Lạnh gáy kịch bản cuộc chiến và so sánh tiềm lực quân sự Trung -Ấn

Có ý kiến cho rằng, nếu xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra ở vùng biên giới, hai cường quốc châu Á sẽ chỉ phân định được thắng thua bằng các chiến dịch trên biển.

Thế giới sẽ điêu đứng?

Theo nhà phân tích quân sự Kyle Mizokami của tạp chí National Interest, chỉ cần giả định trên lý thuyết cũng đủ thấy, cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là một trong những xung đột có quy mô tàn phá khốc liệt nhất ở châu Á.

Một cuộc chiến giữa hai cường quốc nếu xảy ra sẽ khiến khu vực giáp ranh với cả hai trở thành chiến trường đẫm máu, với hàng nghìn người thương vong cũng như ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ấn Độ-Trung Quốc đã có nhiều năm xích mích ở biên giới.

Trong khi đó, cuộc chiến trên biển sẽ là mặt trận quyết định trong một cuộc xung đột giữa hai nước. Là “ông chủ” ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang nắm giữ yết hầu của Trung Quốc.

Hải quân Ấn Độ với lực lượng tàu ngầm, tàu sân bay INS Vikramaditya và chiến hạm mặt nước có thể dễ dàng ngăn chặn dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Sẽ mất đến vài tuần Hải quân Trung Quốc mới có thể lắp ráp đội hình và hành trình tới phá thế vây hãm. Thậm chí Bắc Kinh cũng khó mà phá được đội hình của New Delhi khi lực lượng của họ phải chịu thiệt thòi khi làm nhiệm vụ ở nơi xa xôi, không có căn cứ hậu cần.

Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển hướng các tàu hàng qua Tây Thái Bình Dương, nơi cũng không dễ chịu hơn là mấy với các hoạt động hải quân của Australia, Nhật hay Mỹ quấy nhiễu.

87% nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc được nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Đông và châu Phi. Trữ lượng dầu lửa chiến lược của Trung Quốc có thể đáp ứng tình trạng thiếu nhiên liệu khẩn cấp trong 77 ngày, sau đó Bắc Kinh sẽ phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh nếu không muốn tình hình càng tồi tệ.

Một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc dù ngắn ngủi nhưng nếu xảy ra nó sẽ trở nên tồi tệ, tàn bạo và mang đến những hậu quả sâu xa cho nền kinh tế toàn cầu.

Cả hai bên đều hiểu rõ điều này. Đó là lý do tại sao đã không có cuộc chiến tranh nào giữa họ trong suốt 50 năm qua. Và theo nhà phân tích Kyle Mizokami, một cuộc xung đột sẽ khó xảy ra kể cả trong tình hình hiện tại.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/kich-ban-cuoc-chien-26-ty-nguoi-giua-trung-quoc-va-an-do-a332949.html