Lần đầu tiên tái hiện lễ cưới Công nữ Ngọc Hoa

Trong khuôn khổ sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản, chiều 15.8, lần đầu tiên lễ cưới của Công nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro đã được tái hiện.

Tái hiện lễ rước Công nữ Ngọc Hoa bằng thuyền buôn Nhật của thương gia Araki SotaroẢnh: An Dy

Với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đến từ tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), lần đầu tiên lễ cưới ghi dấu mối lương duyên Việt - Nhật được tái hiện một cách sinh động ở Hội An (Quảng Nam), thu hút hàng vạn lượt người dân và du khách thưởng lãm.

Dẫn đầu đoàn rước dâu là đội múa rồng của tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), tiếp theo đó là hai hàng nam thanh nữ tú, nam mặc y phục truyền thống Nhật Bản, nữ mặc y phục truyền thống của người Việt. Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro ngồi trên mô hình tàu buôn Nhật thế kỷ 17 được phục dựng chính xác đến từng chi tiết.

Hình ảnh chiếc thuyền rước dâu quay tròn 3 vòng thể hiện sự ngưỡng vọng của Công nữ Ngọc Hoa đối với quê cha, đất tổ trước khi ra đi đã khiến người dân và du khách thực sự xúc động. Một đại diện đến từ tỉnh Nagasaki cho biết nghi lễ rước tàu này cũng thường được người Nhật tái hiện ở lễ hội Okunchi được tổ chức hằng năm ở Nagasaki (từ ngày 7 - 9.10), với hai em bé đứng trước mũi thuyền đóng vai Sotaro và Ngọc Hoa (người Nhật gọi là công nương Wakaku).

Lễ rước đi dọc theo sông Hoài (Hội An), trên con đường mang tên Công nữ Ngọc Hoa Ảnh: An Dy

Theo sách sử ghi chép thì Công nữ Ngọc Hoa là con nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, được gả cho thương gia Nhật Bản Araki Sotaro vào năm 1619. Năm 1620, Ngọc Hoa theo chồng về Nhật và trở thành người phụ nữ đầu tiên mang văn hóa Việt Nam đến Nhật, là người dạy các điệu múa An Nam cho người Nhật. Với trái tim nhân hậu của mình, bà tham gia nhiều hoạt động chẩn tế, xây chùa chiền ở Nagasaki và được người dân địa phương đặc biệt tôn kính.

Công nữ Ngọc hoa mất năm 1645 ở Nagasaki và được thờ tại đền Daionji (Nagasaki). Hiện tại, Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn còn lưu giữ chiếc gương soi của Công Nữ Ngọc Hoa. Tại phố cổ Hội An cũng có một con đường ghi dấu ấn của Công nữ Ngọc Hoa, là con đường chạy dọc sông, từ cầu gỗ trước chùa Cầu đến quảng trường sông Hoài.

Chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 14 diễn ra trong 2 ngày (15 và 16.8) được xem là sự kiện lễ hội thường niên, đặc sắc hấp dẫn người dân và du khách quốc tế đến giao lưu, trải nghiệm.

Tham gia lễ hội, người dân và du khách còn được tham quan khu trưng bày các sản phẩm thời trang và hàng thủ công mỹ nghệ Hội An, tham gia Hội hoa đăng báo Hiếu cha mẹ, chụp ảnh lưu niệm với áo Yukata và Kimono, các hoạt động trải nghiệm làm lồng đèn, gấp giấy Origami, gấp lá dừa… và các trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam - Nhật Bản…

Các võ sư đến từ tỉnh Nagasaki trình diễn điệu múa rồng có từ hơn 400 năm trước, là điệu múa nổi tiếng khắp nước Nhật Ảnh: An Dy

Đông đảo người dân và du khách quốc tế hào hứng thử nghiệm múa rồng Nagasaki Ảnh: An Dy

Các võ sinh Hội An đáp lại nhiệt tình của nước bạn bằng điệu múa Thiên cẩu truyền thống của phố Hội Ảnh: An Dy

An Dy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/lan-dau-tien-tai-hien-le-cuoi-cong-nu-ngoc-hoa-734354.html