Lắng nghe người bệnh...

(SKDS) – Tuần này khác mọi tuần trước, mình không được nghỉ cuối tuần vì thứ bảy và chủ nhật tất cả mọi người được tham dự một khóa học về trị liệu tâm lý do chuyên gia Đức giảng dạy. Thứ bảy, đưa các con đi học xong, mình đến cơ quan, còn chủ nhật, đành gửi con cho bà ngoại vậy. Dẫu là học vào cuối tuần nhưng mọi người ai cũng cố gắng đi và nhiều học viên sau đại học ở các tỉnh tham dự. Ai cũng hào hứng muốn được tham dự khóa học bởi vì đây là một quá trình đào tạo từ nhiều năm nay của chuyên gia Đức và nhờ vậy, sự hiểu biết trong lĩnh vực trị liệu tâm lý của bác sĩ được nâng cao hơn khi điều trị cho bệnh nhân của chuyên khoa tâm thần.

Hôm nay, mình may mắn được phân công chọn bệnh nhân minh họa cho một liệu pháp trị liệu tâm lý mới học: liệu pháp tâm lý động. Trong những bệnh nhân đang điều trị có bệnh nhân tên Minh, quê ở Nghệ An, bị bệnh đã 6 năm nay với nhiều những vấn đề sang chấn tâm lý trong cuộc sống, sự mất đi người thân, sự lo lắng về kinh tế và những vấn đề bệnh tật như đau đầu, mất ngủ, cảm giác lo lắng, hồi hộp căng thẳng, bồn chồn, bứt rứt.

Bác Minh đã đi khám ở nhiều bệnh viện, từ tuyến huyện, rồi lên tỉnh, đến trung ương, khắp các bệnh viện lớn nhỏ và đã có một thời gian dài điều trị chuyên khoa thần kinh nhưng bệnh không đỡ. Trong một lần bác Minh phải đi cấp cứu về cảm giác khó thở, đã được đưa đến chuyên khoa tâm thần điều trị, nhưng trong lòng còn đầy hoài nghi và mặc cảm: Tại sao mình lại được điều trị về tâm thần, liệu bệnh của mình có đỡ không?

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Lúc ấy, mình ra sức thuyết phục, bác Minh cũng đồng ý nằm điều trị với một niềm hy vọng mới: sẽ được chữa khỏi.

Đây là lần thứ hai bác ấy từ Nghệ An ra Hà Nội điều trị bệnh. Cứ sau mỗi lần điều trị, bệnh có đỡ hơn, nhưng trong cuộc sống, khi gặp phải chuyện căng thẳng, suy nghĩ là bệnh của bác lại tái phát. Có những lần bác ấy cảm giác như bệnh mình đã khỏi, tự ý ngừng thuốc. Lần này, bác Minh gặp lại mình với một tâm sự rằng bệnh tôi điều trị mãi không dứt điểm, phải uống thuốc đến bao giờ hả bác sĩ, lần này bác sĩ chữa cho tôi khỏi dứt điểm nhé? Mình gật đầu và nói với bác: trường hợp của bác sẽ được giáo sư, bác sĩ người Đức khám và điều trị. Bác ấy rất vui mừng và hy vọng.

Tất cả mọi người dành thời gian cả buổi sáng và đầu giờ chiều để trao đổi về trường hợp bệnh của bác ấy. Chuyên gia Đức đã hỏi rất nhiều, hỏi chi tiết cặn kẽ và kiên trì, bình tĩnh lắng nghe bệnh nhân kể hết quá trình bệnh lý của mình và phân tích cho cả lớp hiểu: vai trò của mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là rất quan trọng, người bệnh càng cảm thấy thân thiết, gần gũi với thầy thuốc thì càng kể nhiều cho bác sĩ những điều băn khoăn, trăn trở, thầy thuốc càng hiểu thêm về người bệnh và sẽ chẩn đoán điều trị tốt hơn, mặt khác, người bệnh nói ra được những băn khoăn, suy nghĩ của mình cũng làm bệnh nhẹ hơn.

Ông nhấn mạnh với mọi người rằng: Tập trung lắng nghe người bệnh là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong điều trị tâm lý. Nhà trị liệu tâm lý không có dao, kéo như các nhà ngoại khoa để cắt đi khối u, không có tia X để chụp chiếu phát hiện tổn thương mà chỉ có công cụ duy nhất - đó là lắng nghe người bệnh.

Buổi học kết thúc lúc 5giờ chiều, tuy làm việc mệt mỏi và căng thẳng nhưng ai cũng thấy vui vẻ vì những điều học được sẽ giúp ích trong công việc, sẽ giúp ích được cho người bệnh của mình. Còn bác Minh, bệnh nhân của mình sau buổi tiếp xúc với chuyên gia người Đức đã có thêm niềm tin và yên tâm chữa bệnh. Hôm sau, đi khám bệnh đầu giờ, bác vui vẻ nói: Bác sĩ ơi, tôi xin lỗi, tối hôm qua tôi quên không uống viên thuốc ngủ mà sáng nay 6 giờ tôi mới dậy! Mình mỉm cười và nói: Thế là bác gần khỏi bệnh rồi đấy!

BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2012061710072864p0c121/lang-nghe-nguoi-benh.htm