Lãng mạn, thướt tha hình ảnh áo dài trong ca khúc Việt

(2Sao) - Đã từ lâu, hình ảnh tà áo nhẹ nhàng, thướt tha đã gắn liền với nét duyên của người con gái xứ Việt, và vẻ đẹp ấy cũng không quên ghi lại dấu ấn trong biết bao tác phẩm âm nhạc.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc của chiếc áo dài, chỉ biết rằng hình ảnh đôi tà áo thân quen đã xuất hiện trên Trống Đồng Ngọc Lũ từ hàng ngàn năm trước. Cũng theo truyền thuyết kể rằng, khi cưỡi voi đánh giặc, Hai Bà Trưng đã khoác trên mình tấm áo xẻ tà với giáp Vàng uy nghi. Sau nhiều biến đổi cùng thời gian, chịu ảnh hưởng từ các nền Văn hóa và xu hướng thời trang từng thời kỳ, hình dáng của chiếc Áo dài đã được cách tân thay đổi không ngừng, song nó vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tinh túy toát lên từ hai tà áo thướt tha. Không giống các trang phục truyền thống khác như Kimono (Nhật Bản) hay Hanbook (Hàn Quốc), chiếc Áo dài Việt Nam có tính ứng dụng khá cao, khi người mặc không cần phải sử dụng nhiều phụ kiện rườm rà, nặng nhọc. Chỉ với đôi tà áo, người phụ nữ có thể xuất hiện tại các nghi lễ trang nghiêm, những buổi tiệc sang trọng hay kể cả mặc đến công sở mỗi ngày. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong Âm nhạc vẫn là tà áo nữ sinh với sắc trắng tinh khôi, "như trải nắng cả một góc trời". Nhắc đến những ngày tháng tươi đẹp bên mái trường xưa cùng thầy cô bè bạn, có lẽ nhiều người vẫn chưa quên ca khúc Phượng hồng của nhà thơ Đỗ Trung Quân, với "ngày khai trường áo lụa gió thu bay", tác giả đã mang đến cho người nghe một khung trời đầy ấp kỷ niệm với bao buồn vui tuổi học trò.Vẫn còn đó những chùm phượng vỹ, những "cơn mưa bay bay ngoài cửa lớp", "là áo ai bay trắng cả giấc mơ"... " Mối tình đầu của tôi..... Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp... Là áo ai bay trắng cả giấc mơ..." (Phượng hồng - Tác giả: Đỗ Trung Quân) Trong nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị, hình ảnh chiếc áo dài được khắc họa "với đôi bờ vai nhỏ.... chân đi dịu dàng... tà áo vờn bay". Những hình ảnh đẹp khó phai trong ký ức tuổi học trò với lắm mộng mơ. "Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ... ...Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay " (Ngày xưa Hoàng Thị - Phạm Duy - Thơ Phạm Thiên Thư) Còn với Hạ Trắng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn , ông đã khéo léo gom hết mây trời gửi vào vạc áo làm "lối em đi về trời không có mây... cho mùa nắng lên thêm đầy". Và nét đẹp ấy đã mãi nằm lại trong âm nhạc và ký ức của người nhạc sĩ tài hoa, theo trọn cả một đời ..."...dài cho mãi sau....Áo xưa dù nhàu. Cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...". "Gọi nắng...trên vai em gầy đường xa áo bay Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say. Lối em đi về trời không có mây Đường đi suốt mùa nắng lên thêm đầy". (Hạ trắng - Trịnh Công Sơn) Cũng theo hồi ký của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chính những tà áo tím nữ sinh mang đậm nét Huế xưa, đã để lại trong ông biết bao cảm xúc làm nên ca khúc Diễm Xưa, một nhạc phẩm nổi tiếng mãi cho đến tận ngày nay. Vào đầu thế kỷ 20, đặc biệt trong giai đoạn trường Nữ sinh Trung học Đồng Khánh được thành lập (năm 1917), đồng phục thời bấy giờ là kiểu áo rộng tà mang dáng dấp áo dài xưa, được sử dụng mặc chung với quần trắng dài chấm gót. Điểm đặc biệt của áo dài Huế là mang màu tím rất riêng, nó không giống màu tím lục bình của miền Nam, hay tím hoa cà của miền