Làm thế nào để thổ lộ tâm tình giữa vợ và chồng?

Khi đã thành vợ chồng, các cặp đôi nhanh chóng ổn định đời sống, nhưng chính nhịp điệu của cuộc sống thường nhật lại có thể làm nhàm chán mối quan hệ.

Khi đã thành vợ chồng, các cặp đôi nhanh chóng ổn định đời sống, nhưng chính nhịp điệu của cuộc sống thường nhật lại có thể làm nhàm chán mối quan hệ. Thử tưởng tượng bạn về nhà, gặp người bạn đời và điều gì ta bàn với nhau nhiều nhất? Hầu hết sẽ là các chuyện lên kế hoạch cho gia đình: “Hôm nay ăn gì?”, “Thu quần áo vào để ủi nhé?”, “Tuần sau sinh nhật mẹ, chuẩn bị gì đây?”.

Khi đã có con cái, thì chúng lại trở thành trung tâm của các cuộc bàn luận, và bạn sẽ ngạc nhiên vì gần như không thể ngừng nói chuyện về chúng được. Dĩ nhiên, những việc này không có gì sai, chúng rất cần thiết cho cuộc sống gia đình. Nhưng điều mà bạn có thể quên mất lại chính là những cuộc trò chuyện thân mật vốn đóng vai trò “chất kết dính” của các mối quan hệ đôi lứa.

Những cuộc nói chuyện, thổ lộ tâm tình giúp tạo ra cảm giác gần gũi mà ta mong muốn trong một cuộc hôn nhân. Nhưng cũng đừng cố gắng gượng ép, không thì việc nói chuyện sẽ trở nên kỳ cục. Một cặp vợ chồng rất cần có thời gian để kể lại các trải nghiệm tốt hay xấu của mỗi người trong ngày, những cảm xúc vui, buồn, trở ngại... Những chủ đề này có thể đến từ các tương tác bên ngoài gia đình hay những chuyện chỉ giữa hai vợ chồng.

Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock

Tuy cả hai vợ chồng đều có thể gặp khó khăn trong việc tâm sự tình cảm của mình, nhưng riêng người đàn ông thường “có vấn đề” nhiều hơn. Đó là lý do tại sao nhiều người vợ than “thiếu vắng sự lãng mạn” hay “mất đi sự kết nối” với chồng của họ. Điều nhiều người đàn ông không hiểu là sự thân mật không chỉ làm cho “bà xã” thấy gắn kết mà còn khiến cô ấy sẵn sàng hơn với chuyện chăn gối. Vì thế, tâm tình rất đáng để làm, các ông chồng ạ!

Làm thế nào để thổ lộ tâm tình giữa vợ và chồng? Hãy bắt đầu bằng những chủ đề dễ dàng nhất. Xem lại những gì đã xảy ra với bạn trong những ngày vừa qua rồi ngồi lại thổ lộ với bạn đời, vừa kể vừa trả lời những câu hỏi: Việc gì gây ấn tượng nhất cho bạn? Những ai, những điều gì đã làm bạn cảm thấy vui? Điều gì làm bạn phiền lòng hay thất vọng? Bạn học được điều gì mới và tại sao kiến thức đó lại thu hút bạn? Bạn có gặp một ai mới lạ không, và bạn nghĩ gì về người đó? Đã có chuyện gì xảy ra làm bạn lo sợ, làm bạn cảm thấy khó chịu hay thay đổi định kiến của mình?

Đừng chỉ quan tâm đến những câu chuyện, mà hãy tập trung vào những cảm xúc của bạn. Hơn thế nữa, còn có những cảm xúc, những suy nghĩ nảy ra trong khi bạn nói chuyện với bạn đời của mình. Bạn có thể xác định được cảm xúc đó cụ thể là gì không? Có phải đó là sự ngạc nhiên, vui thích, buồn hay giận dữ? Kể về một đồng nghiệp gặp tai nạn giao thông vì uống say? Dẫn đến việc bạn muốn nhắc nhở chồng đừng bao giờ lái xe khi đang say xỉn.

