Lao động di cư tự do – Chuyện không của riêng ai

Gấp lại những trang sách cuối cùng thời trung học, chàng trai tuổi đôi mươi Đặng Quang Sơn đã quyết định rẽ bước hành trình sang con đường lao động ngoài nước để đi tiếp cuộc đời. Không chỉ là ước mơ được đặt chân lên vùng đất mới, mà đó còn là nỗi khát khao thay đổi cuộc sống.rn

“Tôi muốn đi nước ngoài là do nguyện vọng của tôi và gia đình, tôi muốn ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và muốn tìm hiểu ở nước ngoài họ sinh sống và làm việc như thế nào và muốn trải nghiệm cuộc sống ở đó” – Sơn chia sẻ.

Không chỉ những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, mà từ trong các ngôi làng nghèo ở Nghệ An, người dân đã hướng sức mình ra ngoài biên giới của đất nước để lao động. Thế hệ nối tiếp thế hệ, cứ vậy, đi lao động nước ngoài đã trở thành một xu hướng sống ở Nghệ An trong nhiều năm qua. Anh Hoàng Mạnh Danh, sinh năm 1988, là một ngư dân nghèo thuộc huyện Quỳnh Lưu chia sẻ rằn, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, cưới vợ xong thì vợ có bầu, đói quá nên vợ chồng bàn bạc nhau để cho anh đi xuất khẩu lao động.

“Lúc đầu cũng tính đi khô (trên bộ), nhưng vì đồng vốn bỏ ra quá cao nên em xuất khẩu theo đường nước, tức là đi làm việc cho doanh nghiệp trên biển của Đài Loan, mình đánh bắt xa bờ. Tất nhiên đi biển thì mình lênh đênh ngoài biển có thể 3, 4 tháng, 3, 4 năm hay 1, 2 năm thì mình mới vô đất liền một lần được, nhiều cái rủi ro do sóng gió, thiên tai hay những chuyện xảy ra ngoài tàu vì mình sống chung với nhiều người, biết là vậy nhưng mình đã xác định đi làm thuê thì mình phải chịu tất cả những điều đó để kiếm tiền về nuôi gia đình”, anh Danh chia sẻ.

Anh Hoàng Mạnh Danh và vợ trước quyết định đi lao động ở nước ngoài của anh

Nỗi khát vọng quá lớn... và bằng mọi cách – họ ra đi. Tự tìm hiểu thông tin qua bạn bè, hàng xóm, những người đi trước; tự liên hệ sang nước ngoài để kiếm việc làm; và rồi, họ tìm đến những công ty môi giới để đặt hi vọng của mình vào đó. Những bản hợp đồng mập mờ được ký vội; những đồng tiền là mồ hôi nước mắt, là cả một gia tài được trao tay. Thế chỗ vào đó là những hứa hẹn cho giấc mơ xuất ngoại mà họ không hay biết có những rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập.

Người thận trọng như Sơn sẽ mãi ngập ngừng ôm hồ sơ ngóng đợi; người nôn nóng vội vàng như anh Danh sẽ bất chấp để liều lĩnh dấn thân Phía sau anh là vợ con, là gia đình, người thân… đã đặt hết niềm tin cho lựa chọn này. Để rồi, giờ đây mỗi khi nhớ lại, anh Danh vẫn không khỏi bàng hoàng vì những ký ức nghiệt ngã trên hành trình di cư của mình. Lênh đênh trên sóng nước gần 2 tháng, Ngày làm 22 tiếng, công việc chưa quen, thời gian thích nghi không có, chính họ đã tự đẩy mình vào những hoàn cảnh éo le có màu sắc của tiêu cực: Bạo lực, đói kém, sự kì thị của những người chủ chẳng khác gì các phương thức bóc lột từ xa xưa. Anh Danh từng bị bỏ đói, đánh đập nhưng cũng không dám bỏ công việc cũng chỉ bởi một lẽ, anh về sẽ mất hết cả tiền lẫn công sức bỏ ra. Từ chỗ mong muốn giúp đỡ vợ con, anh lâm vào tình cảnh éo le.

Bắt đầu từ giấc mơ thay đổi số phận, di cư lao động đã trở thành câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm, có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, đây không chỉ là một câu chuyện mưu sinh nữa, mà có thể tác động đến các vấn đề khác.

Nói về vấn đề nhức nhối trên, ông Đặng Cao Thắng (Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) cho biết: “Hiện nay Nghệ An có hơn 65.000 người lao động ở các thị trường, tại các nước, trong đó có hơn 11.000 là lao động di cư tự do, đi làm việc tại một số nước mà chưa kí kết thỏa thuận đưa lao động sang làm việc có hợp đồng, đây là hiện tượng không bình thường. Nếu đi làm việc di cư tự do sang các nước mà chưa được kí kết lao động thì người lao động sẽ bất lợi nhiều thứ. Thứ nhất là không có hợp đồng lao động, pháp luật của hai nước không bảo lãnh, khi xảy ra rủi ro thì bản thân người lao động rất thiệt thòi. Đây là những hình thức đi lao động bất hợp pháp”.

Bà Trần Thị Vân Hà (Cục Quản lý Lao động ngoài nước) đánh giá: “Chúng tôi cho rằng những câu chuyện chưa thành công của những người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài là do trước khi đi họ tìm hiểu các thông tin chưa kỹ, người lao động chưa biết đến nơi mà mình sẽ tới: Văn hóa, pháp luật của nước sở tại, thậm chí họ còn không biết đến điều kiện làm việc, những cái thách thức, khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt như thế nào”.

