Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ văn nghệ sĩ

Chiều ngày 5/1, tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ… đã gặp gỡ khoảng 300 đại biểu là các văn nghệ sĩ TP.HCM.

Lãnh đạo TP.HCM tại buổi gặp gỡ các văn nghệ sĩ

Mở đầu buổi gặp gỡ, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM phát biểu, ngoài những đóng góp của văn nghệ sĩ, các hội chuyên môn trong năm 2016, ông đề xuất với lãnh đạo TP quan tâm hơn đến ba vấn đề: Thứ nhất, bổ sung thêm nhân sự cho bộ máy văn phòng liên hiệp hội. Thứ hai, quan tâm hơn đến việc thành lập Trung tâm đào tạo và thực nghiệm văn học nghệ thuật của TP. Và cuối cùng là việc đặt tên đường cho các văn nghệ sĩ như Họa sĩ Nguyễn Gia Trí; NSND Phùng Há; nhà văn Lê Văn Thảo; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ TP

Tại buổi gặp gỡ, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM đặt vấn đề cần thiết phải có một giải thưởng chính thức của TP dành cho nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật. Theo ông Giàu, TP.HCM đã có các giải thưởng về văn học nghệ thuật uy tín, nhưng rất cần thiết có giải thưởng tôn vinh sự cống hiến của nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM

Ông Trần Ngọc Giàu lý giải: “Áp lực của cơ chế thị trường đang tác động rất lớn đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ. Đặc biệt, sự bùng nổ của hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… tại TP HCM thời gian qua đã tạo ra những lệch lạc không nhỏ về trách nhiệm cống hiến nghệ thuật, trách nhiệm góp phần xây dựng thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng của giới nghệ sĩ”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký

PGS-TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP. HCM trình bày ngắn gọn đề án thành lập Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm văn học nghệ thuật của TP tại 81 Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM). Trung tâm này sẽ có các nhiệm vụ đào tạo, tổ chức sự kiện, tư vấn về tranh chấp bản quyền nghệ sĩ… Đề án đã gửi đến UBND TP để tạo được nguồn thu cũng như sử dụng nhân sự đang có, nơi để các văn nghệ sĩ TP có chỗ hoạt động giúp đỡ các thế hệ sau.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi cùng nghệ sĩ Lệ Thủy tại buổi lãnh đạo thành phố gặp gỡ văn nghệ sĩ

Trong phần trình bày của mình, PGS-TS Văn Thị Minh Hương hy vọng đề án này sẽ đưa văn nghệ TP.HCM lên tầm cao mới trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ TP; từng bước xây dựng, phát triển Trung tâm 81 Trần Quốc Thảo thành một địa chỉ hội tụ nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trò chuyện với NSND Trà Giang

Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, đại diện Hội Điện ảnh TP.HCM kiến nghị mở một cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Mậu Thân (1968 – 2018).

NSND Đoàn Dũng kiến nghị lãnh đạo TP cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM

Có thể nói đây là một trong những buổi gặp gỡ, làm việc giữa lãnh đạo TP và nghệ sĩ sôi nổi nhất trong nhiều năm qua khi các đại biểu cởi mở, thẳng thắn và chân thành phát biểu các vấn đề còn tâm tư.

Nghệ sỹ ưu tú Mỹ Uyên

Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn đặt vấn đề: “Lâu nay chúng ta thường đề cập đến lý luận VHNT thuần túy mà không đề cao việc nghiên cứu lý luận. Tờ báo Văn nghệ của hội lâu nay đáp ứng được sự mong mỏi của độc giả ở một số lĩnh vực nhưng cũng cần mở rộng thêm vấn đề nghiên cứu lý luận”.

NSND Ngọc Giàu và NSND Bạch Tuyết

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười nêu quan điểm: “Sắp tới, theo qui hoạch TP.HCM sẽ là một trong ba trung tâm công nghiệp hóa lớn nhưng lĩnh vực VHNT chúng ta vẫn còn thiệt thòi nhiều, kinh phí cần phải dành đầu tư cho VHNT hơn nữa mới có thể cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc”.

Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính đề nghị nên có dự án tìm lại các văn nghệ sĩ đã hi sinh trong chiến tranh để tôn vinh, truy phong, phong tặng các danh hiệu cao quý cho những người đã khuất. Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký mong muốn có những đề án, kế hoạch triển khai cho thiếu nhi…Nghệ sỹ ưu tú Mỹ Uyên bày tỏ, nghệ sỹ mong muốn được về nguồn nhiều hơn để học tập, sáng tác. Trong khi đó, Nhà văn Nhã Thụy kiến nghị nên có những giải thưởng văn học của TP nhưng mang tầm quốc gia; Cần mời những đối tượng có cống hiến thực sự trong các chuyến đi về nguồn…

Diễn viên điện ảnh Mai Thu Huyền và diễn viên điện ành Bình Minh

Đại diện cho các diễn viên trẻ, nghệ sĩ cải lương Lê Tứ mong TP.HCM có một sân khấu cải lương đúng tầm. “Việc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng nhưng chưa được đưa vào hoạt động khiến nghệ sĩ gặp nhiều thiệt thòi, đất diễn bị hạn chế nên không có điều kiện dụng võ. Tôi cũng mong muốn TP nên có những chuyến đi về nguồn cho văn nghệ sĩ trẻ để có dịp tìm hiểu thêm lịch sử dân tộc, các danh nhân văn hóa để bổ sung vào vốn kiến thức cá nhân về các nhân vật mà người nghệ sĩ có dịp được hóa thân…”, nghệ sĩ Lê Tứ nói.

Lắng nghe tiếng nói của các văn, nghệ sỹ gửi đến lãnh đạo thành phố với những ưu tư, trăn trở, thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có những chia sẻ chân thành với anh em nghệ sĩ. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng không giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với các nghệ sĩ tên tuổi: “Tôi rất vui hôm nay được gặp lại nhiều thần tượng của mình thời còn đi học. Những người mà tôi từng mơ ước được gặp trong đời thì hôm nay mong muốn ấy đã thành sự thật. Tôi nhớ mãi kỷ niệm lúc nhỏ đã lỡ tay làm rách tấm ảnh chân dung chị Trà Giang treo trên tường mà bị bố đánh mấy roi rất đau. Sau này tôi mới hiểu chị Trà Giang không chỉ là thần tượng của tôi, mọi người, mà còn của chính bố tôi nữa. Nghệ sĩ là vậy. Hôm nay, được gặp, được bắt tay nhiều anh chị nghệ sĩ mình hâm mộ từ nhỏ là điều tôi mãn nguyện. Trong buổi gặp gỡ này, có nhiều người bằng tuổi bố tôi nhưng xin được gọi tất cả đều là anh chị vì các anh chị nghệ sĩ luôn trẻ, không bao giờ có tuổi cả”.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM trò chuyện với NSND Kim Cương tại buổi lãnh đạo thành phố gặp gỡ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ nỗi ưu tư khi đời sống của nhiều văn nghệ sĩ còn gặp nhiều khó khăn, không ít văn nghệ sỹ phải vật lộn với chuyện cơm áo gạo tiền, ốm đau, bệnh tật: “Tôi biết vẫn còn các anh chị văn nghệ sĩ chưa thoát khỏi sự chật vật về miếng cơm manh áo, nơi ở, công ăn việc làm. Tôi biết không ít các anh các chị vẫn phải ngày ngày đấu tranh với bệnh tật để âm thầm sáng tạo nên những tác phẩm có tác động to lớn đến từng cuộc đời.

Tôi thấu hiểu nỗi vất vả của nhiều anh chị ngày ngày miệt mài lao động trên từng trang giấy, chữ viết trong tiếng sôi réo của cơm áo gạo tiền. Mồ hôi, công sức của các anh các chị sẽ làm ánh lên những giá trị đạo đức chân chính, làm lộ ra những vẻ đẹp cao quý mà cuộc đời luôn chờ đợi.

