưa tạo điều kiện cho người tham gia giao thông có lựa chọn, nhất là ở các đường độc đạo, chưa kể vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý.

Từ thực tế này, UBTV Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát làm rõ những sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; yêu cầu Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương khắc phục ngay những hạn chế được Báo cáo kết quả giám sát chỉ ra. Bên cạnh đó, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng. UBTV Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết sau giám sát, trong đó cần chú ý đưa ra một số vấn đề có thể xử lý được ngay.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/lam-ro-nhung-sai-sot-trong-hinh-thuc-dau-tu-bot/