Lào Cai: Một vụ tranh chấp đất đai hy hữu

Dân đang sản xuất nông nghiệp ổn định thì chính quyền huyện Sa Pa cưỡng chế thu hồi đất rồi giao cho chính quyền thị trấn. Sau đó đất lại được đem cho thuê, khiến tranh chấp kéo dài.

Huyện thu hồi giao cho thị trấn

Thuê lại hơn 4000 m2 đất tại tổ 13, thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai) của hộ ông Phạm Văn Thì để trồng hoa từ năm 1999, hơn 15 năm nay, hộ ông Nguyễn Văn Thao sản xuất hoa ly, hoa hồng ổn định.

Nhiều người dân địa phương và ông Trần Văn Nha – Tổ trưởng Tổ 13 cũng xác nhận hộ ông Thao đã canh tác trồng hoa ổn định hơn chục năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thao cho PV biết: “Đến tháng 6/2015, UBND huyện Sa Pa ra QĐ xử phạt hành chính 2 triệu đồng với lý do lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Tôi là người thuê đất và không tranh chấp với ai nên tôi không nộp phạt. Vậy là đến ngày 3/11/2015, UBND huyện Sa Pa đã tổ chức đoàn cưỡng chế ruộng hoa ly của gia đình tôi gây thiệt hại khoảng 700 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Thao cho biết là đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng sau khi khu trồng hoa ly của gia đình bị phá. (ảnh: HC)

Ông Nguyễn Văn Thao cho biết là đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng sau khi khu trồng hoa ly của gia đình bị phá. (ảnh: HC)

Trong khi đó, ông Lê Tân Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho rằng việc dân kêu bị phá hoại tài sản là “không có cơ sở”. Ngày 15/9/2000, UBND tỉnh Lào Cai đã có QĐ thu hồi giao cho Cty TNHH công nghệ Việt Mỹ thuê đất để thực hiện việc trồng cây.

“Cty Việt Mỹ sử dụng, quản lý phần diện tích trên cho đến khi có các QĐ thu hồi đất của UBND tỉnh Lào Cai (ngày 15/12/2006 và 20/8/2013). Ngày 15/4/2015, UBND huyện đã nhận bàn giao diện tích đất trên từ Cty Việt Mỹ. Ngày 25/5/2015, UBND huyện tiến hành bàn giao diện tích đất đã thu hồi của Cty Việt Mỹ cho UBND thị trấn Sa Pa quản lý”- ông Lê Tân Phong cho hay.

Điều đáng lưu ý là từ khi thuê đất, Cty Việt Mỹ đã không sử dụng đúng mục đích thuê đất và còn cho người dân thuê lại. Tại QĐ số 2183/QĐ-UBND ngày 20/8/2013 về việc thu hồi đất của Cty Việt Mỹ có nêu hiện trạng thu hồi đất như sau: “Một phần diện tích đất trước đây chưa được giải phóng mặt bằng, phần còn lại Cty TNHH công nghệ Việt Mỹ đã tự ý cho các hộ dân thuê lại để trồng hoa”. Như vậy, UBND huyện Sa Pa không thể căn cứ vào QĐ thu hồi đất của UBND tỉnh Lào Cai đối với Cty Việt Mỹ để quy các hộ dân đang sản xuất nông nghiệp ổn định hàng chục năm nay là lấn chiếm đất đai.

Chính quyền thị trấn thuê người trông hay cho thuê lại?

Ngày 3/11/2015 là ngày ông Nguyễn Văn Thao tố UBND huyện Sa Pa cưỡng chế phá hủy ruộng hoa ly của ông, nhưng đối với chính quyền thì đây là ngày UBND huyện Sa Pa “bàn giao đất trên thực địa” cho UBND thị trấn Sa Pa quản lý.

Theo “Biên bản giao đất trên thực địa” được lập lúc 14h ngày 3/11/2015 tại vị trí đất đã chiếm của hộ ông Phạm Văn Thì – tổ 13. Ban thực hiện cưỡng chế (bên giao đất) gồm có ông Lê Tân Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện, bên nhận đất có Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa…

Ông Nguyễn Văn Thao cho biết là đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng sau khi khu trồng hoa ly của gia đình bị phá. (ảnh: HC)

Cũng theo Biên bản bàn giao đất thực địa, UBND thị trấn Sa Pa “cam kết tự quản lý theo đúng ranh giới, diện tích đã nhận bàn giao, không xảy ra tái lấn chiếm”. Tuy nhiên, sau cuộc cưỡng chế này gia đình ông Nguyễn Văn Thao tiếp tục canh tác hoa ly.

Theo ông Nguyễn Văn Thao: “Đến ngày 6/10/2016 ông Trần Văn Nha - Tổ trưởng Tổ 13 có dẫn 2 người đến đất của tôi và nói là người được UBND thị trấn thuê trông coi diện tích đất của tôi đang làm. Người đàn ông tên là Linh nói nếu tôi muốn tiếp tục trồng hoa thì phải cắt phần trăm cho anh ta. Tiếp đó, đến khoảng 10h ngày 18/10/2016 ông Linh và 4 người khác đi xe ôtô đến vườn nhà tôi và không cho gia đình tôi hái hoa ly và đấm đá tôi chảy máu mồm. Tôi đã đến CA thị trấn trình báo sự việc”.

Xác nhận sự việc với PV, CA thị trấn Sa Pa cho biết người gây ra xô xát với anh Thao là anh Vũ Trà Linh (HKTT xã Đông Long, Tiền Hải, Thái Bình). Một lãnh đạo CA thị trấn cho biết: “Anh Linh là người được UBND thị trấn cho thuê đất nên đã có xô xát với anh Thao. Ngày 8/11/2016, hai bên đã đến CA thị trấn và thỏa thuận dân sự, cam kết không để xảy ra sự việc tương tự”.

Theo quan sát của PV, “người của thị trấn” không những ngăn hộ anh Thao thu hoạch hoa ly mà còn “xen canh” cây su su vào ruộng hoa ly của nhà anh Thao. Như vậy tranh chấp giữa người trồng su su và người trồng hoa ly có lẽ chưa có điểm dừng…

Để làm rõ việc UBND thị trấn Sa Pa thuê người trông coi hay đem đất cho tư nhân thuê, phóng viên báo chí đã đến trụ sở thì được biết ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND thị trấn đi họp. Tuy nhiên, khi PV liên lạc với ông Thái thì ông Thái cho biết hiện đang nghỉ để chữa bệnh.

Theo LS Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn LS TP Hà Nội): “Trong trường hợp này cần phải xác định rõ trách nhiệm quản lý đất đai của UBND huyện và UBND thị trấn đối với lô đất. Trước khi ra quyết định xử phạt, cưỡng chế phải làm rõ căn cứ phát sinh QSĐ của của hộ anh Thao, nếu anh Thao lấn chiếm thì xử phạt hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nếu đúng anh Thao thuê từ năm 1999 thì việc cưỡng chế là trái quy định của pháp luật, cưỡng chế gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.”.

Nguyễn Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/lao-cai-mot-vu-tranh-chap-dat-dai-hy-huu-20161227154849558.htm