Lao động nhập cư nghèo “đa chiều”

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và dự án Giảm nghèo đa chiều khu vực đô thị tại TP HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học “Giảm nghèo đa chiều ở TP HCM - Vấn đề và triển vọng”.

Báo cáo “Nhận diện nghèo đa chiều của người nhập cư ở TP HCM” tại hội thảo cho thấy tình trạng việc làm và thu nhập thấp, thiếu bền vững khá phổ biến của người lao động (NLĐ) nhập cư. Hầu hết các trường hợp khảo sát có mức thu nhập trên ngưỡng nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là NLĐ nhập cư không nghèo bởi thực tế, khoảng 24% thu nhập của họ được gửi về quê để chăm lo cho con cái và người thân.

Nhân viên tín dụng Chi nhánh CEP Tân Phú, TP HCM hướng dẫn người lao động nghèo vay vốn Ảnh: KHÁNH AN

Trong khi đó, mức thiếu hụt phổ biến nhất ở NLĐ nhập cư là các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: trình độ nghề, BHXH, BHYT, tiếp cận thông tin và nhà ở. Trong số các hộ nhập cư thuộc diện nghèo đa chiều thì thiếu hụt BHYT chiếm 90%, BHXH chiếm 97%. Phần lớn các hộ lao động nhập cư lựa chọn cách chữa bệnh là tự mua thuốc ở hiệu thuốc về uống (58%). Đối với vấn đề nhà ở, hầu hết NLĐ nhập cư tại TP HCM ở nhà thuê với diện tích bình quân đầu người chỉ 6,2 m2, trong đó mức thấp nhất ghi nhận được là 1,8 m2. Sở hữu nhà ở với diện tích tối thiểu gần như là hoàn toàn bất khả thi với nhiều người.

Về phương diện tiếp cận thông tin, mặc dù việc sử dụng điện thoại di động và internet, tivi là khá phổ biến nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết NLĐ nhập cư vẫn thiếu các thông tin về quyền và lợi ích của mình tại nơi cư trú. Phần lớn NLĐ nhập cư hòa nhập cộng đồng kém, ít cơ hội tham gia các sinh hoạt cộng đồng nên khó tiếp cận những thông tin về các chính sách an sinh xã hội dành cho mình.

B.Đằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-nhap-cu-ngheo-da-chieu-20170101212656008.htm