Lan phi điệp – không chỉ là cây cảnh còn là dược liệu quý hiếm

Nhiều người chơi cây cảnh mê mẩn với vẻ đẹp của phong lan nhưng ít người biết có loài lan được xếp vào loại dược liệu cực kỳ quý hiếm.

Thạch hộc (Dendrobium nobile Lindl,), tên khác là kẹp thảo, hoàng thảo dẹt, kim thoa hoàng thảo, hoàng thảo cẳng gà, huỳnh thảo, tên Thái là co vàng sào, người chơi lan gọi là lan phi điệp hay phi điệp kép. Cây có tên thạch hộc là do cây này thường mọc ở trong các kẽ đá (Thạch = đá, hộc = kẽ).

Là một cây thảo phụ sinh, mọc bám trên cành cây to hoặc ở vách đá ẩm. Thân dẹt có rãnh dọc chia nhiều đốt, phía cuống thuôn hẹp, phía ngọn dày hơn, màu vàng nhạt. Lá ngắn có bẹ. Hoa màu hồng hoặc trắng pha hồng, mọc thành chùm ngắn ở kẽ những lá đã rụng. Quả dài hình thoi.

Bộ phận dùng làm thuốc của thạch hộc là thân cành, thu hái về, cắt bỏ rễ và lá, rửa sạch, ngâm nước ủ cho mềm, bóc bỏ lớp màng mỏng bên ngoài rồi phơi và sấy khô. Khi dùng, đồ chín, tẩm rượu thái nhỏ.

Thạch hộc có vị ngọt nhạt, hơi mặn, không độc, tính lạnh, có tác dụng bổ dưỡng thanh nhiệt, chỉ khát, sinh tân dịch chữa lao lực, gầy yếu, ho, sốt nóng, miệng khô khát, mồ hôi trộm, thiểu năng sinh dục ở nam giới, chân tay và lưng đau nhức, nóng trong, đau dạ dày, viêm ruột.t)

Trong các loại thạch hộc thì thạch hộc tía là có giá trị làm dược liệu lớn nhất, nó vừa là cây làm cảnh vừa là cây làm thuốc quý hiếm, đã có lịch sử làm thuốc cách đây trên 2.000 năm, được ghi trong “Thần nông bản thảo” của Trung Quốc. Nguồn tài nguyên này có nguy cơ tuyệt chủng được quốc tế đưa vào Công ước buôn án quốc tế về động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Cây thạch hộc tía phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng rừng có độ cao 1.000 – 3.400 m so với mực nước biển, thường phụ sinh vào cây gỗ hoặc vách đá có mọc rêu dưới tán rừng. Trong điều kiện môi trường tự nhiên độ ẩm 70%, nhiệt độ không khí bình quân năm 12 – 18 độ C, lượng mưa 900 – 1.500 mm, thường tập trung sống ở phần dốc núi râm mát, độ ẩm cao và vách núi đá. Cây thạch hộc tía phân bố ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Myanmar và nhiều nước nhiệt đới, cận nhiệt đới.

Quang Anh (tổng hợp)

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/lan-phi-diep--khong-chi-la-cay-canh-con-la-duoc-lieu-quy-hiem_n22599.html