Chỉ có tiếng nói của lương tri, tìm cách hướng con người đến những giá trị của Chân – Thiện – Mỹ mới xứng đáng để chúng ta lao động, hy sinh, cống hiến cả đời mình. Tôi tha thiết mong muốn các anh chị văn nghệ sĩ chia sẻ với chúng tôi định hướng văn hóa cốt lõi ấy”, Bí thư Thăng nói.

Bí thư Thăng nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, xã hội cần sự kết nối, động viên khích lệ đặc thù – đặc biệt của văn hóa nghệ thuật. Quan trọng hơn, chúng ta cần làm cho đời sống tinh thần của hàng chục triệu người dân được phong phú, nhân ái”…

Bí thư Thăng yêu cầu UBND TP.HCM và các sở ban ngành cần quan tâm hơn nữa, có chính sách chăm lo để các văn nghệ sỹ an tâm sống với nghề, miệt mài lao động nghệ thuật, cống hiến cho công chúng những tác phẩm hay, có giá trị. Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng dù kinh phí các lĩnh vực khác còn thiếu, nhưng đảm bảo vẫn ưu tiên cho VHNT. Ông ghi nhận những đóng góp chân thành của các đại biểu và khẳng định sẽ làm hết sức mình để văn nghệ sĩ TP có điều kiện tốt nhất để sáng tác và cống hiến.

“Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến cần tạo thêm điều kiện cho các anh chị văn nghệ sĩ trải nghiệm qua những chuyến đi thực tế, những chuyến về nguồn để nắm bắt thực tiễn, để thổi hồn vào những tác phẩm của mình. Các anh các chị hãy đi sâu hơn nữa vào đời sống.

Có nhiều đề tài về kinh tế, về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, những địa danh lịch sử, những điển hình tiên tiến trong sản xuất, những khu dân cư kiểu mẫu… xứng đáng được biểu dương và là nguồn hiện thực sâu sắc cho các anh chị văn nghệ sĩ dựa vào đó để sáng tạo”.

Tôi đồng cảm với sự vất vả của văn nghệ sĩ, khi đối mặt với “cơm áo gạo tiền” nhưng vẫn luôn mang nặng những trăn trở cho thành phố, cho đất nước. Trong những bước chuyển mình của đất nước, chúng tôi ghi nhận Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM đã luôn vận động, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, đưa ra các đề xuất tâm huyết, có trách nhiệm. Lãnh đạo thành phố sẽ nghiêm túc xem xét các đề xuất đó. Sắp tới TP sẽ cử cán bộ ra nước ngoài học tập, thậm chí thuê chuyên gia vào đào tạo trong nước. Sẽ xây dựng Nhà hát cải lương bài bản vì TP.HCM mà không có nhà hát cải lương thì cũng như các tỉnh thành khác, phải tạo ra bản sắc riêng biệt. Tôi cũng đã giao cho Thành đoàn có đề án khôi phục nhà hát cho thiếu nhi”“- Bí thư nói:

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: “Hôm vừa rồi tôi có làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật. Từ nay dứt khoát không còn có chuyện khoản chi giải thưởng nữa. Các anh dành cho giải thưởng 50 triệu đồng, tiết mục được giải thưởng có hơn 100 người tham gia thì chi thế nào? Làm kiểu đó là xúc phạm văn nghệ sỹ… Các tác phẩm văn học nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt, giá trị phải qua thẩm định một cách khoa học chứ không thể đo gang, tính trang để rót kinh phí”.

Kết luận buổi gặp gỡ, Bí thư Thăng khẳng định: “Tôi đồng cảm và chia sẻ với các anh chị về bản lĩnh nghệ thuật và tinh thần tự trọng. Lãnh đạo TP sẽ tháo gút mắc về tư duy lẫn cơ chế để các sản phẩm nghệ thuật phải được đối xử công bằng như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt. 13 ý kiến của các văn nghệ sĩ nêu hôm nay chúng tôi sẽ ghi nhận, xem xét và nỗ lực thực hiện trong năm 2017″.

Thu Hiền

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/lanh-dao-tp-ho-chi-minh-gap-go-van-nghe-si/