Lan tỏa những gương tốt, việc hay

Sau một năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã xuất hiện ngày càng nhiều cách làm hay, những tấm gương tập thể và cá nhân học tập và làm theo Bác, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Lấy người bệnh là trung tâm phục vụ luôn là phương châm hoạt động của Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: ÐĂNG ANH

Lấy người bệnh là trung tâm phục vụ luôn là phương châm hoạt động của Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: ÐĂNG ANH

Những ngôi nhà nghĩa Ðảng

Nằm kề bên quốc lộ 14 - con đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên, nhưng đường vào buôn Cuôr Dăng B, xã Cuôr Dăng (Cư M’gar, Ðác Lắc) chỉ có một đoạn ngắn được thảm bê-tông, còn lại là đường đất lồi lõm. Trời mưa thì lầy lội, nắng lên, bụi phủ mờ cây cỏ. Cùng cán bộ xã tới thăm ngôi nhà của gia đình anh Y Jim Niê, một hộ nghèo trong buôn được hỗ trợ làm nhà từ Quỹ tiết kiệm vì người nghèo của cán bộ, đảng viên, chúng tôi cảm nhận sự gần gũi trong tình dân, nghĩa Ðảng . Anh Y Jim Niê cho biết, trước đây vợ chồng anh cùng hai con ở với cha mẹ vợ, sau được các cụ chia cho ít đất. Nhưng gia cảnh nghèo khó, chỉ có thể gác tạm cây que, lợp mái lá che mưa nắng cho con. Hơn ba năm ở chòi lá, mới đây, được cán bộ xã hỗ trợ hơn hai phần ba kinh phí, gia đình anh đã xây được căn nhà trị giá gần 60 triệu đồng. Ngôi nhà tuy đơn sơ, không có đồ đạc gì đáng giá, nhưng anh bảo, nếu chỉ trông vào hơn một sào cà-phê, cộng thù lao làm thuê thất thường, chẳng biết tới khi nào anh chị mới kiếm đủ tiền để cất ngôi nhà như thế.

Ðây là một trong số 11 ngôi nhà được xây mới, cải tạo giúp hộ nghèo từ nguồn Quỹ tiết kiệm vì người nghèo của cán bộ, đảng viên xã Cuôr Dăng. Trên tinh thần tự giác, "lá lành đùm lá rách", chia sẻ khó khăn với người nghèo, Ðảng bộ xã thống nhất mức ủng hộ, với đảng viên hưởng lương là 1.000 đồng/ngày; đảng viên hưởng phụ cấp và về hưu góp 10.000 đồng /tháng; đảng viên không có phụ cấp góp 5.000 đồng/tháng. Ðối với cán bộ, đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, công chức có mức lương thấp, vận động tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Những cán bộ trẻ của xã, như H’Liễu Niê, H’Nel Ê Ban đã nhắc lại những kỷ niệm cảm động trong những lần giao nhận nhà tình nghĩa.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M’gar Y Thek Niê, tiết kiệm nguồn chi hướng tới cộng đồng là một trong những mô hình thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Huyện ủy triển khai nhiều năm qua. Việc làm giàu ý nghĩa nhân văn đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Không ít đảng viên về hưu, tuy không khá giả cũng nhiệt tình tham gia đều đặn. Tính tới tháng 5 này, chương trình đã nhận được hơn 6,7 tỷ đồng, xây dựng, sửa chữa gần 200 căn nhà tặng đối tượng chính sách và hộ nghèo trên toàn huyện. Nhân rộng mô hình, huyện Cư M’gar đang huy động các nguồn hỗ trợ khác, xây dựng và sửa chữa thêm 106 căn, với kinh phí gần 600 triệu đồng. Các xã, thị trấn gắn thực hành tiết kiệm với tận dụng các nguồn lực đầu tư, tiếp tục hoàn thành các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo. Vào dịp Ngày sinh Bác Hồ 19-5 hằng năm, Huyện ủy tổ chức sơ kết và khen thưởng những đơn vị thực hành tiết kiệm và sử dụng Quỹ tiết kiệm vì người nghèo hiệu quả.

Bệnh viện của trái tim

Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nguy hiểm về tim đã trìu mến gọi Bệnh viện Tim Hà Nội bằng cái tên như thế. Họ đã để lại những lời nhắn gửi, cảm ơn đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện qua những lá thư viết vội nhưng chân tình. Trong đó có những dòng cảm động của một bệnh nhân nữ bày tỏ sự biết ơn kíp trực đã trao cho cô cơ hội được sống lại. Theo các bác sĩ , đó là một bệnh nhân nhiễm HIV, tới từ vùng cao, nhập viện lúc nửa đêm, trong tình trạng nguy cấp. Lãnh đạo Bệnh viện và kíp trực đêm ấy đã hội ý khẩn và quyết định cứu người là quan trọng. Chuẩn bị hết khả năng chống phơi nhiễm, ca mổ đã được tiến hành thành công như mong đợi của cả kíp trực và người nhà bệnh nhân.

