Lăng kính: Đáp đền

Bao nhiêu năm rồi NHM Hà Lan không được đáp đền? Đó là một câu hỏi dai dẳng nhất, dằn vặt nhất với Cơn lốc Da cam. Nhưng dường như, các cầu thủ của họ vẫn dửng dưng với nghĩa vụ đáp đền cho NHM.

>> Lăng kính: Chuyện kép Tư Bền
>> Lăng kính: Đôi giày của Hodgson
>> Lăng kính: Những kẻ trên cây
>> Lăng Kính: Mối nối vô hình

1. Mấy hôm trước, ĐT Ukraine đã gặp gỡ Timur Chamanov, cậu bé 6 tuổi với gương mặt thiên thần được coi là biểu tượng của tình yêu bóng đá Ukraine ở kỳ EURO này. Và chính Sheva, cầu thủ lớn nhất của Ukraine một thập niên trở lại đây, đã thay mặt đội tuyển trao tặng Timur tấm áo số 7 mà trên đó có đầy đủ chữ ký của các tuyển thủ hiện tại. Có lẽ, ai cũng nói Timur “sướng”, “may mắn”, bởi món quà ấy không phải người nào cũng có cơ hội sở hữu…

Đúng là trong cả trăm ngàn (thậm chí cả triệu) cậu bé Ukraine hâm mộ đội nhà, Timur là người may mắn nhất. Bởi không phải chỉ mình em có gương mặt thiên thần, và chẳng phải ai cũng có điều kiện được ra sân để truyền hình bắt được hình ảnh “vàng” và lập tức nâng tầm thành biểu tượng. Nhưng không hẳn chỉ có may mắn mới mang lại cho Timur món quà quý giá từ tay Sheva mà còn có một yếu tố khác. Đó là tình yêu, một tình yêu được đền đáp…

2.Tình yêu của NHM dành cho một đội bóng là một thứ tình yêu đơn phương, tự nguyện, vô điều kiện. Đội bóng có đầy đủ những cá tính riêng, màu sắc riêng nhưng nó vẫn không phải một con người với một trái tim duy nhất. Chính vì thế, đội bóng khó có thể yêu từng NHM theo cách mà nó được mỗi người trong số họ trao gửi tình yêu. Cuộc tình đơn phương ấy, cũng như vô vàn cuộc tình đơn phương khác giữa người và người trong cuộc sống, thường kéo dài. Dễ hiểu, khi yêu người ta thường chờ đợi được đáp đền và khi sự đáp đền chưa tới, tình yêu chưa được thỏa mãn thì nó sẽ được nuôi dưỡng thêm lớn lao hơn, sâu đậm hơn.

Trong cuộc đời mỗi NHM, đối với màu cờ sắc áo quê hương, người ta sẽ luôn dành trọn một tình yêu vĩ đại nhất, vô điều kiện nhất, lâu dài bất chấp hoàn cảnh nào. Và người ta cũng biết chờ đợi những đáp đền từ tình yêu ấy, chờ đợi những thành tích vì NHM, cho NHM, như cách mà các tuyển thủ vẫn trả lời phỏng vấn sau mỗi đỉnh vinh quang…

3.Bao nhiêu năm rồi NHM Hà Lan không được đáp đền? Đó là một câu hỏi dai dẳng nhất, dằn vặt nhất với Cơn lốc Da cam. Nhưng dường như, các cầu thủ của họ vẫn dửng dưng với nghĩa vụ đáp đền cho NHM.

Muốn tỏ ra tôn trọng tình yêu của NHM, đội bóng phải biết đáp đền và điều tiên quyết nhất để có thể đáp đền chính là các tuyển thủ phải biết đặt đội bóng trên cái Tôi của mình. Ở Hà Lan, người duy nhất thể hiện được thiện chí cần thiết đó, không ai khác là Sneijder.

Nếu không đủ tầm vóc, chất lượng để đáp đền NHM bằng một chức vô địch thì chỉ một hành động nhỏ của Sheva và đồng đội cũng đủ khiến người Ukraine ấm lòng. Còn Hà Lan, họ luôn là ứng viên hàng đầu nhưng từ hành động nhỏ tới thành quả lớn đều không thực hiện được. Mỗi tuyển thủ, hình như, chỉ yêu bản thân mình thì đúng hơn.

Có người đã nói: “Kiên nhẫn với một người: là tình yêu. Kiên nhẫn với bản thân mình: là hy vọng. Kiên nhẫn với Chúa: là lòng trung thành”. NHM Hà Lan yêu màu áo cam đến trung thành và nuôi quá nhiều hy vọng đền đáp từ nó.

Nhưng tuyển Hà Lan, tiếc thay, chỉ coi mình là Chúa…

>> Lăng kính: Chuyện kép Tư Bền
>> Lăng kính: Đôi giày của Hodgson
>> Lăng kính: Những kẻ trên cây
>> Lăng Kính: Mối nối vô hình

Nguồn YTT: http://www.bongda.com.vn/Euro-2012/Ben-Le-San-Co-Euro-2012/214373_Lang_kinh_Dap_den.aspx