Làng gốm rộn ràng sản xuất tượng 'Đại Cát' phục vụ Tết con gà

Bên cạnh các sản phẩm như đồ gốm trang trí, bình hoa, ấm chén, bát…, nhiều nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) còn sáng tạo ra những tượng con vật vốn gần gũi, gắn bó với người Việt như: Trâu, bò, dê… Đặc biệt, phải kể đến những bức tượng gà rất tinh xảo, mang nhiều ý nghĩa tâm linh chỉ có ở làng gốm lâu đời này. Năm nay, các nghệ nhân Bát Tràng tiếp tục cho ra đời những mẫu tượng gà mới, sẽ là món quà mang nhiều ý nghĩa mà chúng ta có thể mua trang trí hoặc tặng cho nhau nhân dịp năm con gà sắp tới - Đinh Dậu 2017.

Làng gốm rộn ràng sản xuất tượng "Đại Cát" phục vụ Tết con gà.

Món quà ý nghĩa cho năm Đinh Dậu

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng. Theo tiếng Hán, “đại kê” (gà trống) gần âm với chữ “đại cát” (điều tốt). Bởi vậy, tượng gà trống Đại Cát được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh. Hình ảnh gà cũng thường được đề cập trong văn thơ, hội họa và đặc biệt là trên các sản phẩm gốm sứ thủ công. Có thể nói, tượng gà luôn là một vật phẩm mang những ý nghĩa tốt lành mà nhiều người muốn sở hữu hoặc dành tặng cho người thân, bạn bè, đối tác... mỗi khi Tết đến xuân về. Những tháng cuối năm này, nhiều xưởng gốm tại Bát Tràng đang nhộn nhịp sản xuất, cho ra lò những mẫu tượng gà mới nhân dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Một bức tượng gà được nhiều người ưa thích

10h sáng những ngày trung tuần tháng 12-2016, nhóm nhân công tại cơ sở sản xuất gốm sứ Bảy Thu (xóm 4, Giang Cao, Bát Tràng) tất bật sản xuất những mẻ tượng gà để kịp trả hàng cho khách vào trước Tết. Người cặm cụi đổ hồ vào khuôn, người tỉ mỉ tỉa lại đường nét của từng mẫu sản phẩm cho sắc nét trước công đoạn tô màu, chuẩn bị đưa vào lò nung. Ở một góc xưởng, anh Đặng Văn Bảy – chủ xưởng đang cẩn thận gỡ từng phần của chiếc khuôn thạch cao, để lộ ra bên trong mẫu chậu trồng cây cảnh. Điểm nhấn của chiếc chậu là hình ảnh chú gà trống oai vệ, đang nghển cổ gáy được tạo hình ngay bên thành chậu.

Anh Bảy hồ hởi: “Năm tới đây là năm con gà - Đinh Dậu nên tôi có ý tưởng về một số mẫu sản phẩm mới. Nhiều nhà ở thành phố có không gian nhỏ, hẹp nên tôi thiết kế mẫu chậu cây nhỏ này. Dịp Tết, chúng ta có thể đặt vào chậu một số cây bonsai như quất, đào, mai… rất phù hợp. Bên cạnh đó, loại chậu này cũng có thể dễ dàng trưng trên bàn làm việc ở văn phòng. Hình ảnh con gà đứng bên cạnh chậu cây tạo nên vẻ hài hòa, sinh động”.

Ngay từ đầu năm nay, cơ sở của anh Bảy đã tập trung vào sản xuất thêm tượng gà với nhiều kích cỡ khác nhau. Để tạo nên sự đa dạng, phong phú cho thị trường Tết, anh Bảy dự định cho ra đời thêm một số mẫu mới như: Tượng gà trống, gà mái và gà con với ý nghĩa sum vầy, đầm ấm… Anh bảo, những tháng cuối năm lượng đơn hàng tăng gấp đôi gấp 3 so với ngày thường nhưng anh không dám nhận nhiều. “Quy trình sản xuất chủ yếu vẫn là thủ công, tốn nhiều công sức. Dịp Tết lại gấp gáp. Nếu thời tiết nắng hanh thì 4 – 5 hôm là có thành phẩm, không may trời nồm nhiều thì sẽ không kịp tiến độ. Bởi vậy, tôi phải cân nhắc kỹ khi nhận đơn hàng”, anh lý giải. Không chỉ phân phối ở các tỉnh phía Bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… Tượng gà của cơ sở sản xuất Bảy Thu còn được khách hàng các tỉnh phía Nam ưa chuộng.

Anh Nguyễn Văn Bảy cho ra mẫu chậu cảnh trang trí tượng gà để phục vụ khách hàng dịp tết Đinh Đậu sắp tới.

