Lặn lội tìm đầu vào đào tạo xiếc!

Tiết mục uốn dẻo của đoàn Cam-pu-chia. Ảnh: THÚY HIỀN

Cuộc thi tài năng xiếc trẻ ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia 2009 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức đã khép lại. Lần đầu tiên ngành xiếc Việt Nam có cuộc thi dành cho đối tượng là các nghệ sĩ trẻ, xem ra quá muộn so với các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên hơn bất kỳ loại hình nghệ thuật biểu diễn nào, đối với xiếc, việc phát hiện được tài năng trẻ đã khó nhưng làm thế nào đầu tư có hiệu quả để tài năng thực sự bứt phá lại càng không dễ. Là một đạo diễn xiếc, NSND Ngọc Trúc – Chánh văn phòng Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Hội đồng giám khảo cuộc thi đã chia sẻ những quan điểm của mình về vấn đề này. - PV: Thưa ông, vì sao lại có cuộc thi dành cho tài năng xiếc trẻ ba nước? - NSND Ngọc Trúc: Lý do cơ bản là tất cả các diễn viên trẻ xuất sắc hiện nay của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đều đã từng qua đào tạo tại Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (TCNTX&TKVN). Việt Nam đã giúp cả hai nước sáng lập nên hai đoàn xiếc quốc gia và 5 thập kỷ trở lại đây đã giúp bạn đào tạo được nhiều khóa diễn viên. Qua cuộc thi, các nhà quản lý của các đơn vị nghệ thuật và nhà đào tạo đã có dịp đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên xiếc trẻ hôm nay, từ đó có những biện pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ của Việt Nam nói riêng và của ba nước nói chung. - Theo đánh giá của ông, cuộc thi lần này đã tìm được những tài năng trẻ thực sự hay chưa? - Rất đáng mừng là trình độ diễn viên xiếc trẻ của Việt Nam và của các nghệ sĩ nước bạn đều đã được nâng lên rõ rệt về mặt kỹ thuật, kỹ xảo. Các tiết mục tập trung vào 3 thể loại: Thăng bằng, nhào lộn, trò khéo chưa hẳn đã đại diện đầy đủ cho tất cả các thể loại tiêu biểu của nghệ thuật xiếc, tuy vậy cũng đã giúp ngành xiếc có được một cái nhìn bao quát về diện mạo của nghệ thuật xiếc hôm nay qua các tiết mục của các tài năng xiếc trẻ - lực lượng nòng cốt ở các đơn vị. Cuộc thi đã xuất hiện những tài năng xiếc trẻ thực sự như hai nam diễn viên của Đoàn xiếc Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết mục Sức mạnh đôi tay đã thể hiện những kỹ thuật biểu diễn cá nhân đạt tới độ điêu luyện, tinh xảo. Hai tiết mục Đế trụ và Ngày hội Tây Nguyên của Trường TCNTX&TKVN đã xuất hiện những tài năng trẻ đầy triển vọng như Nguyễn Văn Tú, diễn viên xiếc đầu tiên nhào động tác 4 vòng ke, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Văn Dương cùng với các bạn diễn đã làm rất tốt động tác phức tạp nhất đó là đi xe đạp một bánh trên sào gánh trong tư thế trụ trán. Nếu nhóm nghệ sĩ trẻ của Nhà hát thể nghiệm trường TCNTX&TKVN tiếp tục được khai thác và đầu tư hiệu quả, họ hoàn toàn có đủ bản lĩnh tự tin để tham dự các cuộc thi, liên hoan xiếc với quy mô quốc tế. - Được biết ông là đạo diễn trẻ nhất của ngành xiếc được phong tặng danh hiệu NSND, với tư cách đạo diễn ông có nhận xét gì về vai trò của đạo diễn trong các tiết mục tham dự cuộc thi? - Điều đáng mừng là khi xây dựng các tiết mục, các đạo diễn đã giúp các nghệ sĩ trẻ dàn dựng tiết mục theo khuynh hướng liên hoàn từ kỹ thuật cho tới nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên phần kết cấu chưa thực chặt chẽ bởi thiếu bàn tay đạo diễn lành nghề. Cách lựa chọn chủ đề cho tiết mục, theo tôi, cũng cần cân nhắc để nội dung và hình thức được thể hiện một cách hài hòa, thống nhất, biểu lộ ý tưởng của đạo diễn cũng như các nghệ sĩ trong sản phẩm nghệ thuật của họ, làm sao đạt được sự kết hợp nhuần nhuyễn với các loại hình nghệ thuật khác mà ngôn ngữ xiếc vẫn làm chủ đạo và được tôn vinh. Đưa chủ đề vào tiết mục nếu không thận trọng sẽ khiến tiết mục trở nên dàn trải. Đơn cử như tiết mục Đu siêu nhân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chúng ta không thể chỉ gán bộ trang phục và chiếc mặt nạ lên diễn viên là đã có thể phục vụ được chủ đề. Đời sống của siêu nhân phải được diễn tả bằng ngôn ngữ của xiếc, nó phải đáp ứng mọi yếu tố kỳ lạ và bay bổng, nếu không chỉ nên đặt cho nó một cái tên giản dị của thể loại thôi. - Ông nghĩ sao khi rất nhiều nghệ sĩ trẻ đang ở tuổi khát vọng nghệ thuật phơi phới nhưng đã nghĩ tới việc đi học thêm, kiếm tìm nghề phụ. Và khi đó, tình yêu và tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật của họ dường như bị chia đôi? - Ngay tại cuộc thi lần này đồng nghiệp đã thót tim khi chứng kiến cảnh nghệ sĩ Việt Nam và cả nghệ sĩ của nước bạn gặp rủi ro khi làm động tác kỹ thuật trong tiết mục. Những tai nạn nghề nghiệp luôn cận kề rất có thể khiến người nghệ sĩ phải đổ máu và có khi cả tính mạng. Tuổi thọ của xiếc vốn ngắn vậy mà đồng lương và thu nhập lại quá ít ỏi (khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng). Được hưởng từ 30.000 đến 50.000 đồng/buổi diễn, mỗi tháng cũng chỉ dưới 10 buổi biểu diễn nên cũng dễ hiểu khi nhiều nghệ sĩ trẻ dẫu tâm huyết đau đáu với nghề vẫn phải chuẩn bị cho mình những bước đệm cho cuộc sống. Họ đến với nghề để mưu sinh và khi nghề không nuôi nổi họ thì họ đành ra đi. Nhiều năm qua, ngành xiếc luôn thiếu về nhân lực trẻ, những người làm công tác đào tạo phải lặn lội tới những địa bàn ở các tỉnh vùng sâu vùng xa mới tuyển sinh được đầu vào. - Cần phải có những điều kiện gì để nguồn tài năng trẻ của xiếc không bị thất thoát, tài năng trẻ trụ lại với nghề, thưa ông? - Tài năng trẻ cần lắm sự đổi mới của ngành xiếc, sự quan tâm của các cơ quan quản lý ngành. Điều này còn phụ thuộc vào sự thay đổi trong cách nhìn nhận về vấn đề đầu tư cho lĩnh vực đào tạo diễn viên trẻ không chỉ ở cơ sở đào tạo mà chính ở sự phối hợp của các đơn vị nghệ thuật xiếc, các nhà quản lý ngành… để tìm ra những định hướng chiến lược đầu tư dài hơi cho tài năng trẻ cũng như sử dụng hiệu quả những tài năng ấy. - Xin chân thành cảm ơn ông! ĐÀO ANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/66/66/92694/Default.aspx