Lao động thời vụ, thiệt đơn thiệt kép

Đưa người lao động vào làm việc không có hợp đồng, nhưng khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp lại đòi xuất trình hợp đồng lao động (?). Lao động thời vụ luôn thiệt đơn, thiệt kép mỗi khi xảy ra rủi ro, tranh chấp.

Hoàng Xuân Dũng bị chấn thượng nặng sau vụ rơi giàn giáo; nhưng nhà thầu "phủi tay". Ảnh: QĐ

Ngày 9.9, Báo Lao Động phản ánh trường hợp chị Nguyễn Thị H, làm việc cho Cty Đại Hiệp (địa chỉ TP Vinh, Nghệ An) trong thời gian 3 tháng, nhưng sau đó không được thanh toán tiền ăn, dù trước đó cán bộ đã hứa.

Chị H. được giới thiệu vào làm việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản, chỉ có mấy lời trao đổi miệng. Đến khi chị nghỉ, đề nghị thanh toán tiền ăn, người quản lý từ chối, chị H. không biết bám víu vào đâu, vì trong tay không có văn bản gì cả.

PV liên hệ, ông C.Đ.Q., quản lý công ty dõng dạc: “Vậy thì người lao động đưa hợp đồng lên đây để giải quyết” (?).

Trụ sở Cty TNHH Đại Hiệp (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: QĐ

Chị H. dù sao cũng chỉ thiệt thòi về vật chất. Có những trường hợp lao động thời vụ bị tai nạn, chủ thầu đem vào viện, đưa cho ít tiền rồi phủi trách nhiệm; thậm chí không thừa nhận đã đưa người lao động vào làm.

Đó là trường hợp anh anh Hoàng Xuân Dũng (SN 1981, quê Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An), lao động thời vụ cho dự án cải tạo nhà khách Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An. Anh Dũng bị thương nặng, chủ thầu đưa vào viện, chi 5 triệu đồng rồi bỏ mặc. Anh Dũng khó kiện bởi làm việc không có hợp đồng lao động.

Đó là trường hợp ông Trần Văn Hộ (SN 1959), trú xóm 10 xã Nghi Tiến (Nghi Lộc, Nghệ An), làm việc tại dự án xi măng Nghi Thiết. Vào 7h30 ngày 7.5.2017, trong khi lao động, ông Hộ bị rơi từ tầng 2 xuống đất, tử vong tại chỗ. Nhà thầu chi tiền thỏa thuận với gia đình chứ không báo cơ quan công an.

Hiện nay, các nhà thầu xây dựng đều không thành lập bộ máy nhân sự cồng kềnh, mà chỉ có bộ khung cơ bản như kế toán, thủ quỹ, kỹ sư… Còn có công trình ở đâu, họ sẽ thuê lao động thời vụ ở đó. Mặc dù thời gian thi công kéo dài, họ cũng lách luật không ký hợp đồng lao động, hoặc chỉ ký thời hạn dưới 3 tháng.

Làm cách này, nhà thầu rất có lợi vì chi phí nhân công thấp, không liên quan đến các chế độ bảo hiểm, trợ cấp thôi việc, các chế độ phúc lợi…

Khi người lao động gặp rủi ro, tai nạn, doanh nghiệp cũng dễ phủi trách nhiệm. Đội ngũ lao động thời vụ phần lớn hiểu biết về pháp luật lao động còn hạn chế, nên khi xảy ra tranh chấp thường chịu thiệt thòi.

Tuy nhiên, cách làm này cũng có mặt bất lợi cho doanh nghiệp, đó là đội ngũ lao động thời vụ thiếu chuyên nghiệp, không được huấn luyện tốt, không nỗ lực vì doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực, làm việc kiểu được chăng hay chớ.

Cần làm gì để có chế tài nghiêm minh để xử lý các hành vi “lách luật” của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, đang là một vấn đề nan giải.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-thoi-vu-thiet-don-thiet-kep-563839.ldo