Làng cổ tiểu sành

(ĐTTCO) - Tiểu sành là một vật dụng mang tính tâm linh. Theo phong tục của người Việt, sau khi người mất chôn cất đủ 3 năm sẽ làm lễ cải táng sang cát, khi ấy tiểu sành sẽ dùng để đựng xương cốt rồi xây mộ ở một nơi khác. Tiểu sành cũng được dùng để an táng cho những đứa trẻ không may chết yểu. Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một làng gốm nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa. Ngoài làm các vật dụng gốm sứ như bát, đĩa, bình, lọ, tiểu sành chính là dòng sản phẩm chủ đạo ở Thổ Hà. Tiểu sành sau đó xuôi theo sông Cầu trên những thuyền thương lái đi đến khắp các tỉnh, thành.

Ngay từ khi nghề làng tiểu sành ra đời, người Thổ Hà đã biết tận dụng những sản phẩm bị lỗi, bị vỡ hỏng để xây đắp nhà cửa, tường vây hay trang trí ở những nơi công cộng. Những ngôi nhà, bức tường cổ ở Thổ Hà được xây bằng mảnh sành (thậm chí cả cái tiểu sành), xen kẽ gạch nung, bên ngoài trát loại đất trộn với mật ong, vỏ mía. Trải qua hàng trăm năm khi những lớp đất bên ngoài dần bong tróc, tiểu sành, mảnh sành, gạch nung cổ lộ ra trên từng bờ tường, đầu hồi mái nhà.

Những ngôi nhà, bờ tường cổ có lối kiến trúc xây dựng độc đáo ấy hiện nay vẫn còn sót lại khá nhiều ở làng Thổ Hà. Với người ở phương xa tới, những hình ảnh tiểu sành trên tường sẽ gợi cảm giác ghê rợn, chết chóc. Nhưng với người Thổ Hà từ bao đời, tiểu sành đã trở nên quen thuộc và họ sống, gắn bó với nó như một lẽ tất nhiên.

Tường xây bằng tiểu sành xưa xuất hiện bên cạnh các công trình hiện đại.

2 cây xà cừ cổ thụ trên con đường dẫn vào làng Thổ Hà.

Tiểu sành, gạch nung và trát đất… một lối kiến trúc độc nhất vô nhị.

Nguyên căn nhà cấp 4 xây bằng tiểu sành, gạch nung ở Thổ Hà.

Cổng làng Thổ Hà với nhà cổng có mái lợp ngói,
một nét đặc trưng xưa của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Một chiếc cổng ngõ cổ kính xây bằng đá ong
và trên có đặt 2-3 chiếc tiểu sành sót lại ở Thổ Hà.

Nguyễn Hường

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161029/lang-co-tieu-sanh.aspx