Lãnh đạo, cán bộ không đảm nhiệm được công việc thì phải điều chuyển

“Trong quá trình làm việc cần theo dõi, thử thách, lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo các Bộ, ngành, nếu anh được tín nhiệm thì tiếp tục, nếu không đáp ứng công việc thì chuyển công tác”.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Đó là quan điểm được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra khi trao đổi với báo chí về vấn đề làm thế nào để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Đại hội XII của Đảng vừa kết thúc thành công tốt đẹp, thành công không chỉ về công tác tổ chức khi nhiều văn kiện được đại hội nhất trí cao, mà đặc biệt là thành công trong công tác nhân sự khi các bước chuẩn bị nhân sự rất kỹ lưỡng, tổ chức lựa chọn nhân sự một cách dân chủ, khách quan, bầu rất tập trung, người trúng vào Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ) thấp nhất cũng có số phiếu đạt tỷ lệ 62%.

Nâng cao chất lượng ĐBQH

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, tỷ lệ nữ tham gia vào Bộ Chính trị tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Ông nhận định gì về điều này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đại hội Đảng XII là lần đầu tiên có một đồng chí ở Ủy ban thường vụ Quốc hội được bầu vào Bộ Chính trị, đó là đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Đây là một nữ lãnh đạo của Quốc hội (QH), trưởng thành từ QH. Bên cạnh đó, có 3 đồng chí nữ cũng lần đầu tiên tham gia ứng cử Ban chấp hành T.Ư đều trúng, gồm Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga. Đặc biệt, có hai đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội tái cử Ủy viên Bộ Chính trị, gồm đồng chí Tòng Thị Phóng và đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân. Đại hội này, tất cả nữ bên QH tham gia ứng cử BCH T.Ư khóa XII đều trúng cử.

Tôi cho rằng đây là điều rất đặc biệt. Điều này cũng phần nào thể hiện sự ưu ái, sự quý mến của các đại biểu dự Đại hội XII của Đảng với QH, thay mặt cho nhân dân đánh giá về vai trò, vị thế của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ Khóa XIII vừa qua, ngày càng khẳng định mình. Đây là điều rất đáng trân trọng, mà qua đó chúng tôi cũng thấy cần có trách nhiệm hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng người dân, vì mong muốn của người dân là QH phải tiếp tục phát triển hơn nữa, tiếp tục đổi mới hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động của mình.

Ông có nhắc tới việc nâng cao chất lượng cũng như vai trò của QH. Vậy theo ông, công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV sẽ phải đổi mới như thế nào để đáp ứng mục tiêu này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quan trọng là chất lượng ĐBQH, chất lượng ĐBQH quyết định hiệu quả của QH. Vì thế phải chọn lọc sao cho ĐBQH khóa mới vừa đảm bảo cơ cấu, vừa đảm bảo chất lượng, mà chất lượng phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt không nên lạm dụng cơ cấu mà ảnh hưởng chất lượng. Cái này phải đổi mới.

Tiếp theo là phải chuẩn bị cho đội ngũ chuyên trách tăng lên. Tới đây sẽ tăng ĐB chuyên trách lên 35%, con số cụ thể là 114 ĐB. Số này phải chọn lọc làm sao thật sự chất lượng, để trực tiếp hàng ngày làm việc với QH. QH khóa tới đây cũng có công việc rất quan trọng, đó là chuẩn bị tổ chức bầu để kiện toàn bộ máy lãnh đạo đất nước trên cơ sở số ĐH bầu vào BCH TƯ vừa qua. Đây là các đồng chí mới, trẻ, khỏe, năng động, sẽ phát huy năng lực của mình, đưa nghị quyết của Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Để đổi mới và nâng cao chất lượng của Quốc hội thì vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng của mỗi ĐBQH

Cán bộ không được tín nhiệm thì chuyển công tác

Đại hội XII của Đảng có nhiều ĐB trẻ, liệu có phải chúng ta đang cần lối tư duy trẻ để đưa đất nước phát triển, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Bây giờ chúng ta đang trong bối cảnh hòa nhập thế giới, đây là câu chuyện bắt buộc chúng ta phải đổi mới, ta phải đổi mới ta thì mới hòa nhập được. Chính vì thế vừa qua đã kiện toàn số đại biểu trẻ, chưa bao giờ các đồng chí mới ngoài 40 tuổi lại vào BCH TƯ nhiều như khóa XII. Tôi cho rằng, đây là cách Trung ương cài răng lược, cài 3 thế hệ có già, có trung tuổi và có trẻ, để ổn định cho những nhiệm kỳ sau phát triển liên tục. Đây là điều rất tốt nhằm đảm bảo công tác cán bộ.

Vậy, theo ông làm thế nào để đưa Nghị quyết của Đại hội Đảng vừa qua vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo tôi, biện pháp quan trọng nhất là cấp, ngành phải có các chương trình hoạt động cụ thể dựa trên cơ sở mục tiêu của Nghị quyết ĐH Đảng khóa XII. Mà phải triển khai từ trung ương, đến địa phương, Bộ nào ngành nào cũng vậy, trên cơ sở các lĩnh vực của mình, hướng tới mục tiêu phải tổ chức triển khai, phải có quá trình, trong 5 năm, rồi từ 5 năm đó chia cụ thể hàng năm làm gì, để đạt được mục tiêu đặt ra. Nếu chỉ hô hào quyết tâm, phấn đấu mà không có hành động cụ thể thì không thể thực hiện được.

Như vậy, theo tôi quan trong nhất là phải có hành động cụ thể, khi có hành động thì phải tích cực thực hiện. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương phải đồng tâm hiệp lực, đoàn kết để thực hiện.

Để thực hiện mục tiêu, theo ông có cần phải đưa ra “chế tài” để xử lý những ngành chỉ đề ra những mục tiêu để “làm đẹp”, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Gọi là chế tài thì nó hơi nặng nề. Với cán bộ nào không đáp ứng được công việc đề ra thì chuyển vị trí khác, nên thay đổi cho phù hợp. Qua quá trình công tác cần theo dõi, thử thách, lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo bộ, ngành, nếu anh được tín nhiệm thì tiếp tục, nếu không đáp ứng công việc thì chuyển công tác.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (Ghi)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lanh-dao-can-bo-khong-dam-nhiem-duoc-cong-viec-thi-phai-dieu-chuyen-d137299.html