Bắc. Sắc tím của tà áo dài Huế chỉ vừa đủ đậm như màu mực học trò nổi bật trên nền trắng giấy tập. Một nét duyên thầm chỉ có ở người con gái xứ sông Hương núi Ngự. Màu Tím xứ Huế đã đi vào lịch sử như một biểu tượng Văn Hóa truyền thống góp phần tôn lên vẻ đẹp Tà áo Việt. Cùng với sự nền nã của sắc màu, vẻ kín đáo của kiểu dáng, nét dịu dàng, thanh thoát trong cử chỉ người mặc, chiếc áo dài tím với đôi tà lồng lộng gió (như lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), cùng vành nón che nghiêng mái tóc thề, không biết tự bao giờ đã trở thành hình ảnh không thể thiếu khi nhắc về vẻ đẹp người con gái Cố Đô. Về sau, tuy trường Đồng Khánh có sự thay đổi, chỉ dùng màu Trắng cho mùa khô và màu Xanh nước biển cho mùa mưa, nhưng vẻ đẹp của màu áo Tím Xứ Huế đã mãi in sâu trong tâm tưởng bao người. "Gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè.... ...và gió hôn tóc thề....rồi mùa thu bay đi" (Nhìn những mùa thu đi - Trịnh Công Sơn) Ngày nay, sắc trắng tinh khôi của đôi tà áo trắng vẫn được chọn làm đồng phục cho nữ sinh nhiều trường trên cả nước. Điều này đã góp phần không nhỏ tôn lên vẻ đẹp của người con gái Việt Nam. Tà áo dài như đánh dấu sự trưởng thành của người thiếu nữ, khoác trên mình tấm áo, họ học cách gìn giữ, nâng niu. Điểm đặc biệt của áo dài là với dáng vẻ thướt tha, thanh thoát cũng khiến người mặc phải nhẹ nhàng từ tốn, sửa từng dáng đi, nết ngồi thể hiện nét đoan trang, thùy mị của người con gái xứ Việt "...Hai phần gió thổi, một phần mây.... ....Hay là em gói mây trong áo ... ...rồi thở cho làn áo trắng bay...." (Tương Tư - Tác giả: Nguyên Sa) "Chiếc áo trắng tung tăng như mây trên đường... Áo trắng quá mây ơi... Chiếc áo trắng xoay xoay tim tên khờ khạo... Sẽ thức giấc bao đêm vì mây xuống phố..." (Như mây xuống phố - Tác giả: Nguyễn Ngọc Thiện) Chất liệu làm nên chiếc áo cũng rất quan trọng vì nó có thể nói lên địa vị, danh phận của người mặc. Trong xã hội xưa, những chất liệu như lụa Hà Đông, Lãnh Mỹ A, lụa Tơ tằm, Gấm vv... không chỉ đảm bảo cho sự quyền quí cao sang mà nó còn mang đến cho người mặc cảm giác mềm mại, dễ chịu và đặc biệt là rất thoải mái giữa những ngày trời hanh nắng. Trong nhạc phẩm Áo lụa Hà Đông của mình, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã không tiếc lời khen ngợi chiếc áo: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát... Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông..." "Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng" (Áo lụa Hà Đông - Tác giả: Ngô Thụy Miên) Trong tâm trí của nhiều người, tà áo dài Việt Nam còn như một biểu tượng gắn liền với quê hương xứ sở. Dù có ở bất cứ nơi nào trên Thế giới, mỗi khi thấy tà áo dài tung bay, ta lại cảm thấy thật tự hào khi nhớ rằng: "Mình là người Việt Nam". Em trong mắt tôi - Tác giả: Nguyễn Đức Cường. "Em đẹp không cần son phấn... xinh thật xinh...thật xinh rất hiền.... Không quần jeans giày cao gót...em chọn riêng mình em áo dài...duyên dáng... Giống như hoa bên kia thềm, ngát hương không khoe sắc màu... Ngàn đóa hoa đang rực rỡ không sánh bằng... Nhẹ nhàng tung bay tà áo dài...Em phụ nữ Việt.... Ánh lên bao rạng ngời người Phương Đông... Người đẹp dáng xinh hay là anh đang rạng ngời hạnh phúc bên em bừng lên khúc Xuân xanh ngời... Người con gái Việt...mặc chiếc áo dài... Đẹp khắp bốn phương... Một nét Á Đông..." Trung Kiên

Nguồn VietnamNet: http://2sao.vietnamnet.vn/p1001c1010n20100826114952281/lang-man-thuot-tha-hinh-anh-ao-dai-trong-ca-khuc-viet.vnn