Lao động nữ vẫn quá thiệt thòi

Phải gánh vác trách nhiệm nặng nề làm vợ, làm mẹ trong khi vẫn phải làm việc như nam giới khiến lao động nữ chịu nhiều thua thiệt

“Trong một lần khảo sát, chúng tôi phát hiện có nữ công nhân (CN) dù mang thai đến tháng thứ 7 vẫn “tình nguyện” tăng ca với mong muốn cải thiện thu nhập. Đây là điều hết sức nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi”. Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Ban Nữ công Tổng LĐLĐ VN, đã không nén được bức xúc khi đề cập thực trạng đời sống nữ CN tại hội thảo về lao động nữ (LĐN) do Tổng LĐLĐ VN vừa tổ chức tại TPHCM. Bị vắt kiệt sức Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ VN tại 34 doanh nghiệp (DN) có sử dụng đông LĐN, cho thấy tăng ca để có thêm thu nhập là giải pháp được nhiều LĐN tại các KCX-KCN lựa chọn. Bà Phạm Thị Thanh Hồng lý giải: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng làm thêm giờ của LĐN là do đơn giá tiền lương quá thấp hoặc định mức sản phẩm quá cao. Để đủ lương khoán, LĐN phải tự nguyện ở lại làm thêm giờ. Cá biệt, ở hai ngành dệt may và giày da, phần lớn LĐN phải làm thêm mỗi ngày từ 1 đến 2 giờ mới hoàn thành được mức khoán”. Thêm vào đó, nhiều LĐN không hiểu biết về đơn giá tiền lương nên dễ dàng bị DN o ép. Theo các đại biểu, tăng ca không giúp LĐN giải quyết căn cơ được bài toán nâng thu nhập, mà còn khiến sức khỏe của họ suy kiệt. “Nhiều nữ CN thường xuyên về nhà trong tâm trạng mệt mỏi, điều này ảnh hưởng đến thiên chức làm vợ, làm mẹ của họ”- bà Phạm Thị Xa, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, phân tích. Một vụ ngừng việc tập thể của CN (đa số là lao động nữ) tại TPHCM do tăng ca nhiều nhưng thu nhập thấp Trình độ phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ thấp; khả năng tài chính để đầu tư cải thiện điều kiện làm việc ở các DN ngoài quốc doanh có hạn là hai nguyên nhân khiến điều kiện làm việc của LĐN chưa được cải thiện. Qua khảo sát, trên 55% LĐN phải làm việc trong môi trường tiếng ồn, rung và nóng bức. Đặc biệt, có đến 12,9% LĐN phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, kể cả những công việc nằm trong danh mục cấm sử dụng LĐN. Bên cạnh đó, chất lượng bữa ăn quá kém càng khiến sức khỏe LĐN suy giảm. Bị o ép nhiều nhất “LĐN khi xây dựng gia đình phải gánh vác trách nhiệm nặng nề là mang thai và sinh con trong khi vẫn phải làm việc như nam giới. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc, tiền lương... Có thể nói, so với nam giới họ thiệt thòi đủ thứ”. Tâm sự của bà Phạm Thị Ngọc Chi, Chủ tịch CĐ Công ty LadoHa (TP Hà Nội), đã nhận sự đồng cảm và chia sẻ của nhiều đại biểu. Phân tích các nhân tố tác động đến LĐN, tiến sĩ Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho rằng: “Do áp lực thiếu việc làm nên mức độ đấu tranh đòi quyền lợi của LĐN còn hạn chế vì họ sợ bị sa thải. Bên cạnh đó, việc không hiểu biết đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp cũng khiến LĐN trở thành đối tượng dễ bị DN lợi dụng, o ép nhiều nhất”. Đơn cử như vấn đề làm thêm giờ. Do thiếu hiểu biết, chỉ có 30% số LĐN được hưởng tiền lương làm thêm giờ đúng quy định. Ngoài mong muốn có được việc làm với thu nhập ổn định, LĐN mơ ước được học tập nâng cao trình độ. Thế nhưng, ước muốn đơn sơ này lại quá... xa vời. Theo các đại biểu, thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, mà còn là thiệt thòi cho LĐN, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Đề cập những bất cập của chính sách pháp luật hiện hành, bà Nguyễn Lan Hương, đại diện Văn phòng Giới chủ, cho rằng: “Về đào tạo nghề dự phòng cho LĐN, Nhà nước giao cho DN chủ động lập kế hoạch và kinh phí. Song, các DN thường chỉ chú ý đến lợi nhuận mà ít quan tâm đến đào tạo lại tay nghề cho LĐN. Đa số DN chỉ muốn tuyển dụng lao động trẻ, khỏe để sa thải LĐN đã có tuổi, tay nghề thấp”. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN: Tạo điều kiện, cơ hội thăng tiến cho lao động nữ Nghị định 23/CP của Chính phủ (ban hành ngày 18-4-1996) hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách LĐN đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung phù hợp. Thực tế, nhiều chính sách đã quy định nhưng khi triển khai gặp khó khăn, khiến một bộ phận LĐN vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi về tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, thăng tiến. Do vậy, pháp luật lao động cần phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm thực thi chính sách cho đối tượng này vừa tạo cơ hội cho họ thăng tiến.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20091021122524357p0c1010/lao-dong-nu-van-qua-thiet-thoi.htm