Làm thế nào để đàm phán thành công với Tổng thống Nga Putin?

Từ uống rượu vodka cho đến cách ngắt dừng đúng chỗ, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, James Stavridis đã chỉ ra 6 bí kíp để có thể đàm phán thành công với một trong những nhà lãnh đạo “cứng rắn” nhất thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo ông James Stavridis, từng là chỉ huy cao cấp của NATO và hiện là Phó khoa Luật và Ngoại giao ĐH Tufts, có rất nhiều lý do để thấy rằng việc bị bám dính lấy bởi một “con gấu”, hình ảnh tượng trưng cho Nga, là chính xác những gì mà Mỹ đang cảm thấy ở thời điểm hiện tại.

Dường như trong mọi hướng đi, chính sách của Washington đều có sự hiện diện của Moscow ở đó. Mặc dù đã tiến hành mọi nỗ lực để đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine, Crimea, Syria, Iran, lá chắn tên lửa ở châu Âu, tư cách thành viên NATO hay an ninh mạng…, Nga và Mỹ vẫn còn tồn tại rất nhiều sự bất đồng nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng gốc rễ của những bất đồng đó là do tính cách cứng rắn và kinh nghiệm của Tổng thống Nga Putin, người luôn thể hiện rõ ràng quan điểm không ưa gì Mỹ và Tổng thống Obama cũng như NATO. Hầu hết gene chính trị của ông Putin đều có thiên hướng xung đột với phương Tây.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc. Nguồn: Reuters

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, Washington cũng đã có nhiều lần hợp tác thành công với Moscow, dù người lãnh đạo là cựu nhân viên KGB, ví dụ như hai nước cùng hợp tác trong hoạt động chống cướp biển, các vấn đề an ninh ở Afghanistan, kiểm soát vũ khí và chống khủng bố.

Và mới đây, Ngoại trưởng John Kerry đã thực hiện được một công việc lịch sử khi cùng người đồng cấp Nga đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Rõ ràng, các nhà ngoại giao điêu luyện của Mỹ cũng có thể đàm phán thành công với Nga, tuy nhiên đây chắc chắn không phải là một công việc dễ dàng.

Chuyên gia James Stavridis đã đúc rút được một số bí quyết trong các cuộc đàm phán và đối thoại với các quan chức Nga và Tổng thống Putin với tư cách là một chỉ huy của lực lượng NATO.

Hiểu quan điểm về thế giới của Nga

Người Nga xem mình là một đế chế mạnh với diện tích rộng lớn và một nền văn hóa riêng biệt, một quốc gia hoàn toàn tự lực. Người Nga cũng rất tự hào với ngôn ngữ, nền văn học và những cống hiến khoa học của họ.

Họ hiểu rằng mình đã thua trong Chiến tranh Lạnh nhưng họ cũng có niềm tin mãnh liệt rằng các động thái của phương Tây sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, đặc biệt là sự mở rộng của NATO hướng đến các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ là một sự vi phạm cơ phản các hiệp định trước đó. Vì vậy, để đàm phán với “con gấu”, cần phải hiểu rõ cách mà người Nga nhìn chính bản thân mình.

Chấp nhận quyền tối cao của ông Putin

Nga luôn luôn tuân theo những người đàn ông mạnh mẽ được bầu làm lãnh đạo. Một số lãnh đạo có thể tốt hơn nhưng người khác, tuy nhiên phải hiểu được rằng bản chất của tâm lý Nga là luôn có thứ bậc, tôn ti trật tự.

Hiện tại, lãnh đạo nước Nga là ông Putin và mọi quyết định chính trị của đất nước đều xoay quanh ông chủ Điện Kremlin. Mỹ sẽ không thể đàm phán thành công ở mức độ thấp hơn và Washington cần phải cho thấy sự tôn trọng đối với ông Putin cũng như nhận biết được tầm ảnh hưởng của ông đối với mọi quyết định.

Tổng thống Nga là một trong những nhà lãnh đạo cứng rắn nhất thế giới. Nguồn: Reuters

Chuẩn bị cho một tiến trình dài và khó khăn

Cho dù cấp độ hay tầm quan trọng của vấn đề cần phải đàm phán là gì, thì người Nga thường sẽ biến nó trở nên khó khăn hơn. Họ đặc biệt đa nghi đối với những đối tác không đáng tin cậy và Mỹ lại đứng đầu danh sách này.

Thậm chí cần phải chuẩn bị tinh thần cho các cuộc đàm phán tràn ngập sự đa nghi, bùng nổ sự thô lỗ hay nóng nảy. Hiểu được rằng đó là những cử chỉ đàm phán thông thường của họ thì có thể vượt qua được sự khiêu khích này. Và cần phải nhớ rằng người Nga bước vào một cuộc đàm phán với tâm thế không phải là đạt được kết quả cả hai cùng có lợi mà là có thể đánh bại được đối thủ như thế nào.

Mài sắc logic của mình

Nga luôn tôn trọng giá trị của các cuộc trao đổi trực tiếp và logic, cũng như nhanh chóng trở nên tức giận và thiếu tôn trọng khi đối mặt với vấn đề cảm xúc. Giống như một cờ thủ xuất sắc, người Nga không bao giờ trốn tránh những vấn đề phức tạp hay nhiều mưu mẹo bởi họ có một tư duy logic, cũng giống như việc Nga “sản xuất” ra số lượng bậc thầy cờ vua nhiều gấp đôi Mỹ dù có có dân số chỉ bằng một nửa.

Chờ đợi

Người Nga thường lặng lẽ suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời hay một công thức cuối cùng. Sẽ là thô lỗ nếu phá vỡ sự yên lặng đó sau khi đặt câu hỏi và cũng cần tránh khuynh hướng đối thoại nhanh chóng kiểu phương Tây.

Đừng xem nhẹ tính cá nhân. Các mối quan hệ cá nhân có thể rất quan trọng đối với người Nga. Rượu vodka cũng có thể giúp đôi chút cũng như những cách hành xử mang tính chất “văn thơ, nghệ sĩ” cũng sẽ được trân trọng và ghi nhớ.

Tổng thống Nga Putin từng có một câu nói nổi tiếng hồi tháng 12/2014, đề cập đến hình ảnh ẩn dụ “gấu Nga”, đó là: “Họ sẽ luôn cố gắng nhốt con gấu vào sợi xích và ngay khi họ nhốt thành công, họ sẽ bắt đầu xé toạc móng vuốt và đập vỡ răng nanh của nó”.

“Cần phải nhớ rằng, một con gấu bị dồn vào góc tường là một sinh vật vô cùng nguy hiểm. Đó là lý do tại sao Mỹ cần suy tính cần thận không chỉ về chính sách mà còn về cách tiếp cận các cuộc đàm phán với Nga”, ông Stavridis kết luận.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.

Tuệ Minh (lược dịch)

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/lam-the-nao-de-dam-phan-thanh-cong-voi-tong-thong-nga-putin-post209299.info