Gà trống sơn cao, gà trống nhũ vàng, gà mái và gà con, gà mái ấp trứng… là những mặt hàng mà cơ sở sản xuất gốm sứ Vinh Dung (thôn Giang Cao, Bát Tràng) đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng các đơn hàng dịp Tết sắp tới. Anh Lã Việt Hùng, chủ cơ sở Vinh Dung chia sẻ: “Từ xa xưa, hình ảnh con gà luôn rất gần gũi với đời sống hàng ngày của con người, nhất là những nền văn hóa của các nước Á Đông như Việt Nam. Tiếng gà gáy vào mỗi sáng sớm báo hiệu một ngày mới nhiều may mắn, tốt đẹp. Trong phong thủy, biểu tượng gà trống được sử dụng khá phổ biến, có thể giải trừ các thế sát cho ngôi nhà hay giải trừ "đào hoa sát" cho cá nhân, tránh bị tiểu nhân nói xấu sau lưng. Bởi vậy, dịp Tết có rất nhiều khách hàng đặt mua tượng gà để về trang trí tiểu cảnh, sân vườn, trưng ở trong nhà hay cơ quan, văn phòng. Nhiều người còn dùng nó làm món quà biếu, tặng”.

Đòi hỏi sự tỉ mẩn, công phu

Theo anh Bảy, dù giá các bức tượng gà không quá cao, chỉ từ vài chục đến vài, ba trăm nghìn đồng nhưng việc sản xuất đòi hỏi sự kỳ công nhất định. Khác với các cơ sở khác là sáng tạo ra mẫu rồi yêu cầu thợ làm khuôn chế tác ra khuôn, nghệ nhân mang về chỉ việc bắt tay vào sản xuất hàng loạt, cơ sở của anh Bảy tự hoàn thành tất cả các công đoạn. “Ban đầu, tôi nặn một tượng mẫu theo ý tưởng của mình. Quy trình này thường mất khoảng 1 tuần lễ bởi để có một mẫu ưng ý tôi thường nặn đi nặn lại từ 10 – 20 lần. Tiếp đó, người thợ phải tỉ mỉ chỉnh sửa từng chi tiết để có một mẫu tượng giống thật nhất. Muốn có một bức tượng gà sắc nét thì phải chăm chút kỹ càng đến từng cái lông, cái móng của nó.

Sau đó, từ tượng mẫu, tôi phân chia ra nhiều mảnh nhỏ tương ứng với các chi tiết bộ phận của con gà để tạo khuôn. Bình thường, các mẫu tượng khác chỉ gồm 3 – 4 mảnh khuôn nhưng tượng gà phải dùng đến cả chục mảnh khuôn. Càng chia nhỏ ra nhiều mảnh khuôn thì tượng càng sắc nét, chân thực”, anh Bảy chia sẻ.

Những người thợ công phu từng chi tiết cho những sản phẩm nhiều ý nghĩa cho năm mới

Sau khi tháo khuôn, có sản phẩm phôi mộc thì người thợ lại phải dùng dao nhọn tỉa lại từng chi tiết để các đường nét, hoa văn trên tượng thêm phần tinh xảo. Tiếp đó là công đoạn tô màu cho tượng. Để pha chế được những màu sắc giống màu của gà thật một cách bắt mắt lại cần đến sự tinh tế cùng kinh nghiệm khéo léo của người thợ.

Chỉ bức tượng gà trống đứng trên tiền vàng, anh Bảy kể, anh mất 5 – 6 chuyến lò mới ra được màu tượng như ý muốn. “Bức tượng này nhằm thể hiện sức sống vươn lên để đi tới thành công với hình ảnh chú gà trống đứng trên bó lúa, xung quanh là xâu tiền vàng đang vươn cổ cất cao tiếng gáy. Để thể hiện vẻ mạnh mẽ, tư thế oai hùng của nó tôi chú ý tạo dáng chân đang bước đi với bộ móng quặp lại”, anh Bảy nói về ý tưởng sáng tạo bức tượng. Theo anh Việt Hùng, dù có khuôn để tạo các bộ phận cơ bản của tượng gà, người thợ vẫn phải dùng tay để chế tác thêm một số chi tiết như: mào gà, móng… “Bởi có nhiều chi tiết nếu dùng khuôn thì khó tạo ra được độ sắc nét giống như thật. Những lúc ấy, bàn tay của nghệ nhân mới có thể tạo nên một sản phẩm hoàn thiện, đảm bảo vẻ thẩm mỹ cũng như tính chân thực”, anh Hùng nhấn mạnh.

Đỗ Hương

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lang-gom-ron-rang-san-xuat-tuong-dai-cat-phuc-vu-tet-con-ga.aspx