Lần cuối công du châu Á của Obama: Đầu không xuôi, đuôi có lọt?

Chuyến công du châu Á cuối cùng của Tổng thống Obama đầy sự cố và thách thức. Nó là một điểm trừ cho chiến lược xoay trục về châu Á vốn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chuyến công du châu Á vừa rồi là lần đến châu Á cuối cùng của ông Obama với tư cách tổng thống Mỹ. Theo nhận định của báo Business Insider (Mỹ) thì đây là một chuyến đi đầy sự cố và thách thức với Tổng thống Obama. Nó là một điểm trừ cho chiến lược xoay trục về châu Á vốn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông.

Rắc rối ở Hàng Châu

Chuyến đi đã không suôn sẻ ngay từ đầu. Việc tiếp đón ông Obama ở điểm đến đầu tiên: Hàng Châu - Trung Quốc đã xảy ra sự cố ầm ĩ. Tổng thống Obama thường bước ra khỏi chiếc máy bay không lực một từ một cầu thang do quân đội cung cấp. Tuy nhiên, không lâu trước khi máy bay chở ông Obama đến Hàng Châu, các quan chức Trung Quốc báo với các quan chức Mỹ rằng ông Obama sẽ không thể sử dụng thang như thường lệ. Phía Mỹ đồng ý sẽ sử dụng cầu thang của Trung Quốc.

Sự cố xảy ra khi sau đó tài xế chở cầu thang đã không liên lạc được với quan chức Nhà trắng Mỹ. Và ông Obama lý ra sẽ bước xuống máy bay từ một cầu thang lớn, có thảm đỏ, có góc nhìn, góc chụp ảnh rộng và đẹp hơn thì phải ra khỏi máy bay bằng một cầu thang nhỏ hơn từ một phía khuất tầm nhìn hơn.

Tổng thống Obama ra khỏi máy bay bằng cầu thang nhỏ trong chuyến bay đến Hàng Châu (Trung Quốc) ngày 3-9 tham dự hội nghị G20. Ảnh: GETTY IMAGES

Tình huống ra máy bay từ cửa tầm nhìn bị hạn chế thường chỉ được ông Obama thực hiện khi đến một địa điểm thiếu an toàn. Nhiều người Mỹ cho rằng sự cố này là một sự cố ý làm mất mặt ông Obama của Trung Quốc. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump xem đây là cơ hội để mỉa mai ông Obama.

“Nghĩ xem. Đến Cuba, ông ấy không được lãnh đạo cấp cao đón. Đến Saudi Arabia, ông ấy cũng không được lãnh đạo cấp cao đón. Giờ đến Trung Quốc, họ không đưa ông ta cầu thang để ra khỏi máy bay.”

Ngoài sự cố này còn xảy ra một vụ lộn xộn nữa trong buổi đón ông Obama. Các quan chức Trung Quốc đã nhầm lẫn và chặn đường Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice tiếp cận đoàn xe hộ tống Tổng thống Obama. Khi sự việc sáng tỏ, một quan chức Trung Quốc còn lớn tiếng với một trợ lý Nhà trắng Mỹ “Đây là nước chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi.”

"Vũng lầy" Syria

Thứ hai, trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị G20 tại Trung Quốc, Tổng thống Obama đã không đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về một lệnh ngừng bắn cho Syria. Việc Mỹ qua nhiều năm vẫn chưa tháo gỡ các bất đồng với Nga về cuộc chiến Syria bị xem là một điểm trừ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định việc để xảy ra khủng hoảng nhân đạo kéo dài ở Syria là cũng một thất bại của nhiệm kỳ tổng thống Obama.

Tổng thống Mỹ Obama (phải) gặp Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị G20 ở Trung Quốc ngày 5-9. Ảnh: REUTERS

Một thất bại nữa, năm 2013, chính phủ ông Obama cam kết sẽ di dời toàn bộ vũ khí hóa học ra khỏi Syria và ngăn không cho quân Tổng thống Syria Bashar Assad sử dụng chúng sát hại dân thường trong tương lai. Tuy nhiên một báo cáo gần đây của LHQ cho thấy chính phủ Syria đã nhiều lần thả bom khí độc Clo xuống khu dân cư.

"Người đặc biệt" Duterte

Sự cố thứ ba, Tổng thống Obama bị buộc phải hủy cuộc gặp song phương chính thức với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau khi bị ông Duterte chửi là “đồ chó đẻ” vì dám chỉ trích chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của ông ta.

Tổng thống Obama đã hủy gặp chính thức Tổng thống Duterte (ảnh) sau khi bị sỉ nhục. Ảnh: REUTERS

Ông Duterte đã có lời thể hiện sự hối tiếc. Hai tổng thống đã có dịp gặp ngắn, không chính thức vào tối 7-9. Đối phó với lãnh đạo mới của Philippines là một thách thức không hề nhỏ với ông Obama khi Philippines là đồng minh trọng yếu trong khu vực mà Mỹ không thể bỏ qua. Vì lý do đó, nhiều chuyên gia dự đoán nhiều khả năng ông Obama dù muốn dù không sẽ có buổi gặp chính thức ông Duterte trước khi hết nhiệm kỳ.

Đầu không xuôi, liệu đuôi có lọt?

Theo chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer, từ các sự cố trên có thể nhìn thấy con đường phía trước của Mỹ ở châu Á sẽ không hề dễ dàng, chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ sẽ thêm nhiều khó khăn.

“Uy thế, môi trường thương lượng dành cho Mỹ đang thêm nhiều thách thức. Thế giới ngày càng đa cực và Trung Quốc ngày càng quyết liệt - nhờ có sự hỗ trợ của sức mạnh kinh tế, và riêng với châu Á thì có thêm ưu thế về sức mạnh quân sự” - chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer nhận định với Business Insider. Ông Ian Bremmer là Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) - tập đoàn cố vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới.

“Dù mọi bước đi của Mỹ đều đúng hướng thì con đường phía trước cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.”

Theo chuyên gia Bremmer, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là điểm cốt yếu trong quan hệ của Mỹ và các nước châu Á tới đây. Điểm nổi bật trong TPP này là giảm thuế cho 12 nước quanh Thái Bình Dương, không bao gồm Trung Quốc.

Tổng thống Obama trong cuộc họp với lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP ngày 10-11-2014. Ảnh: REUTERS

“Rất nhiều cái tùy thuộc vào TPP. Nếu nó không được thông qua, Trung Quốc sẽ trở thành lãnh đạo của cấu trúc kinh tế châu Á. Và quan hệ của Mỹ với nhiều nước trong khu vực sẽ suy yếu” - Business Insider nói với chuyên gia Bremmer.

Nhận thức được điều này nên tại Lào ngày 7-9 ông Obama đã một lần nữa hứa hẹn sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Tuy nhiên việc thuyết phục Quốc hội đồng ý tham gia TPP trong thời điểm ông là tổng thống vịt què - cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều do phe Cộng hòa chiếm đa số - là chuyện rất khó khăn. Trong khi đó cả hai ứng viên tổng thống Cộng hòa và Dân chủ đều phản đối Mỹ tham gia TPP.

ĐĂNG KHOA

loading...

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-gioi/phan-tich-binh-luan/lan-cuoi-cong-du-chau-a-cua-obama-dau-khong-xuoi-duoi-co-lot-651561.html