Làn sóng thâu tóm của Trung Quốc trên “con đường tơ lụa hiện đại”

Số thương vụ thâu tóm và sáp nhập của các công ty Trung Quốc ở những nước thuộc một phần của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” tăng mạnh dù Bắc Kinh đang siết chặt hoạt động thâu tóm của các tập đoàn tư nhân ở nước ngoài nhằm ngăn chặn dòng chảy vốn ra nước ngoài.

Đầu tư 33 tỉ đô la Mỹ trong tám tháng

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm xây dựng một con đường tơ lụa hiện đại, kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Ảnh: CNBC

Theo dữ liệu của Reuters, các thương vụ thâu tóm, đầu tư của Trung Quốc ở 68 nước liên quan đến dự án “Con đường tơ lụa hiện đại” mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình đạt giá trị tổng cộng 33 tỉ đô la Mỹ tính đến ngày 14-8, vượt con số 31 tỉ đô la Mỹ cho cả năm 2016.

Được khởi động vào năm 2013, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm xây dựng một con đường tơ lụa hiện đại, kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển tới Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á và xa hơn nữa là Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Tại một hội nghị vào hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết đầu tư 124 tỉ đô la Mỹ cho dự án con đường tơ lụa nhưng lời cam kết này đối mặt với sự ngờ vực của chính phủ các nước phương Tây vì họ cho rằng nó chỉ nhằm thiết lập sức ảnh hưởng của Trung Quốc hơn là ước muốn mở rộng thịnh vượng của Bắc Kinh.

Các khoản đầu tư liên quan đến hoạt động thâu tóm của các công ty Trung Quốc ở hành lang “Một vành đai, một con đường” tăng vọt giữa lúc giá trị tổng cộng các vụ thâu tóm, sáp nhập của Trung Quốc ở nước ngoài trong tám tháng đầu năm nay giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu của Reuters, số thương vụ thâu tóm của Trung Quốc nhắm đến các nước ở dự án con đường tơ lụa hiện đại đã lên con số 109 trong năm nay, so với con số 175 cho cả năm ngoái và 134 trong năm 2015.

Thương vụ thâu tóm lớn nhất ở dự án con đường tơ lụa hiện đại cho đến nay là một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc mua tập đoàn kho vận lớn nhất châu Á Global Logistic Properties (GLP) có trụ sở tại Singapore với giá 11,7 tỉ đô la Mỹ.  GLP đang quản lý 55 triệu m2 diện tích kho bãi ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Brazil với trị giá 41 tỉ đô la Mỹ. Tập đoàn có khoảng 4.000 khách hàng bao gồm nhiều công ty thương mại điện tử hàng đầu như Amazon và Alibaba, JD.com.

Các thương vụ đầu tư đáng chú ý khác bao gồm Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) mua 8% cổ phần của một công ty dầu khí của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) với giá 1,8 tỉ đô la Mỹ; tập đoàn đầu tư đa ngành HNA của Trung Quốc đang chào mua Công ty kho vận CWT (Singapore) với giá một tỉ đô la Mỹ.

Tính toán chiến lược dài hạn

Động thái củng cố đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh bằng cách hạn chế dòng chảy vốn ra nước ngoài và kiểm soát các thương vụ thâu tóm dùng đòn bẩy nợ để bảo đảm ổn định tài chính khiến cho các tập đoàn lớn của Trung Quốc rất khó trong việc xin cấp phép cho các thương vụ ở nước ngoài.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã siết chặt giám sát từ hồi tháng 6, xem xét kỹ từng chi tiết nhỏ của các thỏa thuận thâu tóm đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thẩm định mức độ cho vay của họ để phục vụ các vụ thâu tóm ở nước ngoài của các tập đoàn tư nhân lớn bao gồm HNA Group, Dalian Wanda Group và Fosun Group.

Hoạt động giám sát quản lý ngày càng gia tăng đối với các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài diễn ra sau khi các công ty Trung Quốc đổ ra một khoản tiền kỷ lục 220 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016 cho các tài sản ở nước ngoài, mua lại mọi từ từ các hãng phim của Mỹ cho đến các câu lạc bộ bóng đá ở châu Âu.

Song hoạt động giám sát này không ảnh hưởng đến công ty Trung Quốc đang nhắm đến các mục tiêu nằm dọc theo hành lang “Một vành đai, một con đường” vì các khoản đầu tư ở hành lang này được xem là có tính chiến lược đối với các công ty cũng như nền kinh tế Trung Quốc.

“Mọi người đang tính toán một chiến lược dài hạn khi đầu tư ở các nước nằm dọc theo hàng lang “Một vành đai, một con đường”, Hilary Lau, một luật sư tư vấn doanh nghiệp và thương mại ở Công ty luật Herbert Smith Freehills có trụ sở ở London, nói. “Các thương vụ thâu tóm ở dự án con đường tơ lụa hiện đại cũng được thúc đẩy nhờ chính sách. Có những nguồn quỹ của nhà nước cũng như của các ngân hàng được phân bổ cho hoạt động thâu tóm ở các nước liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, ông cho biết thêm.

Quy trình phê duyệt dễ dàng

Các công ty Trung Quốc sẽ được hưởng quy trình phê duyệt tương đối thoải mái đối với các thương vụ đầu tư nằm dọc theo con đường tơ lụa hiện đại vì các cơ quan quản lý đặt chúng trong một giỏ khác khi xét duyệt.

“Nếu bạn đang đầu tư ở các nước có liên quan đến sáng kiến “Một vành đai , một con đường”, hãy viết rõ thông tin đó ngay ở câu đầu tiên trong đơn đề nghị phê duyệt thương vụ đầu tư gửi cho các cơ quan quản lý”, một cố vấn đầu tư cấp cao tại một công ty Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ thâu tóm các công ty nước ngoài, cho biết.

Các thương vụ đầu tư ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc có thể mất đến sáu tháng để được các cơ quản quản lý phê duyệt. Tuy nhiên, các thương vụ đầu tư ở các nước nằm dọc theo con đường tơ lụa hiện đại sẽ được duyệt trong vòng ba đến bốn tháng, theo một lãnh đạo ngân hàng cao cấp ở Hồng Kông, chuyên tư vấn hoạt động thâu tóm và sát nhập

Trong tháng này, Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc nói rằng các công ty trong nước sẽ được khuyến khích tham gia vào các hoạt động đầu tư ở dự án con đường tơ lụa hiện đại.

Tập đoàn HNA, đang gặp khó ít nhất ở hai thương vụ thâu tóm ở nước ngoài do chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát nguồn vốn chảy ra nước ngoài, cho biết sẽ ưu tiên các dự án đầu tư ở các ngành công nghiệp và các khu vực nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163743/lan-song-thau-tom-cua-trung-quoc-tren-con-duong-to-lua-hien-dai.html