Lần đầu tiên, tội phạm dùng SIM ảo để trộm cước viễn thông quốc tế

Theo đại diện Tổng Cục An ninh, Bộ Công an, trong vụ án thiết lập trái phép hệ thống viễn thông quốc tế được triệt phá mới đây, các đối tượng phạm tội đã sử dụng SIM ảo được kích hoạt, tạo IMEI giả tại Trung Quốc. Đây là một thủ đoạn mới và tinh vi của các đối tượng tội phạm, gây khó khăn cho cơ quan công an trong hoạt động điều tra.

Mới đây, Tổng Cục An ninh đã triệt phá đường dây trộm cước viễn thông quốc tế sử dụng SIM ảo được kích hoạt, tạo IMEI giả tại Trung Quốc do đối tượng Phạm Công Toàn ở Móng Cái, Quảng Ninh và một số đối tượng khác thực hiện. Để thiết lập hệ thống viễn thông quốc tế bất hợp pháp, đối tượng Phạm Công Toàn đã thu gom SIM trả trước hoặc chưa kích hoạt tại một số địa phương rồi vận chuyển sang Trung Quốc. Sau đó, đối tượng Toàn cùng đồng bọn đã sử dụng phần mềm để tự kích hoạt, tạo IMEI giả… Các dữ liệu này được nạp vào máy chủ SIM Bank đặt tại Hồng Kông. Thực chất đây là một hình thức tạo SIM ảo. Khi các đối tượng này lấy thông tin dữ liệu của SIM thật để tạo SIM ảo thì số SIM thật này được đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Từ đây, thông qua mạng Internet, dữ liệu đã nạp tại các SIM Bank này được chuyển sang nhiều máy chủ điều khiển mạng (SIM server) đặt tại Hồng Kông (Trung Quốc). Theo nhận định của cơ quan điều tra, Hồng Kông cũng là địa điểm đặt máy chủ điều khiển, kết nối với các mạng viễn thông của nhiều quốc gia của các đối tượng tội phạm nhằm giảm thiểu chi phí thuê đường truyền.

Không những vậy, nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan an ninh và nhà mạng trong nước, các đối tượng tội phạm còn lập mạng viễn thông quốc tế sử dụng công nghệ VoIP ảo đặt tại Trung Quốc và Hồng Kông. Sau đó, các mạng này được kết nối với hệ thống thu phát sóng tại Việt Nam và thường xuyên thay đổi SIM ảo nạp trong máy chủ SIM server để kết nối luân phiên với các hệ thống thu phát sóng khác nhau tại Hà Nội, Quảng Ninh…

Mục đích của các đối tượng trong đường dây này là lợi dụng chính sách khuyến mại gọi nội mạng của các nhà mạng Việt Nam để trộm cước viễn thông quốc tế, nhằm thu lợi nhuận cao.

Tang vật của đường dây tôi phạm thiết lập mạng viễn thông quốc tế trái phép bị Công an phát hiện tại hiền trường. Ảnh do cơ quan điều tra cung cấp

Đại diện Tổng Cục An ninh cũng cho biết, nhằm triệt phá được đường dây dây này, từ năm 2015 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông và cung cấp dịch vụ Internet trong nước như VNPT, MobiFone, Viettel, FPT, VTVcab, SCTV để thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn ở khu vực biên giới và các địa phương. Từ việc thu thập, phân tích số liệu liên lạc của hàng trăm nghìn thuê bao nghi vấn, cơ quan công an đã xác định được hơn 90.000 số điện thoại di động thường xuyên hoạt động tại Quảng Ninh, Hà Nội, Lao Cai bị sử dụng cho các hệ thống viễn thông quốc tế trái phép.

Trong quá trình điều tra, bằng các nghiệp vụ sàng lọc, cơ quan công an đã khoanh vùng được hoạt động khai thác trái phép cước viễn thông xung quanh nhiều khu vực đặt trạm thu phát sóng BTS có nghi vấn tại Hà Nội như Trung Kính, Trung Hòa, Nam Trung Yên, Thanh Xuân, Định Công... Từ đó, các trinh sát đã phát hiện một mạng viễn thông quốc tế IP ảo được thiết lập trái phép, bao gồm: hệ thống thu phát sóng (VoIP GSM Gateway) được kết nối với máy chủ điều khiển hệ thống (SIM Server) đặt tại Hồng Kông, máy chủ lưu dữ liệu SIM điện thoại ảo (SIM Bank) đặt tại Trung Quốc và các hệ thống máy chủ VoIP nằm ở Mỹ, Hàn Quốc..

Cũng theo đại diện Tổng Cục An ninh, thời gian qua, các đối tượng chủ mưu đã đặt nhiều hệ thống thiết bị trộm cắp cước viễn thông quốc tế ở kia biên giới với Trung Quốc. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an tiến hành kiểm tra, thu hồi gần 11 triệu SIM đã kích hoạt sẵn trên thị trường trong thời gian qua.

Hoàng Yến

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/toi-pham-cong-nghe-cao/lan-dau-tien-toi-pham-dung-sim-ao-de-trom-cuoc-vien-thong-quoc-te-146686.ict