Dù kết quả nhận được, hay cái giá phải trả là gì, thì cũng không có ước mơ nào là đáng trách; mà ngược lại, di cư trật tự và nhân đạo sẽ mang lại lợi ích cho chính bản thân người lao động và cả xã hội. Tận tụy với sứ mệnh ấy, Tổ chức Di cư Quốc tế IOM, Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc, cùng với các đối tác là các quốc gia thành viên, các tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế cùng phối hợp hành động nhằm hỗ trợ trong việc đáp ứng với những thách thức về di cư; thúc đẩy hiểu biết về những vấn đề của di cư. Ngày 5/12/2016 đánh dấu 65 năm nỗ lực không ngừng của IOM với mạng lưới văn phòng tại trên 100 quốc gia toàn cầu.. Tại Việt Nam, IOM bắt đầu hoạt động từ năm 1987 và hiện đang hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác với chính phủ Việt Nam.

Bà Trần Thị Vân Hà cho biết thêm: "Cục Quản lí Lao động ngoài nước và Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp và phát triển một dịch vụ nhằm cung cấp thông tin cho người lao động, thúc đẩy di cư lao động an toàn tại Việt Nam thông qua việc thành lập văn phòng hỗ trợ lao động di cư. Ngoài các kênh chính thống từ chính phủ thì vẫn chưa đến được với người dân thì chúng tôi sẽ cung cấp một dịch vụ thân thiện hơn, vươn tới cộng đồng, tới gần hơn với người di cư và để mang lại cho họ những lợi ích, mang lại cho họ hành trang tương đối đầy đủ để họ tự nâng cao năng lực bảo vệ bản thân khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.”

Đáp ứng những đòi hỏi của thực tế về nhu cầu lao động di cư, IOM đã và đang triển khai hàng loạt các dự án quan trọng, trong đó có dự án “Tăng cường năng lực chính phủ để hỗ trợ người di cư dễ bị tổn thương khu vực tiểu vùng sông Mekong và Malaysia” với việc thành lập Văn phòng Thông tin Di cư MRC ở Nghệ An. Dự án cũng triển khai nhiều cuộc đối thoại chính sách dành cho cộng đồng, tổ chức hội thảo vận động dành cho khối tư nhân về di cư an toàn, tập huấn hướng dẫn cung cấp dịch vụ tư vấn cho người di cư dễ bị tổn thương và nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập với cộng đồng.

IOM mở Văn phòng Thông tin Di cư MRC tại Nghệ An.

Chị Phạm Hà An (Trưởng Ban Chính sách Pháp luật - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An) cho biết: “Khi Văn phòng Thông tin Di cư mở ra tại Nghệ An, chúng tôi đã có rất nhiều hình thức tuyên truyền: Thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh, khi ấy chúng tôi tuyên truyền rất rộng rãi. Tại cộng đồng đi tới tận người dân, tới các chi hội phụ nữ ở các thôn bản. Hiệu quả của việc người dân tìm đến văn phòng thông tin di cư là rất lớn, nhu cầu của họ được đáp ứng, họ cũng muốn tìm hiểu rất nhiều thị trường, để họ có sự lựa chọn nhất định”.

Trở lại với câu chuyện của Sơn, sau ba năm loay hoay mà vẫn chưa tìm được lối đi cho giấc mơ của mình, cậu đã tìm đến Văn phòng Thông tin Di cư MRC Nghệ An. Sơn thật thà chia sẻ: “Chúng tôi là những người lao động bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để quyết định sự di cư này, nếu như gặp những rủi ro thì đó là một điều mất mát quá lớn. Qua sự tư vấn của văn phòng thông tin di cư thì chúng tôi đã nhận được những thông tin rất bổ ích, để xác định được đi nước nào cho phù hợp”.

Bạn Sơn được tư vấn miễn phí về di cư lao động tại Văn phòng Thông tin Di cư Nghệ An

Ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Di cư đang trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng đối với Việt Nam. Hiện có hơn nửa triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Tổ chức Di cư Quốc tế IOM, với tư cách là Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc , đã có bề dày hoạt động trong 65 năm qua. Một trong những vai trò quan trọng của chúng tôi là tăng quyền năng cho người di cư bằng những thông tin cần thiết để họ đưa ra những quyết định di cư đúng đắn: thông tin về nơi họ nên đi, mức chi phí, những lợi ích và các rủi ro tiềm ẩn.

Đối với IOM tại Việt Nam, chúng tôi đang tập trung hoạt động trong 3 lĩnh vực chính. Trước tiên là việc thành lập Văn phòng Thông tin Di cư, đã được thực hiện tại Hà Nội và Nghệ An để giúp cung cấp cho người di cư các thông tin hữu ích ... Chúng tôi cũng đang hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, và giảm lệ phí mà người di cư tiềm năng phải trả để đi làm việc ở nước ngoài. Và cuối cùng, chúng tôi đang triển khai nhiều hoạt động về vận động và nâng cao nhận thức về nạn đưa người đi trái phép và mua bán người, giúp những người Việt di cư tiềm năng biết được những rủi ro, các mạng lưới mua bán người và đưa người trái phép, cũng như làm thế nào để phòng tránh những vấn nạn này.”

Với sứ mệnh đặc biệt của mình, IOM đang hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua di cư, nâng cao nhân phẩm và sức khỏe của người di cư. Không chỉ trang bị những kiến thức đúng đắn cho cuộc hành trình của người lao động mà IOM còn hỗ trợ người dân viết tiếp những ước mơ đang bị bỏ dở giữa những toan tính của cuộc sống.

Lê Hoàng

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/lao-dong-di-cu-tu-do-chuyen-khong-cua-rieng-ai-d105135.html