Làng đào lại “khóc”!

Trở lại La Cả (Dương Nội, Hà Đông) sau một năm, con đường từ nội đo về làng đã thay đổi rất nhiều. Từng lo đất đã chia ô, hứa hẹn những chung cư, nhà cao tầng mọc lên trong một thời gian ngắn.

Những người nông dân này rồi đây sẽ phải làm gì để kiếm kế sinh nhai khi không còn đất canh tác? Bà con ở La Cả năm nay vui vì “trời thương” nên đào được mùa. Nhưng với nhiều người, niềm vui ấy không trọn vẹn, bởi sau cái Tết này, làng đào nổi tiếng gần xa này sẽ gần như bị xóa sổ, nhường chỗ cho những dự án đô thị mới. Nóng câu chuyện đề bù Dừng chân tại quán nước ngay trên cánh đồng đào, chúng tôi được chào đón như những thượng khách. Bà chủ quán nước rỉ tai: “Mua đào hay mua đất”. Chưa kịp đợi câu trả lời của tôi, bà chủ quán đã tiếp lời: “Mua đi, đất ở đây rẻ như đào”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, người phụ nữ ấy vừa rót trà ra cốc, vừa bảo: “Thật chứ đùa gì, một sào có 72 triệu, nếu tính cả mấy khoản hỗ trợ đào thì là được 97 triệu đồng/sào, tính ra có mấy trăm nghìn một mét vuông. Thế chả là quá rẻ còn gì”. Mặc dù thông tin đô thị hóa đã về Dương Nội từ hồi đầu năm 2007 nhưng cho đến thời điểm này, câu chuyện về đền bù đất đai và hỗ trợ người trồng đào mới thực sự nóng! Cho tới nay, Dương Nội đã có 16 dự án tham gia đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 330 ha, chiếm 80% quỹ đất nông nghiệp của toàn phường. Hiện Dương Nội chỉ còn lại khoảng 40 ha đất nông nghiệp nằm giữa các dự án và dưới hành lang điện cao thế. Đối với nhiều hộ nông dân ở Dương Nội, đặc biệt là làng đào La Cả nổi tiếng thì đây sẽ là vụ đào cuối cùng, bởi sau khi thu hoạch, họ sẽ phải thực hiện bàn giao mặt bằng cho 5 dự án: đường và khu đô thị Lê Trọng Tấn, khu đô thị An Hưng, trường THPT quốc tế Lô-mô-nô-xốp với diện tích lên đến hàng trăm hécta. Được biết, tiền đền bù cho số đào của bà con đang trồng ban đầu được tính ở các mức 35 nghìn, 55 nghìn và 90 nghìn đồng tương ứng với những cây đào có chiều cao dưới 1m, từ 1m đến 1,5m và từ trên 1,5m đến 2m. Song đến nay, theo đề nghị của địa phương, cấp có thẩm quyền đã quyết định cộng thêm 30% vào giá đền bù ban đầu. Đối với loại đào thế có chiều cao hơn 2m được tăng từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng/gốc. Mặc dù số tiền đền bù đã được thống nhất nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không đồng ý giao đất và nhận tiền vì cho rằng số tiền đó quá thấp so với giá trị thực của đất và đào. “Bây giờ cô bảo cầm gần 200 triệu tiền đền bù về để làm cái gì. Như nhà tôi có 2 thằng con học đại học, chi tiêu dè xẻn ra mỗi tháng cũng khoảng 3 tới 5 triệu đồng thì được mấy bữa. Lấy đất phải xử lý hợp tình hợp lý chứ đừng ép giá dân”, anh Dương Văn Hải bức xúc. Khi được hỏi về việc đền bù, chị Bùi Thị Thủy cũng tỏ vẻ buồn phiền. Nhà chị có tới hơn 400 gốc đào. Trận lụt năm ngoái, gia đình chị gần như mất trắng và đã phải đầu tư rất nhiều tiền để khôi phục lại vườn đào. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị Thủy ngậm ngùi: “Chính quyền bảo đây là mức giá đã từng áp dụng với đào Nhật Tân. Nhưng đó là chuyện cách đây bao nhiêu năm rồi, giá trị đồng tiền cũng thay đổi”… Hậu đền bù là... thất nghiệp Đây là nỗi lo có thật mà không chỉ có bà con La Cả đang phải đối mặt bởi đã có rất nhiều “gương tày liếp” ở các làng ven đô trước đó. Theo ông Đỗ Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội, mặc dù đối tượng có đất bị thu hồi sẽ được quận Hà Đông hỗ trợ học nghề miễn phí, nhưng