Làm sao nói cho công nhân nghe?

Bên cạnh nội dung tuyên truyền hấp dẫn, báo cáo viên phải có kiến thức, bản lĩnh và kỹ năng thu hút đám đông

Tuyên truyền nội dung gì và tuyên truyền như thế nào để thu hút người lao động tham gia, không bỏ dở giữa chừng hoặc vừa nghe đến nội dung tuyên truyền, họ đã tự nguyện đến nghe là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm "Nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động phong trào trong CNVC-LĐ và chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hệ thống Công đoàn (CĐ)". Buổi tọa đàm do LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM tổ chức mới đây thực sự hữu ích chứ không khô cứng, sáo mòn như thường thấy đối với những đề tài "khó nhằn" như vậy.

"Món ăn" không hợp khẩu vị

Nhận xét về các hoạt động CĐ cũng như công tác tuyên truyền trong CNVC-LĐ của quận Thủ Đức trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Đức, Chủ tịch LĐLĐ quận, nhìn nhận một số CĐ cơ sở chưa thật sự dành nhiều thời gian cho hoạt động CĐ; việc tham gia các phong trào của quận phát động còn mang tính hình thức; chưa quan tâm, đầu tư nhiều cho các hoạt động tại cơ sở. Cán bộ CĐ cơ sở cũng chưa chủ động tham mưu các hoạt động cho chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số công nhân (CN) trực tiếp còn suy nghĩ đơn giản về việc tham gia các hoạt động do CĐ tổ chức, chưa nhận thức hết giá trị, tầm quan trọng của các hoạt động CĐ.

LĐLĐ quận Thủ Đức phối hợp cùng Công an quận tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các tài xế

Đồng tình với ý kiến này, ông Dương Hoàng Chinh, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thủ Đức, nêu một thực trạng đáng buồn là các nghệ sĩ nổi tiếng ngày mai diễn ở đâu, gia đình có chuyện gì, người lao động nào cũng nắm, kể rất rành rẽ. Còn Bộ Luật Lao động có gì mới, Luật Giao thông đường bộ sẽ phạt những lỗi gì thì người lao động lại không nắm được. "Nội dung tuyên truyền pháp luật hiện nay rất khô khan, hình thức lại đơn giản nên khó thu hút người lao động. Trong khi đó, các tin tức nóng hổi, hấp dẫn trên internet lại lên rất nhanh, rất phong phú. Nếu không kịp thời định hướng đúng, người lao động rất dễ sa đà vào các thông tin không chính thống rồi hoang mang, không biết thực hư thế nào" - ông Chinh nêu.

Hạn chế về năng lực của cán bộ làm công tác tuyên truyền cũng là nguyên nhân làm cho việc tuyên truyền trở thành những "món ăn" không hợp khẩu vị người nghe. "Nhiều CN có vấn đề bức xúc cần trao đổi ngay với cán bộ tuyên truyền thế nhưng họ chỉ nhận được câu trả lời: "Có thắc mắc gì, các anh chị ghi vào giấy và trả lời sau". Trả lời sau là đến khi nào? Chính điều này làm cho CN ức chế, họ chẳng muốn tham gia những buổi tuyên truyền kế tiếp" - ông Võ Văn Lực, chuyên viên Ban Tuyên giáo Quận ủy quận Thủ Đức, bày tỏ.

Người lao động cần gì thì tuyên truyền cái đó

Trước vấn đề này, ông Lực hiến kế: "Trước khi tuyên truyền, ban tổ chức nên khảo sát xem CN cần nghe những gì. Thí dụ họ chỉ cần biết cách tính tiền lương, tiền tăng ca, tiền làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ… Tuyên truyền thế nào để chỉ cần nghe nội dung là họ đến. Hình thức tuyên truyền cần phải phong phú. Bên cạnh báo cáo viên trình bày cũng cần có sự tương tác, trả lời các thắc mắc, tâm tư để người lao động được giải tỏa những bức xúc, nghi ngờ. Và tùy vào đối tượng, điều kiện, có thể áp dụng phương pháp tuyên truyền bằng hình ảnh, phim, kịch… để tránh sự khô khan, nhàm chán cho người nghe".

Phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM là phường có đông CN nhập cư ở trọ và làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thu hút đông người lao động tham gia, bà Đỗ Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch CĐ phường - chia sẻ: "Trước khi tuyên truyền, CĐ phường phải tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu và tuyên truyền nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chúng tôi tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như chiếu phim, phát tài liệu hỏi đáp, tờ tin pháp luật… Song song đó, các điểm mới của các văn bản pháp luật cũng được lồng ghép vào những hình thức đố vui, trắc nghiệm, bốc thăm… kèm theo phần thưởng để tạo không khí vui vẻ, thu hút CN các nhà trọ tham gia".

Bà Trần Diễm Quỳnh, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH PHP:

Làm cho CĐ thật sự hấp dẫn

Tôi nghĩ không thể tuyên truyền vào buổi trưa hoặc trong giờ làm việc vì người lao động không có hứng thú nghe, làm phản tác dụng nội dung tuyên truyền. Vì thế, ban chấp hành CĐ thường tổ chức các chuyến dã ngoại vào ngày 8-3, 20-10 và lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật vào, hiệu quả rất tốt. Là một doanh nghiệp chuyên về sản xuất phần mềm nên khi có một đoàn viên mới được kết nạp, ban chấp hành CĐ tạo một clip ngắn để chúc mừng, đoàn viên rất cảm động. Vì thế, sau thời gian thử việc, tất cả người lao động đều đến và hỏi làm thế nào để được vào CĐ. Đến nay, 100% người lao động của công ty là đoàn viên CĐ.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lam-sao-noi-cho-cong-nhan-nghe-20170912221320929.htm