Lần đầu tiên công bố báo cáo xuất nhập khẩu

Một cái nhìn toàn cảnh về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2016 chính thức được Bộ Công Thương công bố vào ngày 29/3.

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ảnh: Phan Thu.

Xuất khẩu "lớn" nhanh

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong buổi công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự lớn mạnh trong thời gian qua, từ chỗ chỉ xuất khẩu được hơn 5 tỉ USD (năm 1995), con số này đến hết năm 2016 đã đạt gần 177 tỉ USD, tăng trưởng 9% so với năm 2015.

“Tốc độ này có thể khiến nhiều người (ngồi tại cuộc báo cáo- PV) chưa hài lòng nhưng chúng ta nên có cái nhìn khách quan hơn. Trong bối cảnh giá thị trường thế giới suy giảm, nhu cầu của các nước nhập khẩu cũng suy giảm, Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như vậy là đáng mừng”, ông Khánh chia sẻ.

Một điểm sáng khác trong bức tranh xuất nhập khẩu được ông Khánh nêu ra là cơ cấu xuất khẩu đã có sự thay đổi, trong đó mặt hàng công nghiệp chế biến tăng 8-9%, cơ cấu hàng xuất khẩu đang dịch chuyển tích cực, từ chỗ xuất khẩu thô là chính chuyển sang chế biến nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Bổ sung thêm thông tin, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, từ năm 2013 đến nay, xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao. Con số 9% của năm 2016 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh các nước trong khu vực có mức tăng trưởng thấp hoặc tăng trưởng âm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore…

Kết quả này có được là nhờ vào việc tham gia kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ông Hải thông tin, tính đến cuối năm 2016, Việt Nam đã kí và thực hiện 10 hiệp định song phương và đa phương. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi năm 2016 đạt 26,6 tỉ USD, chiếm 36,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường kí FTA. Kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi khá ổn định, từ C/O mẫu EAV đối với hàng xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu khi FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu mới có hiệu lực từ tháng 10/2016.

Sản phẩm "gối đầu giường" của doanh nghiệp?

Có thể thấy, sau rất nhiều năm tham gia vào xuất khẩu, cho đến hôm nay, 29/3, Việt Nam lần đầu tiên công bố bản báo cáo xuất nhập khẩu 2016. Bản báo cáo này gồm các nội dung chính: Tổng quan về kinh tế Việt Nam và thế giới; ình hình xuất khẩu các mặt hàng (nông - thủy sản, công nghiệp chế biến); tình hình nhập khẩu các mặt hàng (nông - thủy sản, nhiên liệu khoáng sản, nhóm hàng công nghiệp); các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách, cơ chế xuất nhập khẩu; thông tin về các hiệp định thương mại tự do; phòng vệ thương mại.

Sự đầy đủ của báo cáo được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá cao song ông vẫn còn băn khoăn về một vài “khiếm khuyết” của bản báo cáo.

Theo đó, báo cáo chưa có đánh giá về những con số xuất khẩu, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, đặc biệt là nhập lậu ở một số lĩnh vực ngành hàng có tính nhạy cảm. “Bộ Công Thương và cơ quan Hải quan nên đánh giá ảnh hưởng của những việc này đến thị trường chứ không chỉ nói đến việc xuất nhập khẩu các mặt hàng”, ông Giang nói.

Một điểm nữa được vị này nhắc đến là việc sử dụng các rào cản, biện pháp phòng vệ thương mại phải được thích nghi ngay với rào cản các nước. Ông Giang cho biết, trong 5 năm gần đây, ngành dệt may đã tạo dựng được sự khác biệt lớn, đó là xuất khẩu 5 mặt hàng chủ lực ra thị trường thế giới gồm: Quần áo, sợi, vải, phụ liệu và vải cho công nghệ làm đường lốp ô tô, xe máy.

Ngoài những thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, EU, Nhật Bản… vẫn được duy trì ổn định thì ngành dệt may còn tạo thêm được nhiều thị trường mới như Hàn Quốc (3 năm gần đây xuất khẩu tăng đột biến), Trung Quốc…

Riêng mặt hàng sợi, Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Tuy nhiên, ngay sau khi những sản phẩm này được xuất khẩu thì lập tức bị các nước dựng hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước.

Cụ thể, khi chúng ta xuất khẩu vào Trung Quốc quá nhanh lập tức họ đã dùng biện pháp phòng vệ bằng cách xây dựng cơ chế cho ngành bông của họ. Hay sản phẩm sợi xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng phải đối mặt với việc áp thuế chống bán phá giá khiến cho cửa xuất khẩu sản phẩm này đóng lại.

Với thực tế xuất khẩu đến đâu bị chặn đến đó, ông Giang cho rằng, báo cáo xuất nhập khẩu về khả năng phòng vệ cần phải cần phải nêu ra những biện pháp như thế nào. Bộ Công Thương nên thích ứng ngay, trả bài ngay các nước khi rào cản kĩ thuật được dựng lên, không để chậm trễ.

Theo ông Trần Quốc Khánh, ấn phẩm đầu tiên này sẽ còn nhiều thiếu sót, Ban Biên tập rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả để hoàn thiện dần. "Chúng tôi cố gắng phấn đấu sau 5 kì thì báo cáo sẽ trở thành ấn phẩm “gối đầu giường” của các doanh nghiệp”, ông Khánh nói.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 24 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, có 25 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 1 tỉ USD. Số thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ là 28 thị trường.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lan-dau-tien-cong-bo-bao-cao-xuat-nhap-khau.aspx