Mới 7 giờ sáng, trước sảnh Bệnh viện đã rất đông bệnh nhân chờ làm thủ tục khám bệnh, nhưng không có cảnh lộn xộn, chen lấn. Họ được đội ngũ nhân viên hướng dẫn tận tình, chu đáo. Dòng chữ chạy trên bảng điện tử: "Bệnh viện thân thiện, dịch vụ thuận tiện và nhân viên thanh lịch", như một lời chào thân thiện gửi tới khách và bệnh nhân. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Bệnh viện, PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn như trải lòng về nghề chữa bệnh cứu người, nhất là với bệnh nhân mắc bệnh về tim. Thực hiện lời Bác Hồ căn dặn "Lương y phải như từ mẫu", không chỉ lãnh đạo làm tốt, mà phải khơi dậy nhiệt huyết, sáng tạo trong mỗi cán bộ, nhân viên y tế, để thắp lên hy vọng sống, mang lại những trái tim khỏe mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên đều ý thức sâu sắc, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác là học từ những điều hết sức bình thường trong thái độ tận tâm, tác phong phục vụ, để người bệnh ít phải chờ đợi nhất, chi phí thấp nhất. Với tiêu chí "Trí tuệ, kỹ năng, lương tâm" và phương châm "Tất cả vì người bệnh - Tất cả vì cộng đồng - Tất cả vì sự phát triển chuyên ngành tim mạch", Bệnh viện Tim Hà Nội đã trở thành điểm đến tin cậy của người dân Thủ đô và cả nước. Quỹ "Vì một trái tim khỏe" của Bệnh viện đã cứu giúp nhiều bệnh nhân tim mạch có hoàn cảnh khó khăn qua cơn hiểm nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tầm soát các bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em và người dân...

Bệnh viện Tim Hà Nội hiện là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về tim mạch với năm mũi nhọn: nội khoa tim mạch, tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa. Nhiều kỹ thuật tim mạch hàng đầu như đặt stent động mạch vành, đặt stent graft, cấy máy tạo nhịp tạm thời, vĩnh viễn,... Hay kỹ thuật chuyên môn mới như đặt bóng đối xung động mạch chủ cho bệnh nhân suy tim nặng, theo dõi huyết động liên tục bằng hệ thống Picco, kỹ thuật thở NCPAP cho bệnh nhi sau rút nội khí quản,… đã và đang được thực hiện thành công tại Bệnh viện. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế, chuyển giao kỹ thuật cho 35 bệnh viện cấp tỉnh, khu vực từ miền trung trở ra, đã mang lại nhiều hơn cơ hội cho các bệnh nhân mắc bệnh về tim, được thụ hưởng kỹ thuật can thiệp tim mạch chất lượng tốt nhất.

Luôn đinh ninh lời Bác dạy

Mỗi người một lĩnh vực, một công việc khác nhau, nhưng trong họ luôn đinh ninh lời Bác, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, để nỗ lực trong công việc mỗi ngày.

Năm 26 tuổi, được Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cử đi học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Chính phủ Mỹ cấp học bổng, tiến sĩ Trần Hữu Lộc, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh lên đường sang Mỹ, với kỳ vọng sẽ tìm ra giải đáp về những rủi ro mà bà con nuôi tôm phải đối mặt mỗi ngày. Sau ba năm học tập và nghiên cứu, anh đã tìm ra hội chứng hoại tử gan tụy cấp, khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Chọn đề tài này làm đề án tốt nghiệp là chấp nhận rủi ro, nhưng nghĩ đến cảnh nhiều nông dân trắng tay hoặc lâm cảnh nợ nần do tôm chết, anh quyết tâm tìm ra giải pháp giúp người nuôi tôm tránh tổn thất. Khi nghiên cứu của anh thành công, mở ra cơ hội ở lại nước ngoài học tập và phát triển năng lực trong môi trường hấp dẫn, nhưng anh đã chọn trở về. Bởi anh đã có kế hoạch mang kiến thức học được, xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên ngành tôm ở trong nước. Cùng với các cộng sự, các nhà khoa học trong và ngoài nước, sự học hỏi từ chính người nông dân, đã giúp anh tìm ra căn nguyên và cách phòng tránh bệnh khiến tôm chết sớm, giảm tối đa thiệt hại cho bà con nông dân. Họ gọi anh là tiến sĩ của ruộng đồng. Với sinh viên, anh là tấm gương có sức truyền cảm hứng để họ nỗ lực học tập và sáng tạo.

Ở Công ty cổ phần Thép Nhà Bè (Tổng công ty Thép Việt Nam), đồng nghiệp yêu mến gọi kỹ sư Văn Công Hòa là anh Hòa sáng kiến, người thợ có bàn tay vàng. Là thợ cơ khí sửa chữa thiết bị ngành thép từ năm 1990 đến nay, anh không nhớ mình đã tự tay phục chế, kéo dài tuổi thọ cho bao nhiêu bộ phận thiết bị máy móc quan trọng, không có khả năng thay thế, nhất là trong giai đoạn đất nước khó khăn, phụ tùng vật tư cơ khí phải mua bằng từng đồng ngoại tệ chắt chiu được. Không chỉ bản thân gương mẫu, không ngừng học hỏi, sáng tạo, anh còn dìu dắt, đào tạo đội ngũ thợ kỹ thuật chuyên nghiệp. Với tay nghề cao, họ có khả năng thực hiện được nhiều hạng mục phức tạp về cơ khí, như lắp đặt, cải tạo máy cán thô ba trục thành máy cán năm giá hàng dọc; chế tạo lắp đặt giàn đóng bó thành phẩm bán tự động…

Ðến Công ty, nhiều người vẫn nhắc tên anh qua sáng kiến di dời nhà máy từ TP Hồ Chí Minh về Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Ðồng Nai). Cùng với lãnh đạo phân xưởng và Phòng Kỹ thuật, anh đã thiết kế chế tạo nhiều trang thiết bị giúp cho việc tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt thiết bị chính xác, giảm gần một nửa thời gian so dự kiến. Là tổ trưởng sản xuất và chi ủy viên phân xưởng, anh Hòa luôn là trung tâm đoàn kết của đơn vị, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được các cấp ủy biểu dương.

TIỂU PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32909802-lan-toa-nhung-guong-tot-viec-hay.html