Lan tỏa văn hóa đọc đến với học sinh vùng dân tộc thiểu số

Sách vốn là kho tàng tri thức quý giá, vô tận của nhân loại. Đọc sách giúp mỗi người bồi đắp kiến thức, nâng cao kỹ năng về mọi lĩnh vực của đời sống, đồng thời, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc, phát triển Ngày hội đọc sách đến với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cũng từ chủ trương này, Ngày hội sách và văn hóa đọc đã phát triển rộng rãi, không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn mà có mặt ở khắp mọi miền đất nước.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2024. Ảnh: Thủy Lê

Nhìn lại chiều dài lịch sử, có thể nói, từ rất lâu, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, là công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 10 năm trước, nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách.

Từ đó đến nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trở thành sự kiện văn hóa nổi bật đối với những người yêu sách và cả cộng đồng. Đến hẹn lại lên, năm nay, rất nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước.

Nhằm khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, lĩnh hội tri thức qua việc đọc, tự nghiên cứu của các bạn trẻ, tỉnh Bình Thuận đã tập trung nguồn lực, quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều hình thức, hoạt động ý nghĩa. Một trong những kết quả nổi bật của việc lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình, hệ thống thư viện tại các trường học, địa phương. Với việc thiết kế hệ thống thư viện tại các trường học và các địa phương theo lối kiến trúc không gian mở, phong cách hiện đại, bắt mắt, góp phần thu hút không chỉ các em học sinh, sinh viên mà cả những cán bộ, giảng viên đến đọc sách. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện trong thời gian qua tạo hiệu quả, giúp xóa đi khoảng cách về địa lý để lan tỏa văn hóa đọc đến các tầng lớp nhân dân.

Với mô hình này, Thư viện tỉnh Bình Thuận tiến hành triển khai nhiều hoạt động tại các đơn vị, trường học như: Phục vụ sách, tài liệu, hướng dẫn các em sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin; tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến sách, các cuộc thi bổ ích để thu hút các em. Bên cạnh đó, nhiều chủ đề hay được luân phiên tổ chức nhằm tạo sự hứng thú, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho các em học sinh như: “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách - Kết nối tri thức - Kiến tạo tương lai”, "Đọc sách cho ngày mai", “Sách - Người bạn người thầy vĩ đại".

Cô Hoàng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết: “Tại Kon Tum, Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 được đông đảo học sinh, sinh viên DTTS tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt về sách của nhà trường, Thư viện tỉnh Kon Tum cũng tổ chức những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, góp phần tạo không khí sôi nổi, sự mới mẻ, thích thú, hăng say đọc sách cho các em. Vì là trường có tỷ lệ học sinh DTTS cao (trên 90%), hệ thống cơ sở vật chất, thư viện còn nhiều khó khăn, nhà trường luôn tích cực huy động nguồn lực để xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung đa dạng các đầu sách; triển khai nhiều hoạt động giúp các em yêu thích, đam mê việc đọc sách mỗi ngày”.

Còn tại Lào Cai, tham gia Ngày hội đọc sách năm nay, các em học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm gian trưng bày sách đọc sách tại thư viện lưu động đa phương tiện, được giao lưu, tìm hiểu về sách, được hướng dẫn kỹ năng truy cập Internet... Mô hình “Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện" giống như làn gió mới giúp học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với thông tin và tri thức, mang lại trải nghiệm đọc sách thú vị cho độc giả, góp phần nâng cao dân trí, từng bước xây dựng văn hóa đọc ở cơ sở.

Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn và UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trao tặng tủ sách cho 3 thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thủy Lê

Hưởng ứng Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh đã phối hợp với UBND huyện Kỳ Anh tổ chức Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Trường Tiểu học Lâm Hợp. Phát biểu tại ngày hội, đồng chí Đậu Tùng Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Sách hướng con người đến chân, thiện, mỹ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống và từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết trong đời sống của mỗi chúng ta. Thời gian tới, ngày hội sẽ tiếp tục được ưu tiên tổ chức ở cơ sở, ở các vùng khó khăn, góp phần trao tặng nguồn tri thức, tạo ra những giá trị lâu dài phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”. Trong dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông và Thư viện tỉnh Hà Tĩnh cùng các cá nhân, đơn vị đã trao tặng nhiều tủ sách với nhiều đầu sách ý nghĩa cho các trường học trên địa bàn, nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh tại các xã miền núi vùng sâu, vùng xa.

Kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, trong những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Đắk Lắk cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để toàn dân hiểu được vai trò quan trọng của sách và văn hóa đọc sách đối với cuộc sống và quá trình hình thành, phát triển của mỗi người. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, trên địa bàn tỉnh có gần 40 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đồng hành và tài trợ. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Thư viện tỉnh còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đồn Biên phòng xây dựng được hàng chục tủ sách pháp luật, tủ sách điểm bưu điện - văn hóa xã, tủ sách đồn Biên phòng, từng bước phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Việc xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào DTTS và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào DTTS.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-toa-van-hoa-doc-den-voi-hoc-sinh-vung-dan-toc-thieu-so-post475027.html