Lãng phí trong việc sử dụng văn bản, giấy tờ

Ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có hai vấn đề hết sức cấp bách đó là: Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất thông qua việc cung cấp thông tin, các chính sách và hướng dẫn các thủ tục hành chính trên mạng qua trang thông tin điện tử.

Thứ hai, là sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, xử lý hồ sơ, các công việc hàng ngày rất nhanh gọn, đầy đủ, chính xác, khoa học và tiện ích. Bởi vậy, hầu hết các địa phương và các bộ, ngành, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đã trở nên hết sức sôi động, khẩn trương. Hàng loạt các văn phòng điện tử, hộp thư điện tử, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành và địa phương lần lượt ra đời. Các hội nghị truyền hình trực tuyến, giao ban trực tuyến, giao lưu trực tuyến... của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương đã được thiết lập và ứng dụng trong thời gian qua, người dự, tham gia ở tại chỗ không phải đi xa, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí đi lại cho các địa phương, trong đó tiết kiệm được một lượng lớn các văn bản, giấy tờ như: giấy triệu tập, sao chụp nội dung chuyên đề... Quả thực, sự tiện ích và hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò hết sức to lớn và quan trọng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước hiện nay.

Tuy nhiên, ở khá nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh còn nhiều khó khăn thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế. Các cơ quan nhà nước vẫn không có thói quen ứng dụng tin học như hộp thư điện tử, email... mà vẫn còn sử dụng phương pháp truyền thống là ban hành nhiều văn bản, giấy tờ trong hoạt động quản lý nhà nước. Việc lạm dụng quá nhiều văn bản, giấy tờ là một sự lãng phí. Ví dụ như một dự thảo văn bản pháp luật của một bộ gửi các tỉnh, thành để góp ý kiến phải sao chụp hơn 60 bộ và gửi bằng đường bưu điện, trong khi từng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã có hộp thư điện tử. Nếu có thể tính nhẩm thì số tiền không phải là nhỏ, sự lãng phí này là quá lớn. Đó là nói ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, còn cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã thì còn lãng phí gấp bội lần. Ví dụ như cơ quan A cuối năm yêu cầu cấp huyện báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, khi văn bản đến cấp huyện thì cấp huyện lại yêu cầu cấp xã báo cáo, cứ thế văn bản cứ tăng lên theo cấp số nhân.

Chính vì vậy, trong công cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ và thực hành tiết kiệm chống lãng phí hiện nay, chúng ta cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm giảm lượng văn bản, giấy tờ là một yêu cầu cấp bách.

Đỗ Văn Nhân

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=42239&menu=1372&style=1