khả năng chuyển đổi nghề nghiệp không lớn. Bởi lẽ đa số người làm nông là những người lớn tuổi, khả năng tiếp thu kém và không còn phù hợp với công việc của đô thị hiện đại. Do đó, nếu không biết sử dụng đồng tiền đền bù sao cho hiệu quả thì nguy cơ tái nghèo, tái đói và khả năng xảy ra tệ nạn xã hội sẽ là rất lớn. Chuyện Dương Nội được lên phường và những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn được trở thành “công dân thành phố” có vẻ không được người dân ở đây quan tâm nhiều, bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn còn đè nặng lên đôi vai gầy mỏng manh của họ. “Chả biết là tổ nào phường nào đâu, ở đây cứ quen gọi là thôn La Cả, xã Dương Nội”, chị Thủy trả lời ngắn gọn khi chúng tôi hỏi địa chỉ cụ thể của mình. Chị tỏ ra khá bi quan và không hi vọng sẽ kiếm được một việc làm nào đó trong khu công nghiệp, bởi trình độ không có, cũng không còn trẻ và đủ sức để mà học tập hay phấn đấu. Do đó đi bán hàng rong hoặc đi làm phụ hồ có vẻ sẽ là tương lai của chị sau khi mất đất, mất đào. Nếu chính quyền giữ lại một khu vực dành cho cây đào La Cả thì làng vẫn có đào và biết đâu đó sẽ là một địa điểm tham quan thú vị của người dân Thủ đô mỗi độ Tết đến Xuân về Một người đàn ông ngoại ngũ tuần chủ động gọi chúng tôi lại để nói chuyện. Ông bảo cứ chụp ảnh cho thoải mái đi và dặn dò sau khi chụp xong về nhớ rửa cho ông vài tấm để làm kỷ niệm. Nghe câu chuyện của ông, tôi nhận thấy niềm tiếc nuối ẩn sâu trong từng câu, từng chữ. Ông bỏ mũ đứng cạnh cây đào “đẹp như thiếu nữ 16” - theo cách gọi của ông - để lộ mái tóc hoa râm. Mấy chục năm trồng đào đã khiến cho tình yêu với loài hoa ấy của ông trở nên sâu đậm. Giờ phút chia tay với đất, với đào sắp đến nên không thể không buồn. Nhưng quan trọng hơn cả là sau này cả gia đình 4 miệng ăn sẽ trông vào đâu để sống? “Bọn trẻ thì cũng đã lớn nên có lẽ chúng nó sau khi ra trường sẽ ra Hà Nội kiếm ăn. Còn hai vợ chồng già thì từ từ tính tiếp. Cũng đã nhắm cho vợ mấy cái sạp hàng ngoài chợ, còn tôi sẽ chạy xe ôm”. Người đàn ông ấy đã nói với tôi về tương lai của gia đình mình như thế. Vài người dân quê đi ngang góp chuyện: “Bác tổ trưởng mà cũng lo đói cơ à”? Ông ngượng ngùng giải thích: “Tôi là Bùi Quốc Thành, Tổ trưởng tổ dân phố Hoàng Văn Thụ. Mới nhậm chức được hơn một tháng nay. Lôi thôi lếch thếch quá phải không”? Tôi thầm nghĩ, kể cũng phải, ông nông dân - tổ trưởng thì làm gì có chuyện sáng sáng dậy uống cà phê đọc báo, chiều đi tập thể dục, tham gia hoạt động của phường như “ở ngoài Hà Nội”. Của tin còn một chút Không giống như ông Thành, chị Thủy và nhiều người dân khác đang tìm nghề khác để sinh nhai, anh Nguyễn Trung Tiến vẫn theo đuổi ý tưởng sống chết với đào. Anh bảo, nếu ở La Cả người ta lấy hết đất để làm dự án thì anh sẽ thuê một khu ruộng nào đó ở gần đây để trồng đào, sau đó sẽ mang về đây bán để đào không bị mang tiếng “mất gốc”. Nhưng nỗi lo lớn nhất của chàng thanh niên trẻ đó chính là việc khó mà thuê được đất ở các khu vực lân cận vì chỗ nào cũng có dự án đô thị hóa và giá thuê cũng rất cao. Do đó anh mong chính quyền quy hoạch một khu vực nào đó để cho cây đào La Cả không bị mất hẳn và các thế hệ sau này sẽ không quên đi cái gốc rễ của mình. Nếu ý tưởng này của anh được chấp nhận, thì La Cả vẫn có đào, và biết đâu đó sẽ là một địa điểm tham quan thú vị của người dân Thủ đô mỗi độ Tết đến Xuân về. Bích Ngọc

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20100226023428129cat118/lang-dao-lai-khoc.htm