Làng Chèo đón khách trong mưa

(VH)- Hàng ngàn người dân đứng dưới mưa suốt buổi tối để thưởng thức tài năng của các nghệ nhân, diễn viên, bất chấp cơn bão số 10 đe dọa đổ bộ và cái lạnh đang ngấm dần vào cơ thể. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ I (14-16.10.2009) đã trở thành một kỷ niệm đáng nhớ với không chỉ người dân Thái Bình. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có mặt để chia vui cùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Lần đầu tiên 19 triệu dân của 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng có một lễ hội chung để người dân “đua tài, khoe sắc”, cùng góp phần gìn giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất bên bờ con sông Cái. Thái Bình được chọn là điểm hẹn đầu tiên của Ngày hội được dự kiến sẽ tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Vài ngày trước lễ khai mạc, niềm vui ngày hội tưởng chừng bị ảnh hưởng vì sự đe dọa của cơn bão số 10. Người dân Thái Bình cũng “nín thở” cùng Ban tổ chức ngày hội. Ông Lê Minh Trọng, 51 tuổi, cựu chiến binh lo lắng: “Nhà tôi ở ngay gần quảng trường 14.10, tối tối đi tập thể dục qua đây cũng thấy anh em mải mê luyện tập. Nếu phải hủy chương trình vì mưa bão thì phí quá! Thế nên mấy hôm nay ngày nào tôi cũng nghe dự báo thời tiết tới mấy lần. Hồi hộp như lo cho chính việc nhà mình vậy”. Không chỉ riêng ông Trọng, những ngày cận kề giờ khai mạc Ngày hội VH,TT&DL các tỉnh đồng bằng sông Hồng có lẽ là thời điểm người dân Thái Bình nghe bản tin thời tiết nhiều nhất. Ban tổ chức cũng gồng mình lên để đối phó với những tình huống xấu có thể xẩy ra vì thời tiết. Hàng trăm chiến sĩ công an đã được huy động để bảo vệ an toàn cho người dân trong ngày hội. Nhiều phương án dự phòng được đưa ra để phòng khi bão đổ về đúng ngày khai mạc như chuyển lễ khai mạc vào hội trường, căng dù che mưa cho sân khấu ngoài trời tại quảng trường 14.10... 15h chiều ngày 14.10, chỉ trước giờ khai mạc 5 tiếng đồng hồ, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Ngày hội đã có một cuộc họp khẩn cấp để trưng cầu ý kiến các ban ngành liên quan về việc nên tổ chức lễ khai mạc đúng kế hoạch hay lùi lại một ngày để tránh bão? Những thông tin thời tiết mới nhất được cập nhật cho thấy nguy cơ đe dọa của cơn bão đã có chiều hướng giảm. Không muốn để niềm vui ngày hội bị giảm sút, không muốn người dân phải chờ đợi thêm, một quyết định có phần mạo hiểm được đưa ra với quyết tâm cao độ: Sẽ đẩy giờ khai mạc sớm 30 phút so với dự kiến để tránh bão. Trong trường hợp thời tiết quá xấu thì đành lòng lùi lại ngày hôm sau. Năm tiếng đồng hồ còn lại trôi qua trong sự “nín thở” của gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và đông đảo công chúng. Thời tiết rốt cuộc đã chịu thua lòng người, chương trình khai mạc mang tên Âm vang sông Hồng đã diễn ra thật ấm áp dưới mưa. Chủ nhà Thái Bình rất biết cách khoe bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương khi tổ chức cho tất cả các địa phương tham gia Ngày hội về dâng hương tại Khu di tích tưởng niệm các vua Trần- nơi phát tích của nhà Trần tại xã Đức Tiến, huyện Hưng Hà vào sáng 14.10. Đặc sản chèo của quê hương 5 tấn cũng được mang chiêu đãi bè bạn với sự hội ngộ của các nhân vật nổi tiếng nhất trong các vở chèo cổ như Thị Kính, Thị Mầu, Lưu Bình, Dương Lễ, mẹ Đốp, Lý trưởng và các anh hề chèo. Một khán giả trẻ của Thái Bình vừa xem chèo vừa chia sẻ: “Dù các nhân vật chèo đã quá quen thuộc đối với tất cả những ai sinh ra và lớn lên tại Thái Bình nhưng hôm nay được xem lại tại Ngày hội, giữa đông đảo bạn bè các tỉnh, tôi lại thấy có một cảm giác rất khác, như một sự hãnh diện ngấm ngầm khi được khoe vật báu của nhà mình ra cho hàng xóm". Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định ý nghĩa của Ngày hội trong việc thắp lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa, từ đó khơi dậy ý thức gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa trong mỗi người dân. Quả thật, có đến với những lễ hội như Ngày hội VH,TT&DL các tỉnh đồng bằng sông Hồng mới thấy hết sự quyến rũ của văn hóa, của những ca trù, chầu văn, quan họ, xẩm, chèo, hát trống quân, hát xoan, hát đúm... Bất chấp những đe dọa bão bùng, hàng ngàn người dân bận bịu với áo mưa, ô..., thậm chí có người chỉ phong phanh áo mỏng vẫn ngồi dưới trời mưa suốt buổi tối để thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật với những món ăn tinh thần riêng có ở đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ sĩ hát dưới mưa, người xem đứng nghe dưới mưa trong một sự cộng cảm kỳ lạ. Số ghế mà BTC đặt ở quảng trường 14.10 trở nên quá ít ỏi so với tình yêu nghệ thuật, niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người dân Thái Bình. Bốn bạn trẻ là sinh viên Y khoa Thái Bình chung nhau một chiếc ô nhỏ (vì một chiếc khác đã cho bạn bè mượn), ướt dầm dề vẫn không chịu ra về. Khi được hỏi chuyện, các bạn thi nhau bộc lộ niềm vui: “Chúng em phải ở lại xem chứ. Thấy mọi người bảo Ngày hội này sẽ được tổ chức luân phiên khắp các tỉnh nên phải 20 năm nữa Thái Bình lại mới được đăng cai. Ngày thường, chúng em thường chỉ hay nghe nhạc trẻ. Hôm nay có hội mới đến xem, không nghĩ là khi xem trực tiếp, các loại hình dân ca cổ truyền lại hấp dẫn như thế. Các bạn em đã bàn nhau, lần sau nếu có các đoàn nghệ thuật truyền thống về diễn, nhất định phải đi xem”. Cơn bão không mong đợi lại trở thành một “phần thưởng” cho các nghệ nhân, diễn viên và những người làm văn hóa khi nó mang đến cơ hội để họ cảm nhận thực sự sâu sắc về tình yêu của công chúng đối với bản sắc văn hóa. Hình ảnh hàng ngàn khán giả đứng dưới mưa xem hội sẽ không chỉ là một kỷ niệm đẹp đối với nghệ sĩ mà còn đặt lên vai những người làm văn hóa một nhiệm vụ thực sự nặng nề là làm thế nào để giữ gìn và giữ gìn thật trọn vẹn vẻ đẹp văn hóa mà 19 triệu dân vùng đồng bằng sông Hồng đang rất đỗi tự hào.

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/20924.vho