Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân

Trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng, để bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân thì tiếp công dân là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Thời gian qua, các địa phương, các cơ quan chức năng trong cả nước triển khai việc tiếp công dân và thu được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn những nơi chưa đạt hiệu quả tốt trong triển khai công việc này.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND một số tỉnh trong việc tiếp công dân. Theo đó, tại Quảng Nam, TTCP khẳng định Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp công dân định kỳ chưa đầy đủ theo quy định. Cụ thể, từ ngày 1-1-2013 đến 30-9-2016, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 34 trong số 45 lần (đạt hơn 75%) và ủy quyền cho Phó Chánh Văn phòng và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp ba lần. Chủ tịch UBND một số huyện, thủ trưởng một số sở, ngành tiếp dân định kỳ chưa đầy đủ theo quy định; có nhiều nơi, việc tiếp dân định kỳ và thường xuyên được ghi chung vào một sổ, không ghi họ tên, chức vụ cán bộ tiếp cho nên không xác định được việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc sở theo quy định.

Qua thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện pháp luật về công tác nêu trên, TTCP đã chỉ ra hàng loạt bất cập, hạn chế như: Chủ tịch UBND tỉnh còn ủy quyền cho Chánh Thanh tra tỉnh tiếp công dân; việc kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) đối với các sở, ngành, huyện, thị xã chưa được thường xuyên. Chủ tịch UBND một số huyện và thủ trưởng một số sở, ngành tiếp dân định kỳ chưa đầy đủ theo quy định, như huyện Tu Mơ Rông tiếp 55 trong số 96 lần (đạt 57,2%); huyện Đác Glây tiếp 20 trong số 96 lần (đạt 20,8%). Đáng chú ý, nhiều sở, ngành, địa phương chưa bố trí phòng tiếp công dân riêng; chưa ghi chép đầy đủ việc tiếp dân thường xuyên và tiếp dân định kỳ tại sổ tiếp công dân; chưa ban hành quy chế tiếp công dân.

Hay ở tỉnh Ninh Thuận, việc tiếp dân định kỳ của lãnh đạo một số đơn vị như UBND huyện Thuận Bắc, Thuận Nam; các sở: Công thương Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ còn chưa đầy đủ, thậm chí dưới 50% quy định…

Để khắc phục tình trạng này, mỗi người cán bộ cần hiểu sâu sắc rằng, nếu làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần huy động sự tham gia rộng rãi của người dân vào hoạt động quản lý của Nhà nước, quản lý xã hội, tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng. Ngoài ra, còn giúp các cơ quan, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân hơn. Mặt khác, qua việc tiếp công dân, người dân phần nào nhìn nhận, đánh giá được trình độ năng lực, thái độ, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với mình, qua đó có thông tin tin cậy để phản ánh với cơ quan thẩm quyền cũng như để đánh giá, lựa chọn nhân sự trong các kỳ bầu cử.

Trong thực tế cuộc sống, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thường xuyên đến với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, sẵn sàng sẻ chia những khó khăn, trở ngại với người dân. Qua đó, đã xây dựng được hình ảnh người cán bộ lãnh đạo gần dân, sát dân và được nhân dân tin tưởng…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33569502-lang-nghe-tam-tu-nguyen-vong-cua-nhan-dan.html