Tình cờ đi ngang trường học cũ mà cả hai vợ chồng từng cùng trải qua thời niên thiếu, kể cho cô ấy nghe bạn bỗng bồi hồi nhớ lại quá khứ và trân trọng nó đến mức nào. Thế còn những cảm xúc khó chịu hơn như thất vọng, xấu hổ hay cảm giác muốn bỏ cuộc? Hôm nay sếp ở cơ quan “dở chứng”? Bức xúc với lời nói của người thân hay bạn bè? Càng mở tấm lòng đến với những tình cảm thầm kín nhất, vợ chồng sẽ càng gần gũi và thân mật hơn. Bạn sẽ sẵn sàng tin tưởng và trân trọng hơn bạn đời của mình, người sẵn sàng chia sẻ tất cả những vui buồn trong cuộc sống.

Vẫn còn có một vấn đề phức tạp hơn, nhưng khi được thổ lộ sẽ mang lại dấu ấn đậm nét trong quan hệ vợ chồng. Đó là một chủ đề nhạy cảm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ đôi lứa mà nhiều người không dám động tới, nhất là khi họ muốn giữ vững hạnh phúc đang có.

Lý do là vì chúng động tới nỗi lo sợ lớn nhất của những cặp vợ chồng: nỗi lo bị từ chối, bỏ mặc và những hành động phản ứng tiêu cực từ phía người bạn đời. Thế nhưng, chỉ kể lại các câu chuyện và thổ lộ tâm tình thôi thì không đủ. Đối với các vấn đề lớn như cách dạy con cái, tình dục, bố mẹ của nhau, tài chính gia đình... bạn còn cần phải thổ lộ cảm giác của mình về những chủ đề này.

Đây là lớp vỏ cuối cùng tách biệt cái tôi của bạn với bạn đời, để bạn có thể mở cửa hoàn toàn tâm hồn, không còn gì giả tạo, khách sáo có thể ngăn cản giữa vợ và chồng. Chẳng hạn, bạn muốn làm hài lòng bố mẹ của bạn đời, nhưng cảm thấy bản thân không thích gia đình của họ. Hoặc bạn muốn bày tỏ rằng đôi khi những chuyện ở cơ quan mà chồng/vợ mình kể lại quá phù phiếm, và ta nên nói về những câu chuyện khác thú vị hơn.

Hay bạn có một ý thích riêng trong chuyện chăn gối nhưng e ngại không dám nói ra. Khi chính bạn hay bạn đời có các phản ứng né tránh, e ngại về các chủ đề như thế, có nghĩa là còn có một điều gì đó ẩn bên dưới. Các cặp đôi cần phải phá bỏ lớp phòng thủ cuối cùng của cái tôi, dù cho đôi khi cần phải đối mặt với cảm xúc khó chịu để thổ lộ những cảm nghĩ sâu sắc nhất của mình cho bạn đời. Đừng ngại phải khóc lóc, trở nên yếu đuối, bực tức khi thổ lộ tình cảm.

Khi nói chuyện với nhau hàng ngày, bạn càng đào sâu vào những lớp vỏ tận cùng nhất của cảm xúc thì chúng càng để lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến mối quan hệ tình cảm giữa vợ và chồng. Nó còn giúp bảo vệ cặp đôi khỏi những phản ứng tiêu cực trong mối quan hệ, chẳng hạn như suy nghĩ “tôi không thể nào chiều lòng người ấy” hay “tôi không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn đời”.

Bạn sẽ tránh được những hờn giận không nói ra, những cuộc cãi vã và cảm giác không hiểu được ý đồ của nhau. Chính những cuộc nói chuyện sâu sắc này cũng sẽ là nền móng để tạo dựng một cuộc hôn nhân bền vững lâu dài. Đến một lúc nào đó, vợ chồng bạn sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều khi thổ lộ những tâm tình sâu kín nhất với nhau, đó là lúc bạn biết cuộc hôn nhân của mình đã thành công.

Thạc sĩ tâm lý Trần Nguyên Hùng

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tam-su/hon-nhan/lam-the-nao-de-tho-lo-tam-tinh-giua-vo-va-chong-89352/