Lạm thu núp bóng 'tự nguyện'?

Cứ như “đến hẹn lại lên”, sau mỗi kỳ khai giảng năm học mới, chuyện lạm thu trong nhà trường lại trở thành chủ đề nóng trên báo chí, thu hút sự quan tâm của dư luận. Có điều nghịch lý là, dù ngành chức năng đã có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể các khoản thu được phép trong nhà trường nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra, thường núp bóng dưới các tên gọi “thỏa thuận”, “tự nguyện” hay “xã hội hóa” với số tiền không hề nhỏ.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài học phí bắt buộc (trừ bậc tiểu học được miễn học phí), tiền dạy, học thêm trong quy định (tiền dạy buổi 2 đối với các trường dạy hai buổi/ngày), nhà trường có thu hộ các khoản Bảo hiểm y tế (theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế); phí Đoàn, Đội... Ngoài ra, các khoản thu khác của nhà trường phải được cấp trên phê duyệt, cụ thể là Ủy ban nhân dân quận (huyện) đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các trường trung học phổ thông. Những khoản thu được phép đó là: tiền ăn bán trú (thu theo mỗi tháng), chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú (thu theo năm học hoặc theo kỳ với trường có tổ chức bán trú), tiền mua học phẩm đối với trẻ mầm non (thu theo năm học), tiền vệ sinh, tiền nước uống tinh khiết, tiền đồng phục học sinh, phù hiệu trường, thẻ học sinh... Những khoản thu này phải thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, thu đủ chi và phải minh bạch, công khai.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều năm nay, một số cơ sở giáo dục công lập đã thu nhiều khoản sai so với quy định, gây bức xúc cho phụ huynh. Các khoản thu vô lý này thường được núp bóng tự nguyện với các tên gọi khá kỳ lạ như: tiền tưới cây, chăm sóc cây, photocopy tài liệu, tiền để xe dưới nhà có mái che, tiền thu hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ trực đêm… Đầu tháng 9 vừa qua, thông tin về việc một trường tiểu học ở TP Hải Phòng thu gần 20 khoản với số tiền lên đến hơn 9 triệu đồng/học sinh đã khiến dư luận “dậy sóng”. Đáng nói, trong số gần 20 khoản thu có nhiều khoản sai quy định, chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tại một trường tiểu học khác cũng ở Hải Phòng, mỗi học sinh khối 1 phải nộp tới hơn 10 triệu đồng trong năm học 2017-2018 cho 14 khoản thu như: ủng hộ cơ sở vật chất, câu lạc bộ hè, kỹ năng sống, sách giáo khoa, học tiếng Anh… Với học sinh khối 4 và khối 5, các loại phí đầu năm cũng lên tới sáu triệu đồng với những loại phí “lạ đời” như: trải nghiệm sáng tạo, bảo vệ và hỗ trợ chuyên môn, tăng giờ… Đáng nói, ngoài các loại tiền liên quan đến học tập, học sinh của trường tiểu học này còn phải nộp thêm những khoản hết sức vô lý, không hề có trong quy định như: ủng hộ khai giảng (50 nghìn đồng), ủng hộ các ngày lễ lớn (100 nghìn đồng), trang trí, tu sửa khuôn viên (100 nghìn đồng)… Tương tự, việc thu mỗi học sinh lớp 1 tới hơn 16 triệu đồng ở một trường tiểu học thuộc tỉnh Đồng Tháp, mà theo một vị lãnh đạo thì nhà trường không có chủ trương thu thêm khoản nào, những khoản thu thêm là do cha mẹ thống nhất với nhau (!?) cũng khiến dư luận bức xúc. Bên cạnh những trường hợp cụ thể nêu trên, vẫn tồn tại tình trạng một số cơ sở giáo dục công lập thu nhiều khoản núp bóng “tự nguyện”, sai quy định, làm cho số tiền đầu năm cha mẹ phải nộp có thể lên đến vài triệu đồng. Đây là gánh nặng với không ít gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.

Việc đóng góp kinh phí để duy trì các hoạt động trong nhà trường là cần thiết nhưng phải tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, tránh việc thương mại hóa môi trường giáo dục. Thực tế cho thấy, khoản lạm thu phổ biến trong một số nhà trường hiện nay là thu để phục vụ mục đích xây dựng trường như: xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình của nhà trường, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy… Để hợp thức hóa, Ban giám hiệu nhà trường thường “nhờ” ban đại diện cha mẹ học sinh thu hộ. Tuy nhiên, việc thu này là sai với quy định.

Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12-11-2011 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã nêu rõ nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp bao gồm: “a. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; b. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; c. Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác” (khoản 1, Điều 4). Như vậy, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện như: đóng góp xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…

Hơn nữa, kinh phí cho việc xây dựng trường hay trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học đều đã được trích phần lớn từ nguồn vốn nhà nước, phần còn lại là các nguồn xã hội hóa theo đúng quy định và phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng trên thực tế, không chỉ thu các khoản ngoài quy định để xây dựng trường, có trường còn thu các khoản hỗ trợ các hoạt động chuyên môn như: hội giảng, hội thao, hội diễn,… hay các hoạt động ngoại khóa như: khai giảng, hội diễn văn nghệ… Trong khi đó, ở bậc mầm non, tiền học phí được trích để bổ sung kinh phí cho các hoạt động nêu trên nhưng một số trường vẫn tách riêng các khoản này thành quỹ và kêu gọi cha mẹ học sinh đóng góp vào đầu năm, gắn mác “tự nguyện”.

Về nguyên tắc, các khoản thu tự nguyện là để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện ngân sách ở các địa phương và ngành giáo dục còn hạn hẹp, cần có sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía gia đình. Tự nguyện cũng có nghĩa là khả năng có bao nhiêu góp bấy nhiêu, không có sự ép buộc nào, thậm chí, chỉ cần góp sức mà không nhất thiết phải đóng góp về mặt tài chính. Vậy nhưng thực tế, dường như các hình thức đóng góp tự nguyện đã bị một số trường hiểu sai hoặc “cố tình” hiểu sai dẫn đến biến tướng thành nhiều khoản thu bất hợp lý. Đó là chưa kể một số trường thu xong, nhưng cha mẹ học sinh không hề biết việc chi như thế nào, do đó vi phạm nguyên tắc minh bạch trong thu - chi tài chính. Mặt khác, dù các khoản thu mang tính “tự nguyện” song khó cha mẹ nào có thể từ chối, trong đó không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải gồng mình gánh các khoản phí để con em mình được yên tâm khi đến trường.

Lạm thu trong các trường học đã tồn tại nhiều năm qua, trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận, nhưng điều khiến nhiều người quan tâm là tình trạng lạm thu khi bị phát hiện sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, vậy tại sao những khoản thu vô lý vẫn tồn tại và xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau? Không ít lý do đã được đưa ra như: tình trạng khó khăn về kinh phí hoạt động ở một số cơ sở giáo dục, chính sách về xã hội hóa giáo dục chưa kịp thời, chưa phù hợp, ban giám hiệu một số trường chưa nắm rõ các quy định về xã hội hóa, thu chi quản lý tài chính, công tác kiểm tra, giám sát vấn đề thu chi tại các cơ sở giáo dục công lập chưa thật sự nghiêm minh, các biện pháp xử lý “nạn” lạm thu thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe... Nhưng dù lý do nào thì việc lạm thu cũng là không thể chấp nhận. Hiện nay, các sở giáo dục và đào tạo đều có hướng dẫn thực hiện những khoản thu trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ. Do đó, yêu cầu đặt ra là mỗi cơ sở giáo dục công lập cần thực hiện đúng và thật sự nghiêm túc hướng dẫn này, không thu những khoản ngoài học phí trái quy định, đồng thời ngành giáo dục cần phải giám sát, phát hiện kịp thời các sai phạm để xử lý nghiêm. Các khoản thu tự nguyện phải phục vụ trực tiếp cho hoạt động học tập của học sinh và cần được thảo luận công khai, lấy ý kiến rộng rãi của cha mẹ học sinh toàn trường, tránh dựa vào ý kiến số ít của một bộ phận cha mẹ học sinh. Về phía nhà trường cần công khai mức thu, chi bảo đảm minh bạch, tài chính.

Tuy nhiên, tại một số trường, điều kiện cơ sở vật chất đang xuống cấp, không bảo đảm cho việc học tập của học sinh cũng cần được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Theo đó, cơ quan chức năng cần lên danh sách các trường có đề xuất, đánh giá chính xác tình hình thực tế theo từng hạng mục để có phương án hỗ trợ phù hợp, như nâng cấp toàn bộ hay một phần hoặc đầu tư xây mới... Đồng thời, công tác tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn cần được đẩy mạnh. Thực tế cho thấy, không ít cơ sở giáo dục đã phát huy hiệu quả khi biết huy động được nguồn lực từ cộng đồng trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập an toàn, chất lượng cho học sinh. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng lạm thu không thể không đề cập đến vai trò và trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện phải gồm những người tâm huyết, luôn vì quyền lợi của học sinh, coi trọng chất lượng giáo dục, chứ không phải chú trọng tăng thêm số lượng các khoản thu để phát triển các hoạt động bề nổi, mang tính hình thức.

Giải quyết triệt để nạn lạm thu là đòi hỏi chính đáng và cấp bách của toàn xã hội nhằm góp phần bảo đảm môi trường giáo dục lành mạnh. Để làm được điều này rất cần sự quyết tâm của cả cộng đồng.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34164802-lam-thu-nup-bong-“tu-nguyen”.html